03/03/2021 10:05:18

Một số khó khăn và kiến nghị về công tác phòng chống mại dâm ở Trà Vinh

Trong những năm qua, công tác  phòng chống tệ nạn mại dâm ở Trà Vinh đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy chính quyền, có nghị quyết chuyên đề về phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng, chống mại dâm nói riêng. 

Hàng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, an ninh- quốc phòng, trong đó công tác phòng, chống tệ nạn xã hội luôn được chú trọng; thường xuyên chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan thường xuyên nắm tình hình các cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng tiếp viên để hỗ trợ giới thiệu việc làm, học nghề.

Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh Trà Vinh kiểm tra một cơ sở massage trên địa bàn thành phố Trà Vinh.

Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề, tuyển dụng xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn; thông qua các chính sách hỗ trợ đã góp phần tích cực giữ vững trật tự an toàn xã hội, ngăn ngừa phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm tại Trà Vinh vẫn còn một số tồn tại và khó khăn sau:

– Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tệ nạn mại dâm chưa chú trọng đến chất lượng, chưa đi sâu vào từng đối tượng nên hiệu quả chưa cao, nhận thức của người dân ở vùng nông thôn về phòng ngừa và đấu tranh tố giác tệ nạn mại dâm còn hạn chế.

– Hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do sự phối hợp phụ thuộc vào công tác chuyên môn của từng ngành và thời gian hoạt động (thường là kiểm tra ngoài giờ), do đó có một số thành viên chưa tham gia hoạt động Đội thường xuyên.

– Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm chưa được cấp ủy, UBND ở một số địa phương quan tâm đúng mức, chỉ đạo thiếu tập trung để làm chuyển hóa địa bàn trọng điểm. Hình thức, thủ tục để công nhận xã, phường lành mạnh phức tạp, khó làm, từ đó có nhiều địa phương bỏ qua các quy trình phân loại, chấm điểm theo 6 nội dung, 15 tiêu chí của Nghị quyết liên tịch 01/2008/NQLT ngày 28 tháng 8 năm 2008 giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các tiêu chí phân loại, chấm điểm đánh giá và biểu thống kê báo cáo về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm, nên việc đánh giá, công nhận chưa đầy đủ và thiếu chính xác.

Vẫn còn các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh chưa ký hợp đồng với các tiếp viên hoặc hoặc không khai báo lao động với cơ quan quản lý lao động… 

– Cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại cấp huyện, xã, phường, thị trấn chủ yếu kiêm nhiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn chưa được thường xuyên, chế độ chính sách còn nhiều bất cập. Kinh phí thực hiện chương trình, nhất là kinh phí cho công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh chưa đáp ứng theo yêu cầu hoạt động, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động ở cơ sở.

 Nguyên nhân sâu sa của các hạn chế nêu trên là do tác động của nền kinh tế thị trường, một số ít người vì lợi ích cá nhân, đã lao vào làm ăn bất chính kể cả việc kinh doanh tình dục để trục lợi. Một số người do cuộc sống khó khăn, thiếu nghề nghiệp và việc làm ổn định, văn hóa thấp, thiếu định hướng cuộc sống, do hoàn cảnh khó khăn đã sa chân vào hoạt động mại dâm hoặc do đua đòi chạy theo lối sống thực dụng, sa đọa. Thêm vào đó, tính chất hoạt động mại dâm ngày càng phức tạp, tinh vi, biến tướng dưới nhiều hình thức, kết hợp sử dụng công nghệ thông tin hiện đại trong móc nối, đã gây khó khăn trong công tác phát hiện đấu tranh phòng, chống.  Các loại hình kinh doanh dịch vụ có tính chất nhạy cảm như: Khách sạn, massage, karaoke, quán bia và các loại hình văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy, dịch vụ internet ngày càng phát triển và hoạt động khá phức tạp là môi trường dễ phát sinh các loại tệ nạn xã hội, tác động đến đạo đức, lối sống của một bộ phận dân cư, nhất là giới trẻ. Trong khi đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở, các ban ngành thiếu quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, chỉ đạo chưa kịp thời, công tác phối hợp và kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, quản lý địa bàn chưa chặt chẽ, để tệ nạn mại dâm phát sinh, tồn tại ở những nơi có điều kiện…

Về phía các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các chủ cơ sở thiếu hiểu biết về các quy định của nhà nước liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình, có chủ cơ sở hiểu biết nhưng thực hiện chỉ là hình thức, đối phó (ký hợp đồng với người lao động hoặc khai báo lao động với cơ quan quản lý lao động…).  Cơ quan quản lý nhà nước về lao động của địa phương thiếu kiểm tra để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh các cơ sở chưa thực hiện các thủ tục đúng theo quy định. Có địa phương khi ký duyệt danh sách khai báo lao động của cơ sở lại không đối chiếu với những kỳ trước, để nảy sinh trường hợp chủ cơ sở ký hợp đồng lao động ngắn hạn để né tránh, không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động…

Một số kiến nghị

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phòng chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có kiến nghị với các cơ quan Trung ương một số nội dung sau:

Một là, Quốc hội xây dựng Luật phòng, chống mại dâm để làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về quản lý mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội; bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 10/PL-UBTVQH về phòng, chống mại dâm, cụ thể bổ sung các quy định về “mại dâm đồng tính” và quy định cụ thể về “trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh” để phát sinh tệ nạn xã hội do mình quản lý.

Hai là, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/2004/NĐ-CP và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để làm cơ sở kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến tệ nạn mại dâm.

Ba là, đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn chi tiết những nội dung cụ thể mục chi hỗ trợ hoạt động xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại liên quan đến tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội để địa phương làm căn cứ thực hiện theo đúng quy định trong giai đoạn 2021 – 2025.

Thùy Dương