18/11/2020 3:48:02

Bộ LĐ-TB&XH “hiến kế” bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội vào dự thảo Văn kiện Đảng

“Quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội” là Chủ đề của Tọa đàm góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 18/11.

Chủ trì Tọa đàm, ông Lê Tấn Dũng, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Tọa đàm là 1 trong 4 hình thức được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức để lấy ý kiến góp ý các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tọa đàm có vai trò quan trọng đóng góp về mặt quan điểm, lý luận, mục tiêu, chỉ tiêu, những vấn đề cần xây dựng trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

7 nội dung phát triển xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội

Năm 2019-2020, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng 2 báo cáo chuyên đề phục vụ xây dựng các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng gồm: Báo cáo chuyên đề “Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển xã hội của Chiến lược 10 năm 2011-2020, Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và các mục tiêu phát triển xã hội giai đoạn 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025”; Báo cáo “Đánh giá việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nhân lực trong giai đoạn 2011-2020 và vấn đề đặt ra trong giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025”.

Tọa đàm góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Bộ LĐ-TB&XH

 

Phó Viên trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội Lưu Quang Tuấn cho biết, rất nhiều nội dung trong 2 báo cáo chuyên đề nói trên đã được Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII sử dụng để xây dựng các văn kiện, hầu hết các lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH đều xuất hiện trong văn kiện. Điều này khẳng định những đóng góp có ý nghĩa của Bộ LĐ-TB&XH.

Cũng theo Phó Viện trưởng Lưu Quang Tuấn, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng đã đưa ra định hướng: Quản lý phát triển xã hội phải hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tham gia góp ý tại Tọa đàm, TS Nguyễn Hữu Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội cho biết, quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội là vấn đề có tính chiến lược, có vị trí quan trọng trong tổng thể hệ thống quản lý phát triển quốc gia để xây dựng một xã hội ổn định, phát triển hại hòa.

“Bất kỳ quốc gia nào muốn phát triển nhanh và bền vững phải gắn kết chặt chẽ giữa quản lý phát triển kinh tế, nhất là tăng trưởng kinh tế với quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân”, TS Dũng nhấn mạnh.

TS Nguyễn Hữu Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội

Góp ý những nội dung cơ bản về quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng cần tập trung vào 7 lĩnh vực trọng tâm.

Bao gồm: Thực hiện ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú; Phát triển kỹ năng nghề nghiệp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu việc làm bền vững của người lao động; Phát triển việc làm bền vững, tăng thu nhập cho người lao động và giảm nghèo bền vững; Phát triển bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết 28-NQ/TW Hội nghị BCH Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Phát triển trợ giúp xã hội nhằm ổn định đời sống và hòa nhập xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Bảo đảm bình đẳng giới thực sự trong mọi lĩnh vực của đời sống và xã hội.

Trên cơ sở 7 nhóm lĩnh vực trọng tâm, TS Nguyễn Hữu Dũng đề xuất 6 nhóm giải pháp quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Trong đó tập trung xây dựng thành công Chính phủ kiến tạo, có đủ năng lực quản lý phát triển xã hội bền vững và bảo đảm an sinh xã hội phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm an sinh, xã hội…

Nâng cao năng lực cạnh tranh nhân lực

Bên cạnh các vấn đề mang tính lý luận, tại Tọa đàm các ý kiến đại biểu cũng đã góp ý các giải pháp đối với các nhóm vấn đề cụ thể.

Đề cập đến vai trò của nguồn nhân lực, ông Phạm Xuân Thu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng, năng lực nhân lực là lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia. Việc đầu tư để phát triển nguồn lực con người là đầu tư chiến lược, cơ sở chắc chắn nhất cho sự phát triển bền vững.

Theo ông Phạm Xuân Thu, từ khi ra đời, Đảng luôn nhận thức rõ vai trò quan trọng của vấn đề chiến lược này. Ở mỗi thời kỳ cách mạng khác nhau, quan điểm của Đảng về con người được bổ sung, hoàn thiện dần cho phù hợp với yêu cầu phát huy nhân tố con người trong điều kiện mới.

Song quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng về nguồn lực con người là: “Nguồn lực con người là quý báu nhất, có vai trò quyết định đặc biệt đối với nước ta khi nguồn nhân lực tài chính và nguồn lực vật chất còn hạn hẹp. Nguồn lực đó là người lao động có trí tuệ cao, có tay nghề thành thạo, có phẩm chất tốt đẹp được đào tạo bồi dưỡng và phát huy bởi một nền giáo dục tiên tiến gắn liền với một nền khoa học công nghệ hiện đại”.

Ông Phạm Xuân Thu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp

Theo đại diện Tổng cục GDNN tại Tọa đàm, định hướng phát triển nhân lực qua đào tạo nghề thời gian tới là đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN theo hướng mở, linh hoạt; tạo cơ hội tiếp cận GDNN với mọi người dân; gắn kết chặt chẽ đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội. Chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN, chuyển mạnh đào tạo theo năng lực thực hiện, chú trọng phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp để có thể tiếp thu, làm chủ những tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Theo đó, Tổng cục GDNN đề xuất 8 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng GDNN thời gian tới là: Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN; chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; tăng cường quản lý chất lượng GDNN; gắn kết GDNN với doanh nghiệp, người sử dụng lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội; phát triển hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động; tăng cường công tác truyền thông, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế… 

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, các ý kiến tham luận tại Tọa đàm đã góp ý những vấn đề về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, “hiến kế” quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Thứ trưởng lưu ý, các đơn vị thuộc bộ có lĩnh vực liên quan cần tiếp tục rà soát các nhóm nhiệm vụ, nhóm nào chưa đề cập, đề cập chưa xác đáng trong văn kiện thì bổ sung làm rõ để đảm bảo tính khả thi trông tổ chức thực hiện sau này.

 

 

 

 

 

 

Hải An