“Việc áp dụng tiến bộ của công nghệ hướng đến mục đích cung cấp cho người học những năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, giúp sinh viên rèn luyện và nâng cao khả năng tiếp cận khoa học công nghệ, từng bước hoàn thiện kiến thức, kỹ năng”.
Đây là nội dung được TS Hoàng Đức Luận, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ thông tin trong phát biểu khai mạc Hội thảo “Khoa học công nghệ – Động lực phát triển và đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp khối ngành sức khỏe” diễn ra ngày 20/10 tại Phú Thọ.
Hội thảo khoa học là hoạt động thường niên của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Năm nay Hiệp hội phối hợp với Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Trường, đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất và khai giảng năm học 2020-2021.
Theo TS Hoàng Đức Luận, nhiều chuyên gia đã nhận định, kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất đưa Việt Nam đi lên hiện đại và thịnh vượng. Điều này thể hiện qua việc vận dụng nền tảng khoa học – công nghệ đổi mới, sáng tạo để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải gánh chịu những tác động sâu sắc của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, bao gồm khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường,… đặc biệt là đại dịch Covid-19 – một dịch bệnh mới và chỉ trong vài tháng đã làm thay đổi môi trường sống cũng như thói quen sinh hoạt của con người trên toàn thế giới.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ Hoàng Đức Luận nhận định, trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, tri thức là sức mạnh, khoa học công nghệ là động lực của phát triển. Và nhân lực chất lượng cao được kỳ vọng là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam tận dụng cơ hội, trở thành quốc gia đổi mới, sáng tạo.
Theo đó, giáo dục nghề nghiệp nói chung, giáo dục nghề nghiệp khối ngành sức khỏe nói riêng giữ vai trò quan trọng với trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
“Làm thế nào để mỗi sản phẩm đào tạo được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm với công việc, y đức để đáp ứng yêu cầu theo từng vị trí việc làm, nhất là khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh kinh tế – xã hội phát triển hơn, dân số tăng và già hóa. Đồng thời, mô hình bệnh tật đã thay đổi theo xu hướng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng liên tục ở mức cao, đòi hỏi chuẩn mực chăm sóc sức khỏe cao hơn cả về số lượng, chất lượng dịch vụ”, TS Luận nêu vấn đề.
Cũng theo TS Hoàng Đức Luận, Việt Nam hiện đã hướng tới mô hình Giáo dục nghề nghiệp 4.0 – trên cơ sở áp dụng tiến bộ của công nghệ thông tin trong dạy và học, triển khai đào tạo trực tuyến, phát triển các tài nguyên giáo dục mở, khai thác các khóa học trực tuyến trong Giáo dục nghề nghiệp.
Việc áp dụng tiến bộ của công nghệ theo đó hướng đến mục đích cung cấp cho người học những năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, giúp sinh viên rèn luyện và nâng cao khả năng tiếp cận khoa học công nghệ, từng bước hoàn thiện kiến thức, kỹ năng.
Với chủ đề “Khoa học công nghệ – Động lực phát triển và đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp khối ngành sức khỏe”, Hội thảo với 2 phiên Y học và Dược học đã nghe và thảo luận về các báo cáo đánh giá kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Tiêu biểu như: Báo cáo đánh giá kết quả phẫu phẫu thuật cắt amidan bằng dao ligasure của Ths Tạ Hùng Sơn, Phó Trưởng bộ môn Tai- Mũi – Họng, Trường Đại học Y dược Hải Phòng; Báo cáo nâng cao chất lượng đào tạo điều dưỡng Việt Nam theo Tiêu chuẩn toàn cầu về giáo dục ban đầu đối với điều dưỡng và hộ sinh chuyên nghiệp của WHO của BSCK II Bùi Trần Ngọc, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên; Báo cáo khảo sát, chiết xuất và làm giàu saponin từ quả mướp đẳng của TS Nguyễn Quốc Tuấn, Trường Cao đẳng Y dược Phú Thọ; Báo cáo nghiên cứu bào chế bột cao khô từ bài thuốc GK1 bằng phương pháp phun sấy để ứng dụng trong điều trị suy thận mạn tính của TS Nguyễn Trọng Điệp, Học viện Quân Y…
Theo TS Hoàng Đức Luận, Hội thảo với nhiều kết quả nghiên cứu được chia sẻ sẽ là bước khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ nghiên cứu khoa học của các trường thành viên, hướng đến mục tiêu đào tạo kết nối và phục vụ cộng đồng, cung cấp nguồn nhân lực có khả năng hội nhập quốc tế.
TS Hoàng Đức Luận, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ cho biết: Trong những năm qua, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói chung, Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ nói riêng đã chủ động nắm bắt thời cơ, biến thách thức thành cơ hội, từng bước đi lên khẳng định vị thế, tạo được niềm tin trong xã hội bằng chất lượng đào tạo: Gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu của xã hội; tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, ứng dụng khoa học và công nghệ trong đào tạo; biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa. Từ đó, phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong nhà trường, các thế hệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ổn định, thu nhập cao, đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động. |
Hồng Sơn