23/07/2021 4:56:53

Âu – Mỹ lại bắt buộc tiêm chủng vì biến thể Delta

Tình hình dịch bệnh tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu đang nóng trở lại khi ghi nhận số ca mắc mới tăng lên trong những tuần qua do biến thể Delta. Vì vậy, lãnh đạo nhiều nước đã đề ra yêu cầu bắt buộc phải tiêm chủng đối với người dân.

Ngày 22-7 Mỹ ghi nhận thêm 61.651 ca bệnh và 365 ca tử vong trong 24 giờ, cao hơn 58.367 ca bệnh trong 24 giờ của ngày trước đó. Cho tới nay, Mỹ đã có 35,2 triệu ca bệnh, trong đó có 626.172 ca tử vong.

Giới chức y tế Mỹ cho rằng biến thể Delta dễ lây lan và tốc độ tiêm chủng chậm lại là nguyên nhân làm số ca bệnh theo ngày tăng trong những tuần qua.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể Delta hiện chiếm 83% ca bệnh mới ở Mỹ. Trong khi đó, chưa tới 60% người Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vắc xin.

Tại châu Âu, số ca bệnh mới theo ngày ở Anh vẫn ở mức dao động quanh 40.000 ca trong tuần qua. Ngày 22-7, Anh có thêm 39.906 ca bệnh và 84 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên hơn 5,6 triệu ca, trong đó có 128.980 ca tử vong.

Theo Chính phủ Anh, số ca bệnh trong 7 ngày tính tới ngày 22-7 là 325.223 ca, tăng 24,2% so với cùng kỳ trước đó.

Nga ngày 22-7 ghi nhận thêm 24.471 ca bệnh và 796 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên hơn 6,05 triệu ca, trong đó có 151.501 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới có 4.287 ca tại thủ đô Matxcơva.

Giới chức y tế Nga nói biến thể Delta và tốc độ tiêm chủng chậm là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng trong thời gian gần đây ở nước này.

Nga hiện là quốc gia có nhiều ca COVID-19 nhất ở châu Âu. Thứ nhì là Pháp với hơn 5,9 triệu ca. Kế tiếp là Anh (hơn 5,5 triệu ca), Ý (hơn 4,29 triệu ca), và Tây Ban Nha (hơn 4,21 triệu ca).

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 21-7 cảnh báo biến thể Delta có thể chiếm tới 90% ca bệnh mới ở châu lục này vào cuối tháng 8.

Trước mối đe dọa của biến thể Delta ở Mỹ, thành phố New York sẽ yêu cầu nhân viên làm việc tại các bệnh viện và phòng khám phải tiêm vắc xin hoặc xét nghiệm COVID-19 hằng tuần.

Theo Hãng tin Reuters, Thị trưởng New York Bill de Blasio ngày 21-7 cho biết chính sách mới sẽ có hiệu lực từ ngày 2-8. Thành phố sẽ đình chỉ công tác và không trả lương cho các nhân viên từ chối cả tiêm lẫn xét nghiệm.

Cho tới nay, có khoảng 60% trong hơn 42.000 nhân viên thuộc hệ thống bệnh viện công của thành phố New York đã tiêm vắc xin. Trên toàn thành phố New York, 70% nhân viên bệnh viện đã tiêm đủ 2 liều.

Tại bang California, chính quyền thành phố San Francisco cũng thực hiện các bước quyết liệt hơn khi tuyên bố toàn bộ người lao động phải tiêm vắc xin trước ngày 15-9 hoặc bị sa thải. Theo Hãng tin AP, chính sách có hiệu lực từ 28-6 này đã tác động đến khoảng 35.000 viên chức thành phố.

Hàng chục bệnh viện và trung tâm y tế trên toàn nước Mỹ cũng yêu cầu nhân viên tiêm vắc xin. Một trung tâm y tế lớn ở bang New Jersey đã sa thải nửa tá nhân viên vì từ chối tiêm vắc xin.

Trước sự lây lan nhanh của Delta, từ ngày 12-7 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố các quy định mới buộc mọi nhân viên y tế phải tiêm vắc xin COVID-19.

Theo Reuters, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết nhân viên y tế sẽ không được đi làm và trả lương nếu không tiêm vắc xin trước ngày 15-9. Những người làm việc tại các viện dưỡng lão và trung tâm hưu trí cũng nằm trong diện tiêm chủng bắt buộc ở Pháp.

Theo ông Macron, dù chương trình tiêm chủng hiện nay không bắt buộc với người dân nhưng ông nhấn mạnh các hạn chế phòng dịch sẽ tập trung vào những người chưa tiêm chủng.

Tốc độ tiêm chủng ở Pháp đã giảm từ hơn 400.000 liều/ngày từ cuối tháng 5 xuống còn khoảng 165.000 liều/ngày vào giữa tháng 7. Cho tới nay, khoảng 53,1% người Pháp đã tiêm ít nhất một liều vắc xin và 40,6% đã tiêm đủ liều. Song tỉ lệ đó vẫn không đủ để ngăn COVID-19 tiếp tục lây lan.

Hy Lạp ngày 12-7 cũng ra thông báo tương tự Pháp, yêu cầu nhân viên viện dưỡng lão phải tiêm vắc xin ngay lập tức.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết những ai từ chối tiêm sẽ bị đình chỉ công tác từ ngày 16-8. Ngoài ra, ông Mitsotakis tuyên bố tiêm chủng cũng bắt buộc với nhân viên y tế ở cả bệnh viện công lẫn tư.

Trước đó, Ý – quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19 với hơn 4,2 triệu ca bệnh và 127.884 ca tử vong – đã buộc nhân viên y tế tiêm chủng từ cuối tháng 3.

Cho tới nay, hơn 51% dân số trên 12 tuổi ở Ý đã tiêm đủ liều. Theo Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), những nhân viên y tế Ý từ chối tiêm vắc xin sẽ được chuyển công tác sang các nhiệm vụ không có nguy cơ lây lan virus hoặc bị đình chỉ công tác không hưởng lương trong một năm.

PV (t/h)