Các đại biểu về dự chương trình đều là những câu chuyện cổ tích, là những tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đai. Họ chính là vốn quý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta…, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân trân trọng, quý mến, biểu dương, biết ơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ gặp mặt 50 tấm gương tiêu biểu đại diện cho 400 đại biểu dự Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” diễn ra chiều 27/11 tại trụ sở Chính phủ. Chương trình là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” tại Hà Nội từ ngày 27 và 28/11/2020 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.
Những tấm gương âm thầm nhưng vĩ đại
Tại cuộc gặp, Thủ tướng bày tỏ xúc động được gặp các đại biểu tiêu biểu với những thành tích ấn tượng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, những câu chuyện cảm động được chia sẻ, những việc làm, thành tích, kết quả của 400 đại biểu về dự Lễ tuyên dương mà đại diện là 50 đại biểu tiêu biểu có mặt tại đây một lần nữa nhắc nhớ chúng ta cần trân trọng những gì đang có, và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, quan tâm đến những người có công, người nghèo, người khuyết tật. Đồng thời, đã làm nhiều việc để có một hệ thống trợ giúp xã hội ngày càng tốt hơn về độ bao phủ và mức trợ cấp, hệ thống cung cấp dịch vụ cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, được cải thiện cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, do nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, chưa thể bao phủ hết được các hoàn cảnh khó khăn của người dân. Vì vậy, những tấm lòng nhân ái, sự hỗ trợ giúp đỡ của cá nhân và cộng đồng là vốn quý để “phủ lại” lần nữa những trường hợp khó khăn ấy bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Vì vậy theo Thủ tướng, cần có mạng lưới rộng rãi những người làm công tác xã hội. Theo Thủ tướng, những tấm gương sáng tiêu biểu đã tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội và có sức lan tỏa rất lớn về tình yêu thương, nhân ái trong xã hội. Trong khó khăn, người Việt Nam luôn thương yêu, giúp đỡ nhau, thể hiện tinh thần hết sức cao cả và nhân văn, như trong đại dịch Covid-19, có nhiều tấm gương sáng vì cộng đồng, từ cụ già 90 tuổi, đến những em bé đều với những hành động đóng góp rất cảm động. Cũng như trong bão lũ vừa qua, hàng vạn tấm lòng hướng về miền Trung ruột thịt. Những tấm gương sáng đó chúng ta luôn ghi nhớ và vinh danh.
Thủ tướng đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp nhân lên những tấm gương tốt trong cộng đồng, nhân lên những điều đáng quý, lan toả tính nhân văn, sự thương yêu đùm bọc của người Việt Nam, “chúng ta lấy cái tốt đẹp dẹp cái xấu”.
Hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác xã hội
Cũng tại buổi gặp mặt, Thủ tướng cho biết, để tiếp tục phát huy, truyền thống “thương người như thể thương thân”, phong trào “cả nước chung tay vì người nghèo”, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, đặc biệt là về công tác xã hội.
“Ngành LĐ-TB&XH, ngoài việc thường xuyên tổ chức sự kiện này, để những tấm gương tỏa sáng hơn nữa ngoài xã hội, cần phải xây dựng và thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở nước ta trong giai đoạn 2021- 2030. Trên cơ sở đó, bảo đảm công tác xã hội phát triển sâu hơn, rộng hơn, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội, phát triển công tác xã hội sang các lĩnh vực y tế, giáo dục, khuyến khích xã hội hóa công tác xã hội”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện cơ chế hỗ trợ cho những cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội có cơ hội phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, đóng góp không ngừng nghỉ, chăm lo cho người có công với cách mạng, người yếu thế…
“Tôi muốn nói những người làm công tác xã hội ở địa bàn nào, cấp ủy chính quyền phải chú ý quan tâm tạo điều kiện.”Thầm lặng” là về công việc giúp dân, giúp người nghèo, người yếu thế, nhưng về phía Nhà nước biết được những tấm gương đó, cần tạo điều kiện cho họ – những tấm lòng đó, thực hiện tốt nhiệm vụ”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đến các tấm gương tiêu biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, với sự đồng lòng chung sức, trách nhiệm tinh thần sẻ chia, Việt Nam sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn và giảm thiểu rào cản, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người yếu thế.
Phát biểu tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những đóng góp của các tấm gương thầm lặng đã làm bớt đi những hoàn cảnh éo le, khó khăn và góp vào bức tranh tươi sáng của xã hội.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đời sống xã hội ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong việc đóng góp, xây dựng cho cộng đồng. Điều này cho thấy, sự cải thiện ngày càng lớn trong đời sống an sinh xã hội, đặc biệt là những hoạt động thiện nguyện, nhân đạo.
Chính vì vậy, 400 cá nhân được tuyên dương phải là những người tiêu biểu nhất, có nhiều đóng góp cho việc thiện nguyện trong cộng đồng. “Dù rất nhiều việc nhưng Thủ tướng vẫn dành tình cảm đặc biệt cho chương trình gặp mặt 50 đại biểu đại diện cho 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” là sự kiện lớn lần đầu tiên được tổ chức, tôn vinh với số lượng lên tới 400 cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong cộng đồng trong lĩnh vực an sinh xã hội. Đó là những người đã gắn bó hàng chục năm với công tác trợ giúp trẻ em nghèo, người đơn thân; người chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ; người nhiều lần hiến máu cứu người; bác sĩ có hành động dũng cảm cứu người trong đợt dịch Covid-19; người có nhiều đóng góp trong công tác tại cộng đồng…
Lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng vì cộng đồng” sẽ được tổ chức vào chiều 28/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, địa chỉ tại số 1 Đại lộ Thăng Long (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Chương được truyền hình trực tiếp trên VTV1 vào lúc 15h ngày 28/11/2020.
Hải An – Minh Quân