10/02/2022 3:50:34

Cần chú ý gì khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi?

Sau khi cả nước tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi đạt hiệu quả cao, góp phần phòng chống dịch và phục vụ việc mở cửa lại trường học, Bộ Y tế tiếp tục có kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP về việc mua 21,9 triệu liều vaccine Covid-19 của Hãng Pfizer dành cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn và hiệu quả. Trước yêu cầu trên của Chính phủ, Bộ Y tế đang hoàn thiện các thủ tục mua sắm nhằm sớm ký hợp đồng mua vaccine Covid-19 với Hãng Pfizer. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng rất thận trọng đánh giá toàn diện, khoa học và khách quan đối với vấn đề tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay, WHO đã chính thức cấp phép cho vaccine Covid-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi. Cùng với đó, trên thế giới đã có 44 quốc gia tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, trong đó có đến 75% dùng vaccine Pfizer. “Khi có vaccine này, chúng ta sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng chắc chắn, vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu, trước hết và trên hết”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Tuy việc tiêm vaccine Covid-19 không phải bắt buộc nhưng ngành Y tế khuyến khích tất cả người dân tiêm cho trẻ vì thực tế có khoảng 80% trường hợp tử vong do mắc Covid-19 thời gian qua là do không tiêm vaccine, hoặc tiêm không đủ mũi.

TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, hiện nhiều người tiếp xúc với các nguồn tin không chính thống về các phản ứng phụ khi tiêm vaccine cho trẻ em. Bên cạnh đó, một số người còn cho rằng trẻ không nên tiêm vì nghĩ nếu nhiễm bệnh cũng không nặng. Điều này không sai ở chỗ trẻ em khi mắc COVID-19, bệnh nhẹ hơn người lớn, nhưng với những trẻ có bệnh nền khi mắc rất dễ trở nặng.

Ngoài ra phụ huynh cần nhớ rằng trẻ khỏe mạnh nhưng sau khi nhiễm COVID-19 có thể bị ảnh hưởng khả năng tiếp thu, khả năng học, sinh hoạt. Hội chứng hậu COVID-19 không phải chỉ xảy ra ở người lớn mà ở cả trẻ em.

“Không có lý do gì mà phải trì hoãn việc tiêm vaccine cho trẻ”, TS. Phạm Quang Thái nhấn mạnh.

Trẻ 5-11 tuổi được tiêm vaccine COVID-19 với liều lượng thấp hơn (chỉ bằng 1/3 liều) so với nhóm từ 12 tuổi trở lên, vì vậy rất an toàn cho trẻ. 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho lứa tuổi này.

Trẻ sau khi được tiêm vaccine COVID-19 sẽ được bảo vệ. Nếu không may các con bị nhiễm bệnh, thì cũng chỉ ở thể rất nhẹ, hạn chế lây nhiễm sang trẻ khác.

Các phản ứng thông thường sau tiêm vaccine ở trẻ 5-11 tuổi là sốt, đau tại chỗ tiêm, mỏi người… được ghi nhận với tỉ lệ thấp hơn nhóm trẻ lớn và người trưởng thành. Còn những phản ứng bất lợi nặng khác không ghi nhận khi tiêm ở liều trẻ em.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Bộ Y tế sẽ tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến chi tiết, cụ thể về các phản ứng, theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm.

“Chúng tôi cũng sẽ truyền tải các thông tin này đến cộng đồng, các bậc cha mẹ để phụ huynh cùng tham gia với ngành y tế, cán bộ y tế trong theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm”- bà Hồng cho biết.

Liên quan tới vấn đề tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi, sáng 9/2, Bộ Y tế cho biết đã giao Viện Chiến lược và Chính sách Y tế khảo sát trực tuyến các phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả khảo sát hơn 415.000 phụ huynh tham gia cho thấy 60,6% phụ huynh đồng ý tiêm; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc và chỉ 1,9% phụ huynh không đồng ý. Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng việc tiêm chủng vaccine cho lứa tuổi 5-11 tuổi

Vương Tâm