“Thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được cung cấp thông tin, xu hướng phát triển kỹ năng nghề, việc làm tương lai và thị trường lao động; được tham gia các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm; tham gia các cuộc thi phát triển kỹ năng nghề, thực hành nghề nghiệp gắn với việc làm”.
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 13/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 3/2021. Nghị định quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Để đảm bảo các nội dung nói trên, Chính phủ giao Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ sở giáo dục, cơ sở GDNN đổi mới, thực hiện có hiệu quả việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của thanh niên và thị trường lao động trong từng giai đoạn. Đồng thời tổ chức và khuyến khích thanh niên tham gia các cuộc thi kỹ năng nghề.
Theo đó, các cơ sở giáo dục, cơ sở GDNN thực hiện tư vấn, hướng nghiệp; cung cấp thông tin, xu hướng việc làm, thị trường lao động để định hướng nghề nghiệp cho thanh niên. Các cơ sở GDNN cũng được liên kết với các tổ chức, đơn vị khác để đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, thực hành nghề nghiệp gắn với việc làm cho thanh niên theo quy định của pháp luật.
Về phía gia đình, Nghị định nêu rõ, gia đình cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu thông tin nghề nghiệp, việc làm và thị trường lao động để tư vấn, định hướng cho thanh niên lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp khả năng, nguyện vọng và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.
Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết việc làm, trong đó có việc làm cho thanh niên. Nhiều chuyên gia cho biết, thanh niên không thiếu việc làm mà thất nghiệp là do chọn việc. Có thực tế, việc làm của thanh niên thiếu bền vững và thu nhập không cao, không đúng chuyên môn, nghiệp vụ, gây lãng phí.
Thực trạng này cho thấy những hạn chế trong công tác định hướng nghề nghiệp. Có không ít học sinh, đoàn viên thanh niên còn phân vân, lúng túng trong việc chọn nghề, chọn trường phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT. Từ đó dẫn đến việc thi trượt đại học hoặc theo học những ngành nghề không đúng với năng lực rồi chán nản, bỏ học giữa chừng, hoặc ra trường không tìm được việc làm thích hợp.
Việc quy định trách nhiệm tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên theo đó sẽ góp phần giúp các ban ngành liên quan chú trọng sát sao hơn công tác này. Bản thân thanh niên cũng sẽ có ý thức hơn về việc tìm hiểu các cơ hội nghề nghiệp. Trên cơ sở tư vấn, định hướng, giúp thanh niên có được lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện, nguyện vọng của bản thân; sát với nhu cầu nhân lực của xã hội…
Hải An