Đó là 4 sinh viên giỏi năm 2, năm 3 cùng có chung một niềm đam mê, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học và đạy nhiều giải thưởng cấp tỉnh, cấp Bộ và cấp Quốc gia.
Đó là Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Văn Phúc (nghề Xây dựng); Nguyễn Minh Luyện (nghề Công nghệ ô tô), Nguyễn Thị Thùy Trinh (nghề Điện tử, Tin học).
Chia sẻ về những thành công ấy, mỗi sinh viên là một câu chuyện, hành trình đến với nghề, đến với Cao đẳng Cơ khí – Xây dựng Bắc Ninh (BCEC) để khẳng định mình và định hướng tương lai.
Vũ Minh Phúc – HCV nghề Ốp lát tường và sàn Tay nghề Quốc gia năm 2020:
Đam mê thiết kế kiến trúc Xây dựng, Vũ Minh Phúc (Bắc Ninh) chọn nghề Xây dựng để học, trong đó nội dung thế mạnh của Phúc là Ốp lát tường và sàn. Trước khi đến với Kỳ thi Tay nghề quốc gia năm 2020, Phúc được tham gia cuộc thi tay nghề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đó là lần đầu tiên Phúc được trải nghiệm ở một sân chơi nhiều bổ ích, được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các bạn sinh viên của nhiều trường nghề… Ngay từ cuộc thi này, Phúc đã thể hiện tốt nhất những kỹ năng, sự khéo léo của mình để giành giải Nhất cấp Bộ.
Đó cũng là động lực lớn để Phúc tiếp tục tự tin đến với cuộc thi Tay nghề Quốc năm 2020 ở nội dung này. Trong quá trình học nghề này, để tiết kiệm chi phí, vật tư khi thực hành chỉ dùng vôi và bột đá, gần sát cuộc thi mới được thực hành bằng bột pha thành keo dính. Hơn nữa, những kỹ năng đọc bản thiết kế công trình để thi công rất quan trọng với người làm nghề Ốp lát tường và sàn.
Từ kinh nghiệm của cuộc thi cấp Bộ, Phúc tiếp tục tiếp bước đến cuộc thi Tay nghề Quốc gia lần thứ 11- 2020. Để chinh phục nấc thang mới, không chủ quan với thành tích đạt được ở cấp Bộ, Phúc luôn được các thầy trong khoa hướng dẫn tận tình từng chi tiết, cùng với tinh thần ham học hỏi, miệt mài ôn luyện và xứng đáng giành tấm Huy chương Vàng.
Phúc cho biết: “Nghề Xây dựng luôn thiếu lao động có tay nghề nên sau tốt nghiệp em hoàn toàn có thể tự tạo việc làm, đáp ứng tốt những yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng”.
Nguyễn Văn Kiên – HCĐ nghề Xây gạch Tay nghề Quốc gia năm 2020: “Chọn nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu của thị trường là điều quan trọng”
Thấy vì tự đặt ra những mục tiêu quá cao cho con đường học vấn của mình, Nguyễn Văn Kiên lại rất thực tế khi đăng ký học nghề Kỹ thuật Xây dựng tại BCEC bởi phù hợp với năng lực, cũng như sở thích của bản thân.
Hiện đã bước sang năm học thứ 2, những kỹ năng nghề Xây gạch của Kiên đã được các giáo viên đánh giá cao, đủ để tham gia kỳ thi Tay nghề Quốc gia năm 2021. Trong suốt thời gian ôn luyện, Kiên luôn nỗ lực và em cảm thấy mình may mắn khi luôn được các thầy động viên, dẫn dắt nhiệt tình để tự tin bước vào các cuộc thi sắp tới.
Kiên cho biết: “Được nhà trường tạo điều kiện tham gia cuộc thi, em sẽ được thể hiện năng lực của mình cũng như nhận ra những điều còn hạn chế cần khắc phục trong chuyên môn”.
Nghề Xây gạch là một nghề khá vất vả nên ngày càng ít bạn trẻ chọn học. Không ngần ngại khó khăn, Kiên đã xác định học nghề là phải học cho thật tốt để có thể đứng vững khi bước chân vào thị trường lao động, không chỉ dừng lại với vai trò là người thợ mà cốm thể vươn lên những vị trí cao hơn.
Nguyễn Minh Luyện – Giải Khuyến khích Liên hoan sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ tỉnh Bắc Ninh lần thứ V- 2020”; Giải Nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ BCEC lần thứ 6- 2020”; Chủ nhiệm đề tài Máy làm vườn đa năng 4.0 BCEC:
Với mong muốn được trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực, sau khi tốt nghiệp THPT thay vì đi học đại học như hầu hết các bạn cùng lớp, Luyện lại hăng hái lên đường nhập ngũ làm quân nhân.
Hết thời hạn nghĩa vụ quân sự, Luyện bấy giờ mới nghĩ đến việc chuẩn bị hành trang cho cuộc sống thông qua chọn đăng ký nghề Công nghệ ô tô ở BCEC, với lý do đơn giản là cuộc sống luôn cần đến sự song hành giữa lý thuyết và thực tiễn nên chọn học nghề sẽ đáp ứng được tiêu chí đó.
Hiện em đã là sinh viên năm thứ 3 của BCEC. Suốt quá trình học tập, Luyện đã thể hiện hết mình năng lực và sự sáng tạo của mình với nghề. Chất xúc tác để khơi gợi sự sáng tạo trong Luyện chính là cuộc thi “Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Trẻ” do Nhà trường tổ chức thường niên. Luyện cũng từng tham gia nghiên cứu chế tạo xe tiết kiệm nhiên liệu do Honda tổ chức và cùng đội nhóm của mình giành giải Nhất tại cuộc thi lần thứ VI.
“Cuộc thi là nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy niềm đam mê, nghiên cứu, sáng tạo khoa học trong học nghề, từ đó áp dụng tốt trong đời sống thực tiễn.Cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc hiện đại hoá đất nước luôn cần đến nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng để làm chủ công nghệ. Ngày nay, ngành ô tô đang phát triển nhanh và ngày càng đổi mới. Vì vậy em luôn có kế hoạch phát triển bản thân, tiếp tục trau dồi kiến thức để có thể bắt nhịp, thích ứng được với sự chuyển đổi của công nghệ ô tô và trở thành người thợ thực sự có kỹ năng trong nghề”, Luyện chia sẻ.
Mới đây ngày 16/ 7/ 2021, Luyện đã vinh dự được kết nạp Đảng.
Nguyễn Thị Thùy Trinh – Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu, tính toán, lập trình máy in 3D; cùng nhóm giành giải nhất Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ BCEC lần thứ 7- năm 2021:
Cô gái dân tộc Mường đến từ Hòa Bình, học khoa Điện tử – Tin học năm thứ 3 ở BCEC luôn cảm thấy yên tâm với sự lựa chọn sáng suốt của mình. Trinh cho rằng, học Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công và tỉ lệ sinh viên học nghề luôn có việc làm đúng với nghề hơn so với học đại học. Hơn nữa, thời gian đào tạo ở trường nghề lại được rút ngắn, sau 3 năm học chắc chắn có kỹ năng nghề vững vàng.
Chi phí và điều kiện học tập ở BCEC khá hiện đại, điều đó giúp Trinh thực sự hứng thú trong học tập. Tham gia và là chủ nhiệm đề tài Sáng tạo khoa học, kỹ thuật trẻ do Nhà trường tổ chức, trong bối cảnh dịch Covid-19 nhiều khó khăn, Trinh và các bạn cùng nhóm vẫn luôn cố gắng và sáng tạo. Cuối cùng, nhóm Đề tài Nghiên cứu, tính toán, lập trình máy in 3D do Trinh làm chủ nhiệm đã đạt kết quả xuất sắc. Nữ sinh người Mường chia sẻ: “Niềm đam mê lớn nhất của em là được học tập, tìm hiểu và nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm kỹ thuật mới làm tăng năng suất chất lượng của sản phẩm tạo ra và giảm sức lao động cho con người”.
Thầy Nguyễn Kim Chức, Phó Bí thư Đoàn trường:
Đây là 4 sinh viên tiêu biểu trong số rất nhiều sinh viên giỏi của BCEC với nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong học tập. BCEC cũng tiến hào luôn đồng hành, hỗ trợ và tổ chức nhiều “sân chơi” để các em thoả sức phát huy sáng tạo,nghiên cứu khoa học.
Hoạt động Sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ là sân chơi bổ ích, thiết thực giúp học sinh, sinh viên ứng dụng các kiến thức và kỹ năng đã học được trong Nhà trường. Trên cơ sở đó, các em sẽ giải các bài toán thực tế đó là những sản phẩm ứng dụng thực tế, mô hình học cụ, mô hình giảng dạy.
Các đề tài nghiên cứu đã và đang được sử dụng trong giảng dạy, học tập và trong thực tế. Hoạt động “Sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ BCEC” cấp trường được tổ chức từ năm 2015 đến nay đã tổ chức được 7 Mùa thi với kết quả: thu hút được hơn 100 đề tài dự thi với 466 HSSV tham gia. Các sản phẩm dự thi thuộc các lĩnh vực: Điện, Điện lạnh, Điện tử, Công nghệ Ô tô, công nghệ thông tin, kỹ thuật xây dựng, may và thiết kế thời trang…
Các sản phẩm tiêu biểu: Nghiên cứu, tính toán, lập trình máy in 3D, Máy làm vườn đa năng 4.0 BCEC, Mô hình cấp nước chung cư, sử dụng pin năng lượng mặt trời điều khiển hệ thống chiếu sáng, xe sinh thái tiết kiệm nhiên liệu, máy tạo ẩm và khử khuẩn không khí…
Đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh covid 19 vừa qua, tuổi trẻ nhà trường đã chế tạo thành công ra máy đo thân nhiệt và sát khuẩn tự động, thiết bị đo thân nhiệt, rửa tay, sấy khô tự động góp phần vào phòng chống sự lây lan dịch bệnh.
Bình Minh