Sáng ngày 14/6, Hội thảo trực tuyến góp ý Dự thảo Thông tư qui định khối lượng kiến thức văn hóa THPT giảng dạy trong các cơ sở GDNN của Bộ GD-ĐT do Hội GDNN TP Hồ Chí Minh tổ chức với sự tham dự của đại diện hơn 30 các trường trung cấp, Cao đẳng trên địa bàn thành phố tham dự.
Học đủ khối lượng kiến thức văn hóa + bằng trung cấp nghề phải được liên thông lên ĐH
Đây là ý kiến của hầu hết các đại diện các trường Cao đẳng trong hệ thống GDNN TP Hồ Chí Minh. Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội GDNN TP Hồ Chí Minh, để đưa ra đề xuất trên, các trường phải nghiên cứu rất kỹ Luật Giáo dục và hàng loạt văn bản, chính sách quy định liên quan, cụ thể là:
- Dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT và căn cứ thực tế vào một số nội dung thuộc các Điều của Luật Giáo dục liên quan đến quy định định các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân; quy định việc thực hiện chương trình giáo dục và công nhận về giá trị chuyển đổi kết quả học tập trong đào tạo các trình độ của giáo dục Đại học, GDNN…, đặc biêt là Điều 10 – Liên thông trong Giáo dục Điểm 1 (Liên thông trong giáo dục là việc sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành, nghề đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành, nghề đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, đảm bảo liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học).
- Căn cứ theo Thông báo số 76/TB- VPVP.2021 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở GDNN theo kiến nghị của Bộ LĐ-TB&XH và Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam; Bộ GD&ĐT tạo khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật Giáo dục năm 2019, khoản 4 Điều 33 Luật GDNN năm 2014, Quyết định số 522/ QĐ- TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 và Chỉ thị số 24/CT- TTg ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện các cơ sở GDNN, GD Đại học, các tổ chức khác đủ điều kiện đều có trách nhiệm tham gia thúc đẩy giáo dục thường xuyên theo đúng quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, ông Trần Anh Tuấn kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cùng Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu quy định thực hiện như trước đây: Ngày 23/6/2017, Bộ GD&ĐT đã có công văn cho phép các trường nghề tạm thời áp dụng giảng dạy nội dung chương trình văn hóa THPT theo quy định tại Thông tư số 16/2010/BGD-ĐT ngày 28/6/2010 quy định về khung chương trình trung cấp chuyên nghiệp. Hiện, Thông tư này đã hết hiệu lực thi hành.
Hoặc, trước năm 2018, tại nhiều địa phương, Sở GD&ĐT đã cho phép các trường (bao gồm Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng) được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT (7 môn văn hóa bắt buộc).
Sau khi hoàn thành chương trình, người học tham dự thi THPT để nhận Bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người học có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) theo quy định tại Thông tư 16/2010/BGD-ĐT cũng được thi Đại học.
Ông Tuấn đề nghị: “Học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp mà hoàn thành khối lượng kiến thức văn hoá THPT thì được liên thông cao đẳng, đại học mà không bắt buộc các em phải có bằng tốt nghiệp THPT. Có như vậy mới có thể làm tốt phân luồng, khuyến khích học sinh sau THCS vào học nghề”.
Ông Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Từ năm 1996, nhà trường đã đào tạo cho người tốt nghiệp THCS, vừa học văn hoá vừa học nghề trong vòng 4 năm và được cấp bằng trung học nghề, sau đó các em được liên thông lên các bậc cao hơn gồm Cao đẳng lẫn Đại học bình thường.
Tuy nhiên, sau khi Bộ LĐTB&XH quản lý GDNN kể từ năm 2017, việc liên thông bị đứt quãng, dẫn đến học sinh THCS đi học nghề chỉ được liên thông đến bậc Cao đẳng, bậc cao nhất trong hệ thống GDNN. Do đó, vấn đề liên thông phải được quy định lại, để các em hoàn thành khối lượng kiến thức văn hoá THPT phải được liên thông lên các bậc học cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả Đại học chứ không chỉ trong hệ thống GDNN”.
Ông Lộc kiến nghị:
Thứ nhất, các cơ sở GDNN đủ điều kiện được phép dạy văn hóa chương trình 7 môn; được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để các em được tham gia thi tốt nghiệp THPT và thi Đại học bình thường nếu có nhu cầu.
Theo ông Lộc, mục tiêu liên thông cũng là nhằm đào tạo cho thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện cho người học rèn luyện, phấn đấu bồi dưỡng tri thức và kỹ năng nghề nghiệp suốt đời. Do đó dự thảo cần sửa đổi bổ sung để học sinh học nghề có thể học liên thông thuận lợi, bình đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Thứ 2, để tháo gỡ những ách tắc trong dự thảo thông tư này “phải có sự chủ trì của Chính phủ, chứ không thể để lình sình giữa 2 Bộ, nếu không Bộ này sẽ đẩy qua Bộ kia, cuối cùng vẫn không có gì mới”. Ông Lộc kết luận.
Đồng quan điểm này, ông Lê Lâm – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: “Hôm nay có 2 nhóm các trường tham gia hội thảo, gồm các trường trước đây thuộc Bộ GD&ĐT quản lý và các trường thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý, ý kiến rất sôi nổi. Trước thuộc Bộ GD&ĐT quản lý, việc dạy văn hóa trong các trường Trung cấp, Cao đẳng rất bình thường, nhưng sau này Bộ GD&ĐT ‘trói’ lại, rồi lại ‘mở’ ra. Nhưng từ khi về Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì hiện cả 2 khối trường đều đang rất khó khăn trong việc dạy văn hóa, phải qua Trung tâm GDTX. Dự thảo thông tư cũng chưa thể hiện được vai trò hiệu trưởng của các cơ sở GDNN”.
Ông Lâm cho rằng, mọi góp ý dự thảo thông tư hôm nay đều xuất phát từ quyền lợi người học, vì người học do đó để việc kiến nghị có hiệu quả, Hội GDNN TP Hồ Chí Minh cần đề xuất UBND TP tổ chức cuộc họp với Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH và các trường Trung cấp, Cao đẳng trên địa bàn thành phố lấy ý kiến, sau đó tập hợp trình Chính phủ và các cơ quan liên quan.
Kiến nghị cơ sở GDNN đủ điều kiện được dạy văn hóa THPT
Đi thẳng vào vấn đề, ông Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông bày tỏ quan điểm: Tại Điều 1 dự thảo thông tư có nội dung đưa đối tượng áp dụng là các cơ sở GDNN, các Trung tâm GDTX. Trong Dự thảo được hiểu chung là các cơ sở GDNN, các Trung tâm GDTX gọi chung là Cơ sở Giáo dục. Đây là màn mở màn hết sức hấp dẫn đối với các cơ sở GDNN.
Tuy nhiên, Điều 13, Điều 14 Dự thảo lại khẳng định: Chỉ có những cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của ngành GD&ĐT mới được triển khai dạy chương trình dạy văn hóa ở bậc GDTX. Những cơ sở không thuộc Bộ GD&ĐT, do Sở GD&ĐT quản lý thì “đứng ở ngoài cửa”. Mặc dù trong Điều 1, có ghi đối tượng áp dụng là các cơ sở GDNN nhưng ở Điều 13 và Điều 14, GDNN lại bị loại ra. Do vậy, dự thảo thông tư này cũng trở lại bài toán ban đầu là các cơ sở GDNN không có chức năng dạy văn hóa ở trong trường học mà phải kết hợp với các Trung tâm GDTX.
Do vậy, ông Hải kiến nghị:
“Thứ nhất là Điều 13 và Điều 14 ở trong dự thảo thông tư phải bỏ cụm từ “thuộc pham vi quản lý của Bộ GD&ĐT hay Sở GD&ĐT” để phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp; Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng như trong Điều luật của nó là các cơ sở giáo dục, có hàm ý là có cơ sở GDNN. Như vậy là trong Điều 13, 14 phải bỏ đi cụm từ trong thông tư là “thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD&ĐT”.
Thứ hai, nên ban hành Thông tư liên tịch giữa 2 Bộ: Bộ LĐ-TB&XH nên chủ động cùng làm việc với Bộ GD&ĐT, nhằm thống nhất nội dung chương trình khối lượng kiến thức dạy văn hóa trong các cơ sở GDNN.
Thứ ba, nếu chúng ta đã đạt được kiến nghị thứ nhất, kiến nghị thứ 2, như vậy là đã sửa đổi một Điều trong Luật Giáo dục ban hành năm 2019, vì trong Luật Giáo dục năm 2019 quy định: Chỉ có Thủ trưởng các cơ sở giáo dục của các Trung tâm GDTX mới là người được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức ở bậc THPT. Vậy nên sửa Điều luật này là: Các cơ sở giáo dục theo định nghĩa của Bộ GD&ĐT là khi đã được cấp phép cho dạy văn hóa, đồng thời những cơ sở đó được quyền cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức ở bậc giáo dục THPT”.
Đồng quan điểm với ý kiến đề xuất trên, ông Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng cũng mong muốn các cơ sở GDNN đủ điều kiện được giảng dạy văn hóa THPT cũng được quyền cấp Giấy chứng nhân đủ điều kiện để học sinh được tham gia vào thi tốt nghiệp THPT.
Băn khoăn trước các quy định “làm khó” của Bộ GD&ĐT, ông Tô Xuân Giao – Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam đặt câu hỏi: “Hiện chương trình giáo dục phổ thông đã được phổ cập, đã nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân thì trường nào đủ điều kiện cũng phải được quyền đào tạo. Vậy tại sao lại không cho hệ thống GDNN tham gia đào tạo giáo dục phổ thông? Tại sao Bộ GD&ĐT cứ giữ không cho GDNN dạy và công nhận trình độ văn hóa THPT? Hơn nữa, tôi cũng mong muốn trong các kỳ thi THPT Quốc gia, các thí sinh tự do có thể được đăng ký ở bất kỳ Hội đồng thi nào để dự thi”, ông Giao kiến nghị.
Cần một hệ thống GDNN mở, liên thông thật sự
Tại Hội thảo, đại diện các cơ sở GDNN TP Hồ Chí Minh đều cho rằng, những cuộc hội thảo hay những kiến nghị tương tự như tại Hội thảo này vẫn chưa có “sức nặng”, khi mà Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT thiếu sự phối kết hợp chặt chẽ.
Chủ tịch Hội GDNN TP Hồ Chí Minh, ông Lâm Văn Quản cho rằng: “Thiếu sự phối kết hợp sẽ gây nhiều khó khăn, với học sinh, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng CĐ Viễn Đông cho rằng, nếu cho phép các cơ sở GDNN đủ điều kiện được dạy văn hóa sẽ giảm phiền hà cho phụ huynh và học sinh không chỉ ở thành phố mà đặc biệt ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các em học sinh hệ 9+ còn nhỏ, vừa phải đến Trung tâm GDTX học văn hóa, vừa phải đến cơ sở GDNN học nghề trong khi đường xá xa xôi, giao thông nguy hiểm.
Ông Nguyễn Đăng Lý – Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP Hồ Chí Minh đề xuất Bộ GD&ĐT nên tạo điều kiện tối đa cho học sinh học nghề, bởi phụ huynh có nhu cầu, xã hội có nhu cầu. Các em học sinh tuổi mới lớn vừa được học văn hóa, vừa được học nghề lại có thể vừa học lên cao nếu có nhu cầu và đủ điều kiện để vừa có bằng tốt nghiệp lớp 12 lại vừa có bằng nghề và có thể thi vào đại học. Tại sao lại không mở cho các em con đường phấn đấu thông thoáng?
Hệ 9 + nếu làm tốt sẽ giúp ích cho xã hội rất lớn, đặc biệt là trong độ tuổi vị thành niên, các em rất dễ bị văng ra ngoài xã hội với những việc tiêu cực nếu không được rèn luyện trong mội trường tốt. “Không nên vì lý do nào đó mà gây khó khăn cho phụ huynh học sinh. Nếu trường nghề đào tạo tốt cả chương trình văn hoá lẫn chương trình nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS thì sẽ có đóng góp cho xã hội rất nhiều. Vì vậy, hãy tạo điều kiện cho trường nghề được dạy đủ 7 môn văn hoá và được cấp giấy chứng nhận, được là đơn vị đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT để các em học sinh bớt đi một lo lắng không đáng có” – ông Lý kiến nghị.
Kết thúc hội thảo, ông Lâm Văn Quản – Chủ tịch Hội GDNN TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quan điểm chỉ đạo và căn cứ pháp lý để tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến của các trường kiến nghị hôm nay là đầy đủ cơ sở. Chăm lo cho GDNN, cũng là chăm lo cho hệ thống giáo dục nói chung. Chúng ta nên hướng tới một nền giáo dục mở thật sự, để người học có điều kiện được học mọi lúc, mọi nơi và con đường vào đại học không phải là con đường duy nhất, mà chúng ta phải bám sát vào chủ trương của Đảng và Nhà nước để đẩy mạnh công tác phân luồng đối với học sinh tốt nghiệp THCS và THPT, đồng thời tích cực đóng góp để Dự thảo Thông tư này hoàn thiện tốt hơn và thực sự đi vào cuộc sống”.
Ông Quản cũng cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện biên bản gửi các trường bổ sung để hoàn thiện trước khi chính thức kiến nghị được gửi lên Chính phủ và các cơ quan liên quan.
Nhóm PV