03/04/2021 11:02:27

HSSV Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ: Hái “quả ngọt” từ lựa chọn học nghề  

Ngày 3/4, Lễ bế giảng của 511 học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp chương trình cao đẳng, trung cấp khóa học 2018 – 2021 và khai giảng hệ cao đẳng liên thông của các em sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ đã diễn ra trong không khí trang trọng, nhưng không kém phần xúc động, ấm cúng.

Đây cũng là dịp để hơn 600 học sinh THCS trên địa bàn huyện Đông Anh có được những chia sẻ từ những tấm gương học nghề thành công cũng như có được những tư vấn giáo dục hướng nghiệp thiết thực.

Về dự buổi lễ có TS Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH), ông Trần Minh Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục GDNN, đại diện Ban Giám hiệu Nhà trường, đại diện doanh nghiệp, cùng tập thể cán bộ giáo viên, học sinh, sinh viên (HSSV) Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ…

Bài học làm nghề – làm người

Tại buổi lễ, nhiều học sinh tốt nghiệp THCS đã bày tỏ cảm giác hạnh phúc khi trải qua chặng đường rèn luyện, học tập tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ. Các em cho biết, trước đây từng có suy nghĩ rằng, học nghề và học THPT (hệ giáo dục thường xuyên) là lựa chọn cuối cùng không thể thi được vào trường trung học phổ thông công lập.

Tuy nhiên với kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghề được đào tạo, các em đã có thể bước những bước đi đầu tiên đầy tự tin, hứng khởi trước cánh cửa cuộc đời. Các em cũng có cho mình nhiều lựa chọn, có thể đi làm ngay tại doanh nghiệp hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình (phải) và Hiệu trưởng Đặng An Bình trao bằng tốt nghiệp cho 30 HSSV tiêu biểu, đại diện cho hơn 500 HSSV toàn khóa

Em Nguyễn Phạm Minh Đức, lớp Trung cấp Điện 12, một trong 30 học sinh tiêu biểu khóa học 2018-2021 nhớ lại thời điểm vừa tốt nghiệp THCS, em đăng ký học song song 2 chương trình Trung cấp nghề và THPT nên gặp không ít khó khăn.

Những ngày đầu nhập trường bỡ ngỡ, Minh Đức cũng như nhiều HSSV khác cũng không tránh khỏi cảm giác e ngại vì thầy cô, bạn bè còn xa lạ. Tâm trạng vẫn ngổn ngang bao nỗi băn khoăn về ngành nghề mình đăng ký học.

Ở thời điểm đó, cũng như những năm tháng học tập ở trường sau này, nhờ sự động viên, chỉ bảo, giúp đỡ tận tình của các thầy cô đã giúp cho Đức vượt qua cảm giác bỡ ngỡ ban đầu. Sự động viên, chỉ bảo đó còn giúp gắn kết HSSV thành những tập thể lớp đoàn kết, biết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, chia sẻ cho nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Em Nguyễn Phạm Minh Đức chia sẻ về lựa chọn học nghề

“Các thầy, các cô không chỉ truyền thụ cho chúng em kiến thức, hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, mà còn lan tỏa tình yêu nghề, sự say mê, cống hiến đối với nghề nghiệp cho chúng em. Thầy cô cũng dạy cho chúng em những bài học thiết thực về văn hóa nghề nghiệp, thái độ ứng xử trong lao động”, em Nguyễn Phạm Minh Đức chia sẻ.

Tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ, Đức cùng các HSSV được tham gia vào nhiều phong trào sôi nổi, thiết thực như thể dục thể thao, văn nghệ,  chương trình giáo dục kỹ năng sống “lòng biết ơn”, các hoạt động thiện nguyện ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt…

“Những hoạt động đó tạo sân chơi lành mạnh cho chúng em sau giờ học tập trên lớp, giáo dục cho chúng em về tinh thần tương thân tương ái, tình yêu đối với cha mẹ, thầy cô bạn bè, giúp chúng em trưởng thành về cả thể chất lẫn tinh thần, tính cách. Chúng em đã không chỉ học được bài học làm nghề, mà con được học bài học làm người”, Đức cho biết.

Hôm nay, cùng với các bạn học sinh lớp Trung cấp điện 12, Đức được nhận tấm bằng Trung cấp nghề trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Các em cũng được đăng ký tham gia học tiếp chương trình Cao đẳng liên thông tại trường. Nhà trường cũng tổ chức cho các em được tiếp xúc với các doanh nghiệp tuyển dụng.

Theo Đức, những điều đó giúp em cảm thấy sự lựa chọn của mình trước đây là đúng đắn. Bởi các em vừa được học phổ thông như các bạn cùng trang lứa nhưng trước khi tốt nghiệp THPT các em đã có tấm bằng nghề trên tay. Đây cũng là cơ sở để các em có thể lựa chọn đi làm luôn hoặc học liên thông lên hệ cao đẳng. Việc có thể rút ngắn thời gian học cũng giúp các em tiết kiệm được một khoản kinh phí cho gia đình cũng như sớm có cơ hội tìm việc làm.

Lãnh đạo Ban Giám hiệu nhà trường trao học bổng cho các HSSV đã có nhiều nỗ lực trong học tập, rèn luyện 

Em Trần Anh Tuấn (SV Cao đẳng Công nghệ ô tô khóa 12) chia sẻ, tốt nghiệp THPT, em cũng đã nghĩ sẽ lựa chọn con đường thi vào đại học. Tuy nhiên Tuấn cũng nhìn thấy thực tế từ nhiều anh chị đi trước, tốt nghiệp đại học xong vẫn chật vật tìm việc làm. Quá trình làm việc cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn. Sau nhiều cân nhắc, Tuấn quyết định lựa chọn đi học nghề.

“Quá trình học tại trường, chúng em được học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Kiến thức lý thuyết được áp dụng ngay vào thực hành không chỉ giúp em thêm hứng thú với việc học mà còn giúp chúng em củng cố, ghi nhớ kiến thức vừa có thêm kỹ năng thực tiễn”, Tuấn cho biết.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ với tấm bằng loại giỏi, Trần Anh Tuấn cùng với những sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện, có chí hướng phấn đấu đã được nhà trường mời ở lại trường.

Nhà trường cho biết sẽ có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng các em trở thành giảng viên của trường. Trần Anh Tuấn, chia sẻ, đây là niềm vinh dự, tự hào đối với bản thân Tuấn, cũng là điều kiện thuận lợi để em có cơ hội được đứng trên bục giảng, truyền đạt những kiến thức, kỹ năng nghề học được cho các thế hệ đi sau.

Thành công từ việc coi trọng chất lượng

Theo ông Nguyễn Đức Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ, học sinh trung cấp khóa 12 là học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Vì vậy Nhà trường đã phối hợp với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, đào tạo chương trình 2 trong 1, đảm bảo sau 3 năm học, học sinh ra trường được cấp 2 bằng: Bằng trung cấp và Bằng THPT quốc gia.

Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ cũng đã thành lập Ban văn hóa THPT trực thuộc Ban giám hiệu để điều hành riêng mảng đào tạo THPT hệ giáo dục thường xuyên, thay mặt nhà trường phối hợp với các trung tâm triển khai kế hoạch học các môn VHPT. Hiện tại, Quy mô đào tạo VHPT hệ giáo dục thường xuyên của Trường tương đương với 1 trường THPT cỡ trung với tổng số 25 lớp: 10 lớp 10, 7 lớp 11 và 8 lớp 12 với tổng số học sinh trên 1.100 em.

Để triển khai đào tạo song song 2 chương trình trung cấp và THPT hệ giáo dục thường xuyên, Nhà trường chia khối lượng đào tạo nghề trong 3 năm học với thời lượng đào tạo nghề: 15 giờ/ tuần. Học sinh học 6 ngày/tuần, từ thứ Hai đến thứ Bảy trong đó: 3 ngày học nghề và 3 ngày học VHPT, đảm bảo không quá 6h/ngày.

Mô hình này đã được Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ thực hiện từ năm 2014 đến nay và đã có những thành quả nhất định. Số lượng học sinh nghỉ học hàng năm giảm. Tỉ lệ học sinh học song song 2 chương trình bỏ học thấp hơn rất nhiều so với khi nhà trường chỉ đào tạo nghề không kết hợp đào tạo VHPT. Ngày càng có nhiều phụ huynh tìm đến với Nhà trường để gửi gắm con em mình

Đối với trình độ cao đẳng, thời gian đào tạo: 2,5 năm với tổng số tín chỉ từ 90 – 105/chương trình đào tạo, trong đó, tỉ trọng cho các môn học, mô đun chuyên môn nghề: 80%. Sinh viên có từ 600 – 720h đi thực tập tại doanh nghiệp, đảm bảo sinh viên được thể nghiệm trong môi trường làm việc thực tế, giúp sinh viên tự tin đảm nhiệm vị trí công việc sau khi tốt nghiệp.

Trong quá trình học tập, HSSV của Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và lãnh đạo Tổng cục GDNN đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho đào tạo theo hướng đồng bộ và hiện đại. Đặc biệt với các nghề trọng điểm gồm: Công nghệ ô tô, Điện tử công nghiệp, Quản trị mạng, Điện công nghiệp và Cắt gọt kim loại, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí.

Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, gắn với thực tế đào tạo, chương trình đào tạo của trường, tập trung hướng vào hình thành và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho HSSV nên kết cấu chương trình: 70% thời lượng cho thực hành và 30% thời lượng cho lý thuyết. Đồng thời để HSSV được trải nghiệm và trực tiếp làm việc thực tế tại doanh nghiệp sản xuất.

Chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng của trường dành từ 12 – 15 tuần/khóa học cho mô đun: Thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp. Nhà trường đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác với trên 40 doanh nghiệp có liên quan đến các nghề trường đào tạo.

Do công tác chuẩn bị khá tốt, 98,84% HSSV tham gia dự thi tốt nghiệp và có 98,46% các em có kết quả tốt nghiệp đạt yêu cầu. Tỉ lệ HSSV được cấp bằng tốt nghiệp Khá, Giỏi đạt 70,68%. Nhiều HSSV đã được các doanh nghiệp tuyển dụng nay sau khi kết thúc đợt thực tập tại doanh nghiệp.

Ông Đặng An Bình – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ phát biểu bế giảng khóa học

Chúc mừng thành tích của các em, thầy Đặng An Bình, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Công nghệ nhớ lại, cách đây 3 năm, vào ngày 9/10/2018, trong buổi gặp mặt đầu tiên của Ban giám hiệu nhà trường với HSSV khóa học 2018 – 2021, lãnh đạo Ban giám hiệu nhà trường đã khẳng định: “Quyết định học tập tại trường là một lựa chọn thiết thực và đúng đắn, đáp ứng với khả năng, năng lực của các em. Mặc dù với học sinh học trung cấp vừa tốt nghiệp THCS phải học đồng thời 2 chương trình: chương trình trung cấp và chương trình THPT (hệ giáo dục thường xuyên) các em sẽ rất vất vả, vất vả hơn các bạn cùng trang lứa, khi chỉ học chương trình THPT”.

Những kết quả đạt được sau 3 năm nỗ lực học tập, rèn luyện, bước đầu đã cho thấy sự đúng đắn trong định hướng của gia đình, sự lựa chọn của các em; đồng thời minh chứng cho sự cam kết, khẳng định của đại diện Ban giám hiệu nhà trường. Các em đã có kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghề, có thể tự tin đi làm tại các doanh nghiệp hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ.

“Con đường học tập của các em chỉ thành công khi sự lựa chọn của các em phù hợp với điều kiện, khả năng, năng lực của mình. Kết quả đạt được của các em HSSV cao đẳng khóa 12 hệ 2,5 năm, trung cấp khóa 12, niên khóa 2018 – 2021 và cao đẳng liên thông khóa 13 đã phản ánh nghiêm túc chất lượng đào tạo của Nhà trường. Đó là coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Đặng An Bình khẳng định.

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN

Dự và phát biểu tại buổi lễ, TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN đánh giá cao nỗ lực cố gắng của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ trong giai đoạn gần đây, thể hiện qua tỷ lệ tuyển sinh ngày càng cao, chất lượng ngày càng được khẳng định. “Nhìn gương mặt rạng rỡ của các em tại lễ bế giảng cho thấy các em đã tự tin, sẵn sàng bước vào giai đoạn mới của cuộc đời”, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình nói.

Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, đất nước đang trong giai đoạn phát triển. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng đã đặt mục tiêu, đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Ðến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Với mục tiêu đó, Chính phủ, các cấp, các ngành đã xác định phát triển nguồn nhân lực là khâu then chốt, trong đó GDNN đóng vai trò quan trọng. Để phát triển, cần chú trọng phát triển lực lượng lao động trong khu vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Tiền đề cho lực lượng này chính là các HSSV tại các cơ sở GDNN.

Nhắn nhủ đến các em HSSV, TS Phạm Vũ Quốc Bình hy vọng, tin tưởng, các em sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ ứng dụng được kiến thức, kỹ năng học được trên ghế nhà trường vào trong công việc sắp tới. Làm nghề với phương châm yêu nghề, yêu ngành.

Đối với các em học sinh trung cấp có thể lựa chọn tiếp tục học liên thông lên cao đẳng để bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công việc sau này. Với các em học sinh THCS, TS Phạm Vũ Quốc Bình nhắn nhủ: “Nghề nào cũng là nghề cao quý và nghề nào cũng được tôn vinh. Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”. Do đó, trên cơ sở sự hỗ trợ định hướng nghề nghiệp của các thầy cô giáo, các em cần cân nhắc khả năng, thế mạnh, sở thích của mình để có lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình cũng đề nghị, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ trên cơ sở phát huy những kết quả đạt đước, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, tạo môi trường học tập tốt nhất cho các em HSSV. Trong đó, với các em học sinh THCS theo học 9+ phải có môi trường phù hợp vừa hình thành nhân cách cho các em, vừa giúp các em rèn luyện được kỹ năng nghề. Nhà trường cũng cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các trường THPT, THCS tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh theo định hướng của Chính phủ.

Hải An