Ngậm đắng nuốt cay phải chi một khoản tiền không nhỏ hàng năm cho nhiều Trung tâm Giáo dục thường xuyên “ngồi mát ăn bát vàng” đang là nỗi bức xúc của nhiều trường cao đẳng khối giáo dục nghề nghiệp khi đào tạo chương trình 9+.
Loạn phí liên kết
Theo qui định của Bộ GD&ĐT học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) vào học Chương trình 9+ (vừa học văn hóa vừa học nghề) tại các cơ sở GDNN, để được thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và học liên thông lên cao đẳng thì phải hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Theo qui định này, các cơ sở GDNN phải kết hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) trong việc giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT và việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình GDTX cấp THPT do TTGDTX – GDNN thực hiện.
Theo hiệu trưởng một số trường cao đẳng, việc chi trả cho sự kết hợp giữa các cơ sở GDNN với các TTGDTX diễn ra không giống nhau. Có trường và TTGDTX phối hợp tốt trong việc tổ chức giảng dạy, quản lý học sinh và xác nhận kết quả học tập, trường chỉ phải trả cho TTGDTX theo giờ và chế độ giáo viên đứng lớp theo qui định. Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều trường, việc chi trả phí liên kết giữa các cơ sở GDNN và TTGDTX hiện đang diễn ra ngày càng phức tạp, mỗi nơi một khác, phụ thuộc nhiều vào thỏa thuận giữa 2 bên mà không theo qui định nào. Trong đó TTGDTX luôn ở thế chủ động đưa ra giá chi phí mà các cơ sở GDNN phải trả.
Tại Vĩnh Phúc, có trường cao đẳng mỗi tháng phải trả cho TTGDTX 10.000 đồng/ 1 học sinh/tháng, Hà Tĩnh 6.000đồng/1 học sinh/tháng; Thanh Hóa có TTGDTX đòi tới 60.000đồng/1 học sinh/tháng. Một số tỉnh lân cận Hà Nội 50.000đồng/1 học sinh/tháng….Tính cả năm số tiền các trường phải trả cho TTGDTX cũng không nhỏ. Theo giáo viên một số cơ sở GDNN, sở dĩ có sự “loạn phí” này là do Bộ GD-ĐT trao cho TTGDTX quyền cấp giấy chứng nhận kết quả học tập Chương trình GDTX cấp THPT cho học sinh Chương trình 9+ đang theo học tại các cơ sở GDNN. Nhiều Trung tâm GDTX lợi dụng “quyền sinh sát” này đã đẩy giá liên kết lên cao khiến nhiều trường cao đẳng dù dạy tốt, học tốt, dạy thật, học thật đang lâm vào thế bí khi phải qua “cửa ải” này.
Nỗi khổ không dám nói ra
Có lượng học sinh 9+ đông, mỗi năm phải trả cho một Trung tâm GDTX trên địa bàn gần cả tỷ đồng, bức xúc ngậm đắng nuốt cay, lãnh đạo ngôi trường này chia sẻ: “Chi phí đầu tư tuyển sinh do trường mình chịu, chi phí đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm do trường mình bỏ ra; giáo viên dạy chương trình THPT cũng của trường mình tuyển từ Đại học Sư phạm Hà Nội, chất lượng tốt, trường trả lương. Trong khi Trung tâm GDTX chẳng phải làm gì ngoài việc xác nhận học bạ và cấp giấy chứng nhận kết quả học tập cho học sinh. Vậy mà một năm trường cũng phải nộp cho TTGDTX gần tỷ bạc.
Bức xúc hơn, vị nhà giáo này nói: “Vì nhu cầu của phụ huynh và học sinh thấy lợi ích của Chương trình 9+ người ta mới cho con em mình theo học đông như vậy nên nhà trường cũng vì các em mà chấp nhận. Không nộp thì Trung tâm không xác nhận học bạ, không ký giấy chứng nhận kết quả học tập cho các em thì cũng khổ. Mà nộp thì trường vô cùng khó khăn, nên đành ngậm đắng nuốt cay để qua cửa ải này mà không dám nói ra.
Lãnh đạo một trường cao đẳng khu vực miền Trung cho biết, trước kia khi Bộ GD&ĐT chưa qui định phải “kết hợp” với Trung tâm GDTX thì không sao, từ khi Bộ GD qui định phải “kết hợp” và cho TTGDTX cái quyền cấp giấy chứng nhận hoàn thành Chương trình GDTX cấp THPT thành ra lại gây khó cho các trường nghề vốn đã khó khăn trong tự chủ nay càng khó khăn hơn khi hàng năm phải mất một khoản tiền không nhỏ cho Trung tâm GDTX.
Ông này cho biết thêm, do lượng học sinh 9+ đông nên một năm trường ông cũng phải nộp cho Trung tâm GDTX cả tỷ bạc, đó là chưa kể khoản tiền duyệt hồ sơ học bạ đầu vào theo qui định chung là 30.000đồng/ 1 học sinh nộp cho TTGDTX.
“Giá họ (TTGDTX) có đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy, quản lý học sinh với mình đã đành, đằng này “ngồi mát ăn bát vàng” đúng nghĩa. Năng lực Trung tâm thì yếu, cả Trung tâm bộ máy cán bộ quản lý lẫn giáo viên được 5 -7 người. Chẳng làm gì nhưng mình vẫn phải “kết hợp” và mỗi năm vẫn phải chuyển cho họ khoản tiền lớn để họ cấp giấy chứng nhận cho học sinh của mình”
Trả học sinh không nhận, chỉ nhận tiền
Bức xúc với những đòi hỏi vô lý của nhiều Trung tâm GDTX, một số trường đã phải làm văn bản gửi Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH địa phương kiến nghị giải quyết. Có địa phương lãnh đạo tỉnh quan tâm đến GDNN nhận thức rõ tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm và phát triển kinh tế của địa phương thì chỉ đạo quyết liệt, nên đã giảm gánh nặng cho các trường nghề trên địa bàn.
Xong không ít địa phương lãnh đạo tỉnh coi đây là việc của ngành giáo dục và các ngành liên quan. Sở LĐ-TB&XH là đơn vị quản lý nhà nước về GDNN ở địa phương có trách nhiệm tổ chức mời các sở ngành khác họp bàn giải quyết tháo gỡ. Nhưng ở địa phương, tiếng nói của Sở LĐ-TB&XH nhiều khi còn chưa mạnh nên mời được Sở này họp thì Sở kia lại bận do vậy các trường vẫn phải chờ đợi.
Có tỉnh, Sở GD&ĐT có qui định lựa chọn phân công Trung tâm GDTX nào thì liên kết với cơ sở GDNN nào. Thế nên đã xuất hiện tình trạng, Trung tâm GDTX và trường cao đẳng nghề nằm trên cùng địa bàn thuận lợi thì không được phân công phối hợp mà lại phân công một trung tâm GDTX yếu kém ở một địa bàn khác xa lắc phối hợp với một trường cao đẳng nghề mạnh ở thành phố. Không nói ra nhưng ai cũng hiểu, “phân thế là để cơ sở GDNN phải “nuôi” Trung tâm này”. Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH một tỉnh phía bắc miền Trung bức xúc nói.
Quá oải với việc đã còng lưng làm để “nuôi” người khác mà giá phí “kết hợp” cứ tăng, mới đây một cơ sở GDNN đã mời lãnh đạo TTGDTX đối tác đến để trả toàn bộ học sinh cho TT này “đem về” giảng dạy. Nhưng kết quả là đối tác chỉ muốn nhận tiền chứ không muốn nhận học sinh vì cơ sở vật chất của họ không đảm bảo, giáo viên không có.
Vậy giải pháp nào cho vấn đề này. Ý kiến một số trường cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT cần ngồi lại với nhau đưa ra một qui định thống nhất về khoản phí “liên kết” để thống nhất trong toàn quốc. Tạo sự minh bạch trong “kết hợp” để mỗi khi cơ sở GDNN đi qua cửa ải này có quyền được nói ra những điều mình muốn mà không sợ bị làm khó.
Hồng Minh