Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 135/2020/NĐ-CP về tuổi nghỉ hưu, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã gặp phải một số vướng mắc do có các cách hiểu khác nhau và các nội dung mới chưa có căn cứ lựa chọn phương án thực hiện.
Ngày 22/2, Bộ LĐ-TB&XH đã có Văn bản số 362/LĐTBXH-BHXH gửi BHXH Việt Nam để hướng dẫn những nội dung vướng mắc này.
Hai cách hiểu về mốc tuổi tính số năm nghỉ hưu
Theo phản ánh của cơ quan BHXH, hiện có hai cách hiểu trong việc xác định tuổi nghỉ hưu; xác định mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu đối với người lao động (NLĐ) làm việc trong điều kiện lao động bình thường hoặc có thời gian đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Cách hiểu thứ nhất cho rằng, mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu là căn cứ vào thời điểm sinh tại Phụ lục 1 hoặc Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP;
Cách hiểu thứ hai cho rằng, mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỉ lệ hưởng lương hưu là căn cứ vào năm người lao động nghỉ hưu theo lộ trình tại khoản 2 Điều 4 hoặc khoản 2 Điều 5 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP…
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc xác định mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu quy định tại khoản 3 Điều 56 của Luật BHXH được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định số 135/2020/NĐ- CP. Trong đó căn cứ vào thời điểm nghỉ hưu trước tuổi của NLĐ để xác định mốc tuổi theo tuổi nghỉ hưu đã được quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 135/2020/NĐ-CP.
3 trường hợp được hưởng lương hưu từ 1/1/2021
Về vấn đề xác định tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các trường hợp đủ điều kiện giải quyết hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2021 gồm:
1.Lao động nam sinh tháng 12/1960 và lao động nữ sinh tháng 12/1965 làm việc trong điều kiện lao động bình thường;
2. Đối với lao động nam sinh tháng 12/1965 và lao động nữ sinh tháng 12/1970 thuộc một trong các trường hợp:
– Có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành
– Có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021;
– Được xác định bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% trước ngày 1/1/2021.
3. Lao động nam sinh tháng 12/1970 và lao động nữ sinh tháng 12/1975 được xác định bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên trước ngày 1/1/2021 thì đủ điều kiện giải quyết hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2021.
Đối với trường hợp NLĐ tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt HĐLĐ.
Việc xác định “đủ tuổi hưởng lương hưu” để làm cơ sở xem xét, giải quyết hưởng BHXH một lần theo điểm a khoản 1 Điều 60 và điểm a khoản 1 Điều 77 của Luật BHXH được căn cứ vào tuổi nghỉ hưu tại năm NLĐ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần.
Việc giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng và trợ cấp hàng tháng đối với người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng, thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/ 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc.
Trên cơ sở hướng dẫn, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện.
Hải An