Ngày 3/4/2021, tại Bắc Ninh đã diễn ra hội thảo “Chuyển đổi số và tiếp cận chiến lược trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp do Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh tổ chức nhằm triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ và Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Kết quả Hội thảo làm cơ sở để Ban lãnh đạo, cán bộ quản lý, giảng viên Trường có định hướng thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, từng bước vận dụng vào quá trình dạy và học phù hợp với tình hình thực tế.
Những chia sẻ về Công nghiệp 4.0 và các vấn đề của giáo dục nghề nghiệp trong cuộc Cách mạng này của TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thầy cô tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, các thầy cô của Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh đã nhận định: Trường học số như một nền tảng (platform) kết nối hạ tầng số chung của Tổng cục GDNN để nâng cao năng lực của nhà trường, đồng thời chủ động đầu tư để cạnh tranh hạ tầng dữ liệu đồng bộ, thống nhất, kết nối mọi chủ thể.
Nhà trường sẽ chuyển tối đa các nội dung có thể lên môi trường số để tăng công suất, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, sẵn sàng để đào tạo nhân lực 4.0 với các định chế phù hợp, trước hết là các quy định, chế độ nội bộ.
Cuối buổi hội thảo, thay mặt toàn bộ cán bộ, giáo viên của Trường, NGƯT, TS Nguyễn Quốc Huy – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, xác định lộ trình và giải pháp thực hiện chuyển đổi số của Trường, trong đó, việc gì dễ, ít tốn kém, có sự đồng thuận mà mang lại hiệu quả cao thì làm trước. Nhà trường sẵn sàng đầu tư để thay đổi và chuyển đổi số để có những thay đổi đột phá trong công tác giảng dạy.
“Chuyển đổi số là quá trình thực tế khách quan mà chúng ta phải bắt buộc thực hiện ngay nếu không thì không kịp. Nhà trường cũng đã sẵn sàng đưa các ngành nghề đào tạo mới vào giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”, TS Nguyễn Quốc Huy nói thêm.
Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh là trường duy nhất của tỉnh Bắc Ninh nằm trong danh sách 45 trường trọng điểm guốc gia. Với 2 cơ sở trên địa bàn tỉnh, mỗi năm trường đào tạo từ 3.200 đến 3.500 HSSV, chú trọng mở rộng ngành nghề đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên.
HSSV tốt nghiệp đạt 100%, trong đó loại khá, giỏi là từ 45 % trở lên, trên 93% HSSV có việc làm ổn định ngay sau khi ra trường với thu nhập trung bình từ 6 triệu đến 9 triệu đồng/tháng, một số sinh viên xuất sắc được doanh nghiệp tiếp nhận với thu nhập 12 – 15 triệu đồng/tháng.
Một góc xưởng thực tập dành cho học sinh, sinh viên của Trường.
Hiện Trường đang đào tạo 14 ngành nghề với tổng số trên 3.000 HSSV, trong đó có 7 nghề trọng điểm với 04 nghề trọng điểm trình độ quốc tế (Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ ô tô); 01 nghề trọng điểm trình độ khu vực ASEAN (Xây dựng và hoàn thiện công trình thủy lợi); 02 nghề trọng điểm trình độ quốc gia (Hàn, Quản lý khai thác công trình thủy lợi). Năm học 2020 – 2021, trường có kế hoạch tuyển sinh 1.100 cho 14 ngành nghề.
PV