23/03/2021 9:14:32

Quản lý thuế chặt chẽ nhưng không được gây khó cho DN

Đại diện các chuyên gia Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) góp ý dự thảo hướng dẫn thi hành một số điều của Luật và Nghị định Quản lý thuế cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng chặt chẽ nhưng vẫn phải bảo đảm tạo thuận lợi cho DN và đạt các chuẩn mực quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:VGP/HT

Đây là nội dung được trao đổi tại buổi góp dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức ngày 22/3 tại Hà Nội.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Thông tư này hướng dẫn thi hành Điều 7, Điều 28, Điều 42, Điều 59, Điều 60, Điều 64, Điều 72, Điều 73, Điều 76, Điều 80, Điều 86, Điều 96, Điều 107 và Điều 124 của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Điều 30, Điều 39 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đối với các nội dung về đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ và tỷ giá quy đổi; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; khai thuế, tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế, mẫu biểu khai thuế; thủ tục xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế; xử lý đối với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; nộp dần tiền thuế nợ, hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ, hồ sơ gia hạn nộp thuế; trình tự, thủ tục hoàn thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế, tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế; hồ sơ miễn thuế, giảm thuế; hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; xây dựng, thu thập xử lý thông tin và quản lý thông tin người nộp thuế; trình tự, thủ tục hồ sơ kiểm tra thuế; quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam; kinh phí uỷ nhiệm thu.

Đại diện VCCI khẳng định, đây là một thông tư quan trọng, khi được ban hành sẽ tác động, ảnh hưởng tới hoạt động liên quan đến thuế của các DN trong tất cả các ngành nghề sản xuất, đầu tư kinh doanh. Chính vì vậy, hội thảo được tổ chức tạo cơ hội để các DN đề xuất ý kiến, tham gia góp ý cho Dự thảo.

Tại buổi lấy ký kiến, các chuyên gia, đại diện các hiệp hội, các DN đã tích cực trao đổi để cơ quan soạn thảo tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện Dự thảo.

Đại diện PVN góp ý về dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý thuế. Ảnh:VGP/HT

Bà Nguyễn Tuấn Anh đến từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết khá bất ngờ khi đọc dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế được công bố.

Bà Tuấn Anh phân tích, trước đây, ngành dầu được áp dụng cơ chế thuế khác biệt theo Thông tư 36 năm 2016 với thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, thuế thu nhập DN và Thông tư 56 năm 2008 hướng dẫn thực hiện kê khai nộp và quyết toán các khoản thu của PVN.

“Hiện nay, các DN, nhà thầu dầu khí bán được hàng và thu vào đồng tiền nào thì nộp cho chủ nhà đồng tiền đó, điều này thực hiện đã lâu và rất thuận lợi. Dầu khí khác với ngành khác là hợp đồng mua bán khí rất phức tạp. Ví dụ lĩnh vực khí, phải thăm dò, vận chuyển qua đường ống, bán cho người mua, bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVN bán cho người tiêu dùng. Giá bán được Chính phủ phê duyệt”, đại diện Tập đoàn Dầu khí cho biết.

Tuy nhiên, dự thảo mới, nghĩa vụ thuế mới đều áp dụng bằng ngoại tệ trừ thuế xuất khẩu. Bà Tuấn Anh không hiểu sao thay đổi đồng tiền nộp thuế. “Vì nếu DN thu tiền là tiền VNĐ, theo quy định mới, nộp thuế bằng USD thì DN sẽ phải mất thêm công đoạn đi mua để nộp thuế thì sẽ ảnh hưởng tới chi phí, thời gian đi mua cũng ảnh hưởng tới hiệu quả làm việc của DN”, đại diện PVN bày tỏ băn khoăn.

“Nếu làm theo dự thảo Thông tư mới sẽ dẫn tới tất cả hợp đồng từ thượng nguồn tới hạ nguồn phải điều chỉnh, trong đó có những hợp đồng đã đàm phán 7-10 năm mới đi đến thống nhất”. Do đó, đại diện PVN đề nghị xem xét có nhất thiết phải yêu cầu DN phải nộp bằng ngoại tệ không? “Thực tế bản chất không khác gì khi DN cũng nộp theo tỷ giá quy định”, đại diện PVN nhấn mạnh.

Đại diện Công ty Kiểm toán Ern&Young (EY) cũng góp ý về, nên quy định cụ thể về tỷ giá quy đổi như Thông tư 26/2015 và có hướng dẫn rõ hơn về tỷ giá quy đổi để kê khai thuế nhà thầu.

Trong trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 /12/2014 hướng dẫn về chế độ kế toán DN gồm: Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản; tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.

Với thuế thu nhập DN, trường hợp người nộp thuế được phép hạch toán kế toán bằng ngoại tệ nhưng không được khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ thì tỷ giá giao dịch là tỷ giá chuyển đổi Báo cáo tài chính ra đồng Việt Nam (theo quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC…).

Còn đối với thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài do bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay… là tỷ giá mua vào của Vietcombank tại ngày cuối cùng của kỳ tính thuế. Trường hợp nhà thầu không mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam thì vận dụng tài khoản của bên Việt Nam – là đơn vị kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài…

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh. Ảnh:VGP/HT.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế từ Học viện Tài chính cho rằng, việc có một văn bản hướng dẫn quản lý thuế đầy đủ là bước tiến quan trọng, tránh tình trạng hướng dẫn tản mát, khiến DN gặp khó khăn.

Tuy nhiên, các điều khoản hướng dẫn cần phải bảo đảm trong xu hướng cụ thể, minh bạch, cần có sự chuẩn bị đầy đủ, bền vững hơn.

Một số quy định mới giúp cho việc thu thuế chặt chẽ hơn rất tốt cho cơ quan quản lý. Tuy nhiên, chính vì quá chặt chẽ, thiên về tiện lợi cho cơ quan thuế nhưng lại chưa chú ý đúng mức đến việc cắt giảm thủ tục, thậm chí phát sinh một số yêu cầu gây phiền hà cho DN, điều này đi ngược lại với xu hướng cải cách.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh dẫn ví dụ về nguyên tắc nộp đâu khấu trừ đó, nhưng dự thảo quy định lại tạo thuận lợi cho cơ quan thuế quản lý, nhưng không theo nguyên tắc này, “tôi nộp lại nhưng không được khấu trừ” không thuận lợi cho DN.

Ông Đinh Trọng Thịnh dẫn ví dụ như thủ tục về miễn, giảm, hoàn thuế rất chặt, tiện cho cơ quan thuế nhưng có những thủ tục gây phiền cho DN. Như cơ quan thuế yêu cầu phải có hóa đơn chứng từ xuất nhập khẩu là không cần thiết, các quy trình thủ tục vẫn nhiều là ngược với xu hướng, cái nào bỏ được nên bớt cho DN. Ngược lại, một số quy định lại chưa đủ chặt.

“Cụ thể, Chương về thương mại điện tử thì chưa quy định rõ trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, cần có quy định đầy đủ hơn, quy rõ trách nhiệm, bảo đảm quản lý tốt về thuế lĩnh vực này”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh góp ý.

Phản hồi với chuyên gia Hiệp hội DN, đại diện Tổng cục Thuế ghi nhận ý kiến đóng góp và sẽ có buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị liên quan có vướng mắc để bảo đảm tinh thần quản lý chặt chẽ nhưng vẫn tạo thuận lợi cho DN và người nộp thuế chứ không gây khó khăn.

Theo VGP