Với lưu lượng 12.000 sinh viên/năm, hầu hết sinh viên đều có việc làm và thu nhập từ năm thứ 2, Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM đang là địa chỉ “hot” được giới trẻ TP.HCM và các tỉnh lân cận đam mê khối ngành kinh tế, kỹ thuật và công nghệ lựa chọn.
Đào tạo để làm việc trong môi trường đa văn hóa
Gặp TS Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM tại lễ ký kết hợp tác đào tạo với Trường Đại học Kiên Giang và doanh nghiệp Thái Bình Giày – đơn vị đang sử dụng trên 5.000 lao động tại Kiên Giang, ông Tuân tự hào cho biết, mỗi năm trường tuyển mới vượt chỉ tiêu hơn 4.000 sinh viên tốt nghiệp THPT.
Trường đào tạo 21 ngành, chủ yếu ở 3 khối kinh tế, kỹ thuật và công nghệ với 13 khoa phòng: Khoa học cơ bản, lý luận chính trị, ngoại ngữ, kế toán – tài chính; ngân hàng; quản trị khách sạn; quản trị kinh doanh; cơ khí; cơ khí động lực; điện – điện tử; công nghệ thông tin; công nghệ hóa học và thực phẩm; Trong tất cả các ngành này, hàng năm chỉ tiêu số lượng tuyển sinh vẫn ổn định định, chỉ có ngành da giày khó tuyển sinh nhưng cũng là ngành sinh viên dễ có việc làm nhất. Cả TP.HCM chỉ có 1- 2 cơ sở đào tạo sinh viên ngành giày da. Chính vì vậy, nhà trường đang kết hợp với doanh nghiệp đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động của các doanh nghiệp giày da.
Theo TS Bùi Mạnh Tuân, các ngành đào tạo của nhà trường, mặc dù số lượng tuyển sinh hàng năm lớn nhưng đa phần từ năm thứ 2 các em đã có việc làm và thu nhập. Riêng nhóm ngành kỹ thuật trường không phải lo đầu ra cho sinh viên bởi đào tạo tới đầu hết tới đó. Bản thân các em học khối ngành kỹ thuật bao giờ cũng dễ tìm việc làm và lương của các em khối ngành này luôn cao hơn các khối ngành khác. Đối với sinh viên khối kinh tế, các em rất năng động, từ năm thứ 2 các em đã tự tìm việc làm, tự kinh doanh.
Bí quyết để “đào tạo tới đâu hết tới đó” theo ông Tuân, “chẳng có gì là bí quyết”. Cũng như nhiều trường bạn, Cao đẳng Công thương TP.HCM cũng đi từ triết lý giáo dục: Kỹ năng – Tay nghề – Sáng tạo – Hội nhập. Song điều quan trọng theo ông Tuân là phải hiện thực hóa được triết lý này trong mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy, học tập…của nhà trường.
“Đào tạo không chỉ cho người học một cái nghề mà còn giúp họ trở thành những công dân có học thức, tự tin lập thân, lập nghiệp, làm việc hiệu quả trong môi trường đa văn hóa và thích ứng với môi trường việc làm công nghệ thay đổi. Chính vì vậy nhà trường tập trung vào đào tạo nâng cao kỹ năng cho sinh viên để khi ra trường các em thích nghi ngay với công việc. Kiên trì với hướng đi này, sau nhiều năm nhìn lại thấy rõ ràng sinh viên có kỹ năng ngày càng tốt hơn”,ông Tuân cho biết.
Theo ông Tuân, “tài nguyên” lớn nhất, quí nhất của ngôi trường ông đang quản lý là đội ngũ cán bộ giáo viên có trình độ, đam mê nghiên cứu, sáng tạo, luôn truyền được cảm hứng tích cực cho sinh viên.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Dịch bệnh Covid-19, kéo dài 2 năm qua đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động tuyển sinh của nhà trường, tuy nhiên cũng do dịch bệnh nên nhiều hoạt động của nhà trường đều diễn ra trên môi trường số, thúc dẩy nhanh hơn yêu cầu chuyển đổi số trong các hoạt động của nhà trường. Năm 2022, nhà trường tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn, trong đó chú trọng đào tạo kỹ năng cho sinh viên để các em ngay khi đi thực tập đã có kỹ năng tốt.
Trường cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành Trường chất lượng cao, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số. Chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao, quy mô đào tạo được duy trì hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao và đa dạng của xã hội. Đến năm 2030, Trường đủ điều kiện trở thành trường đại học đào tạo đa ngành theo hướng ứng dụng, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, được xã hội tín nhiệm cao về chất lượng đào tạo với phương châm “học tập gắn liền với thực tiễn cuộc sống”, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Trước mắt mong muốn lớn nhất của nhà trường là được thành phố cho phép mở rộng diện tích để tăng qui mô đào tạo, đồng thời tạo không gian, môi trường cảnh quan sinh hoạt tốt hơn cho sinh viên.
Phương Hà