Giống như tất cả các công cụ khác, Internet khó có thể nói là tốt hay xấu một cách rạch rồi. Nó chỉ đơn giản là được con người ứng dụng như thế nào, mang đến hiệu quả tích cực hay hệ quả tiêu cực. Việc đảm bảo trẻ em có thể trở thành một “công dân Internet” thông minh và an toàn trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển nhanh chóng và dịch bệnh COVID-19 hoành hành là bài toán đặt ra cần có sự chung tay để đưa ra lời giải.
Khoảng trống kỹ năng sử dụng mạng an toàn
Với sự phát triển của thế giới công nghệ, mạng xã hội ngày càng trở thành một phần quan trọng trong đời sống xã hội đương đại. Là kho thông tin khổng lồ, thế giới tri thức không biên giới, môi trường mạng không chỉ là kênh cung cấp thông tin, giải trí, thư giãn cho mọi người mà còn giúp mở rộng mối quan hệ xã hội đặc biệt là kết bạn.
Trong xu thế chung, Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Theo số liệu thống kê của Digital, tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 – 2021 (chiếm hơn 70% dân số), trong đó 1/3 là người chưa thành niên.
“Trẻ em dễ bị xâm hại trên môi trường mạng vì trẻ em đang dẫn đầu trong việc tiếp thu và sử dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam. Tuy nhiên trẻ em lại có hiểu biết chưa đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet.
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD): “Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%). Chỉ có 11% học từ nhà trường nhưng hầu hết các trường học cũng mới chỉ dạy kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Trong khi từ phía cha mẹ, người giám hộ và người chăm sóc thì do những hạn chế về kiến thức, kỹ năng gặp nhiều khó khăn để giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng”.
Thực tế nhiều phụ huynh vẫn chưa hướng dẫn và kiểm soát việc trẻ sử dụng các công cụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, sử dụng internet hàng ngày. Ngày càng có nhiều trẻ em nghiện game, nghiện điện thoại thông minh, nghiện mạng xã hội.
“Trước đây chúng ta đã chứng kiến sự nguy hiểm của việc trẻ em nghiện game online thì nay trẻ nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại thông minh cũng nguy hiểm không kém. Chúng ta vẫn cho rằng thế giới mạng là ảo. Điều này không đúng vì nhưng những tổn thương với trẻ em, những sang chấn tâm lý với trẻ em là có thật”, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cảnh báo.
Kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng an toàn- “Vắc xin số” cho trẻ em
Ông Đặng Hoa Nam cũng nhấn mạnh, “cần có những liều vắc xin để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Cha mẹ cần trang bị cho chính mình và con em mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng, làm sao để trở thành công dân thông minh trong thế giới số. Đồng thời cần làm bạn, lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng mạng internet”.
Vào ngày 1/6/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng.
Hoan nghênh và đánh giá cao sự kiện này của Chính phủ Việt Nam, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh: “Internet mang đến rất nhiều cơ hội. Nhưng bên cạnh cơ hội cũng có những nguy cơ lớn. Chương trình mới được phê duyệt đã tính đến sự cần thiết phải cân bằng giữa việc giải quyết các nguy cơ cho trẻ em và những thay đổi đầy hứa hẹn mà kỹ thuật số mang đến cho trẻ em, kết nối các em với phương pháp học tập đầy sáng tạo, cách giải quyết vấn đề, nâng cao sự hiểu biết và kỹ năng mà các em cần có để thành công trong thế giới kỹ thuật số”.
Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng đã chú trọng vào vai trò của trẻ em và thanh thiếu niên trong việc tìm ra giải pháp, nhằm nâng cao năng lực trẻ em và thanh thiếu niên để các em có thể tận dụng những cơ hội tuyệt vời mà thế giới kỹ thuật số mang lại. Đồng thời trang bị cho các em những kiến thức và kỹ năng để tự nhận ra nguy cơ và có thể tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.
Chương trình cũng đề cao vai trò quan trọng của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và giáo viên trong việc hướng dẫn và hỗ trợ cho trẻ em để các em có thể tương tác trên mạng một cách an toàn và lành mạnh.
Với Chương trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới được phê duyệt, Chính phủ Việt Nam sẽ hợp tác với ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông để theo kịp tốc độ thay đổi và bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ và tác hại mới và đảm bảo rằng Internet luôn an toàn cho trẻ em. Chính phủ cũng cam kết xây dựng luật, chính sách, thực tiễn và các sản phẩm có thể giúp trẻ em khai thác các cơ hội kỹ thuật số và bảo vệ các em khỏi những tổn hại.
Cụ thể hóa Chương trình, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo dự thảo, bộ Quy tắc áp dụng cho 5 nhóm đối tượng gồm: Trẻ em; cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ; người dùng Internet; đơn vị truyền thông và người sáng tạo nội dung trên mạng; doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, nội dung tại Việt Nam.
Trong đó, đối với trẻ em, quy tắc ứng xử nhấn mạnh việc tìm hiểu các biện pháp an toàn khi sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, mạng xã hội cũng như khi sử dụng các dịch vụ trên mạng và chia sẻ với bạn bè một cách an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm.
Cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, khi tìm kiếm các thông tin trên Internet; không truy cập vào các đường dẫn, nội dung có nguồn gốc không rõ ràng, do người lạ gửi.
Đặc biệt không chia sẻ, cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân trên mạng hoặc khi truy cập các trang web, dịch vụ mạng lạ; không làm làm quen, gặp gỡ với người lạ qua mạng khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ.
Trẻ em không tham gia các hoạt động kéo bè, công kích, mạo danh, bắt nạt, hạ nhục bạn bè, người khác. Không truy cập, sử dụng và chia sẻ các thông tin, có nội dung độc hại; giao tiếp, ứng xử tích cực trên không gian mạng. Các em cũng cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô khi gặp các vấn đề, khó khăn, khi bị bắt nạt, cô lập hoặc bị xâm hại trên mạng.
Đối với cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ cần tôn trọng quyền tự do cá nhân của trẻ trên mạng, quan tâm chăm sóc, lắng nghe ý kiến của trẻ. Bên cạnh đó cần luôn cập nhật các kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ trẻ em trên mạng; hướng dẫn con em mình các kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội an toàn; hướng dẫn trẻ em cách ứng xử trên mạng an toàn, sáng tạo, lành mạnh và có trách nhiệm.
Cha mẹ và giáo viên cũng cần chú ý quan tâm, kiểm tra, giám sát việc sử dụng Internet của trẻ, các nội dung trẻ tìm kiếm, ứng dụng trẻ sử dụng, mối quan hệ của trẻ trên mạng, những thay đổi bất thường của trẻ…
Dự thảo quy tắc cũng nêu: người dùng mạng không chia sẻ các thông tin không lành mạnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em như bạo lực, khiêu dâm, tệ nạn,…; không bình luận, không cổ súy cho các hành vi làm ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, tình cảm của trẻ. Phản ánh các thông tin không lành mạnh, tiêu cực, các hành vi xâm hại đối với trẻ em cho cơ quan chức năng.
Đối với các cơ quan, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên mạng, cần xây dựng các nội dung truyền thông phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và tiêu chuẩn cộng đồng; luôn ưu tiên đặt lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em trên mạng. Các đơn vị này cẩn trọng khi xây dựng những nội dung truyền thông và phải kiểm tra, xác minh thông tin trước khi truyền thông…
Với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và doanh nghiệp cung cấp nền tảng phải chủ động phát hiện, ngăn chặn các nội dung không lành mạnh, các hành vi xâm hại trẻ em; cung cấp thông tin về các nội dung không lành mạnh, hành vi xâm hại trẻ em cho cơ quan chức năng; tích cực thực hiện ngăn chặn các nội dung, hành vi xâm hại trẻ em khi người dùng phản ánh.
Dự thảo cũng nêu rõ việc kiểm soát độ tuổi, tần suất sử dụng của trẻ em khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ; thiết lập các công cụ để rà soát, chặn lọc và loại bỏ các nội dung độc hại đối với trẻ em; cung cấp và liên tục cải tiến các bộ lọc nội dung, cảnh báo, hạn chế tiếp cận thông tin phù hợp với từng độ tuổi.
Đồng thời phối hợp ngăn chặn và gỡ bỏ các nội dung không lành mạnh; phát triển các nội dung, ứng dụng thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo lành mạnh cho trẻ em.
Bảo vệ trẻ em, nhất là trên môi trường mạng không thể là câu chuyện làm trong ngày một, ngày hai. Nhưng với những cam kết và nỗ lực của Chính phủ, sự tự điều chỉnh của các nền tảng trực tuyến, của các cơ quan quản lý, sự quan tâm, phối hợp từ phía cha mẹ, người chăm sóc trẻ sẽ giúp trẻ em có được những kiến thức kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trong mọi môi trường.
Hải Yến