Những bài học từ đổi thay của thị trường góp gió, đưa con thuyền doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn. Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh tin chắc như vậy.
Phía sau bức tranh nhiều màu của Doanh nghiệp
Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của Hãng Định giá thương hiệu Brand Finance (Vương quốc Anh), Việt Nam nổi lên là thiên đường sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020. So với năm ngoái, giá trị thương hiệu tăng 29%, lên tới 319 tỷ USD và tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Các báo cáo cập nhật triển vọng phát triển của các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận, kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi khi là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong khu vực Đông Nam Á năm 2020…
Trong các thông tin, nhận định tích cực về triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam, có bóng dáng bươn trải của cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Thưa ông, bức tranh đăng ký doanh nghiệp năm 2020 chắc chắn rất khác, khi đại dịch Covid-19 đưa kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm; thương mại, đầu tư, du lịch đình trệ…
Sự khác biệt có thể nhìn thấy theo diễn biến của dịch bệnh.
Nếu như tháng 1/2020, tình hình phát triển khá ổn định, thì đến tháng 2/2020, khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào ngày 23/1, mọi việc thay đổi chóng mặt. Trong tháng 3/2020, tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục xấu hơn nhiều khi xuất hiện những ca bệnh Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng tại Hà Nội, dẫn đến việc cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 4/2020.
Điều này khiến cho tháng 4 là tháng có tình hình phát triển doanh nghiệp ảm đạm nhất trong năm nay.
Sau khi kết thúc giãn cách xã hội (ngày 22/4/2020), tình hình đăng ký doanh nghiệp dần ổn định. Những sắc màu hy vọng dần trở lại với bức tranh doanh nghiệp trong tháng 6, tháng 7, với sự phục hồi rõ nét khi các hoạt động kinh tế – xã hội trở lại bình thường và một loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ được triển khai.
Tuy nhiên, việc dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp với làn sóng Covid-19 thứ 2 cũng như xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng tại TP.HCM (sau gần 3 tháng không có ca nhiễm mới) đã khiến số doanh nghiệp thành lập mới trong những tháng cuối năm không thể bứt phá như các năm trước, chỉ dao động trong khoảng từ 10.000 – 13.000 doanh nghiệp.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh, số doanh nghiệp thành lập mới ở nhóm ngành dịch vụ đã có sự giảm sút so với năm ngoái (giảm 7,6% so với năm 2019), trong đó, chủ yếu vẫn là các ngành chịu tác động lớn bởi dịch bệnh Covid-19 là nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 33,6%); hoạt động dịch vụ khác (giảm 31,1%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 22%); dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 17,7%)…
Nhưng chúng ta lại thấy sự gia tăng đáng kể ở nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, cũng như công nghiệp và xây dựng?
Một phần do đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu.
Song, chúng tôi nhìn thấy sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro hơn.
Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có chiều hướng gia tăng có lý do giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. 11 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ được tập trung phát triển, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng có thể là một mảng màu tươi sáng, thưa ông?
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng hầu hết các lĩnh vực đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã tìm được hướng kinh doanh mới, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới thì thị trường trong nước với gần 100 triệu dân chính là cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi, là động lực chính cho sản xuất, phát triển kinh tế.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 tăng 11,9% so với năm 2019, với 44.096 doanh nghiệp. Không chỉ vậy, số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong năm 2020 tăng trên hầu hết các lĩnh vực.
Cơ hội của năng lực chống chịu và thích ứng tốt
Một điều chắc chắn, tác động từ dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất lớn thị hiếu tiêu dùng, cách thức giao dịch thương mại…, từ đó kéo theo sự xuất hiện các ngành nghề kinh doanh mới, trực tuyến mới dựa trên kinh tế số… tạo ra thay đổi về cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm; y tế, hoá dược phẩm, chuyển đổi số, e-logistics….
Điều này đem lại cơ hội thị trường mới, thúc đẩy doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới và phát triển bứt phá.
“Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, thích ứng trước biến cố thị trường… để đánh giá, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng và tìm ra hướng đi mới chủ động hơn”, ông Bùi Anh Tuấn nhận định.
Giới kinh doanh đang nhắc tới hiệu lực của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… ngay từ đầu năm 2021. Môi trường kinh doanh – đầu tư sẽ có nhiều thay đổi tích cực…
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ tiếp tục tạo ra bước đột phá về thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp khi thành lập và hoạt động kinh doanh thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi gia nhập thị trường.
Có thể nhắc đến những cải cách toàn diện, triệt để các quy định liên quan đến con dấu của doanh nghiệp; luật hóa toàn bộ quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, tạo khung khổ pháp lý cao nhất cho việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký doanh nghiệp; tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp…
Đồng thời, Nghị định số 122/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp… do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng cũng là một bước tiến mới trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục về khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp.
Nghị định đã tích hợp 4 quy trình gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào 1 quy trình.
Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ, kê khai 1 biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại 1 cơ quan và nhận 1 kết quả duy nhất. Các cơ quan nhà nước sẽ chia sẻ thông tin với nhau thay vì yêu cầu doanh nghiệp kê khai ở nhiều nơi như trước.
Toàn bộ quy trình trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện qua mạng điện tử. Sau khi triển khai những cải cách này, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 3 thủ tục với 6 ngày, giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.
Ngoài ra, trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chủ động đề xuất, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 quy định về lệ phí môn bài, hiệu lực thi hành từ ngày 25/02/2020. Từ ngày này, thủ tục khai, nộp lệ phí môn bài không còn là một trong tám thủ tục của Quy trình khởi sự kinh doanh tại Việt Nam.
Trong bối cảnh doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt tín hiệu, nhu cầu mới của thị trường tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm chủ lực, thì sự thuận tiện, đơn giản của thủ tục hành chính sẽ là một động lực thúc đẩy.
Dù vậy, doanh nghiệp thực sự đang phải đối mặt với những thách thức lớn, khi bất định có thể vẫn là từ khóa của năm 2021, thưa ông?
Tác động và sức ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn lâu dài và sâu rộng với nền kinh tế thế giới nói chung cũng như đối với Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, nguy cơ, thách thức luôn song hành cùng cơ hội. Đây là thời điểm thử thách các doanh nghiệp.
Cũng phải nhắc lại, trong năm 2020, có 101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019. Trong số này có 46.592 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 62,2% so với năm 2019). Rõ ràng, sự ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tái cấu trúc, tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội.
Doanh nghiệp nhạy bén sẽ chuyển trạng thái từ “đóng băng” sang nắm bắt ngay thời cơ mới để phát triển. Đây là cơ sở thúc đẩy việc nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho một sự phát triển bền vững hơn.
Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng dễ chịu tổn thương do những cú sốc bên ngoài.
Trong thời gian tới, để giảm số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng cần hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các đối tượng này, đồng thời gia hạn các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, những trải nghiệm, bài học quý giá từ khoảng thời gian khó khăn này sẽ giúp cho doanh nghiệp đủ sức khỏe, đủ tiềm lực để phát triển sau biến cố, đổi thay của thị trường, góp phần đưa doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn.
Theo Baodautu