Tính đến hết ngày 6/10, tại Hội đồng thi số 3- Trường Cao đẳng Xây dựng công trình Đô thị ( xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) đã có 4/5 nghề tổ chức thi kết thúc với chất lượng thí sinh “nhảy vọt” đáng kể, khoảng cách điểm thi tương đối đồng đều.
4/5 nghề đã kết thúc thi gồm: Hàn, Ốp lát tường và sàn, Lắp đặt đường ống nước và hệ thống nhiệt, Xây gạch. Ngày hôm nay 7/10, các thí sinh nghề Lắp đặt điện sẽ hoàn thành.
Theo đánh giá tổng quan từ các chuyên gia tại Hội đồng thi số 3, số lượng thí sinh ở các nghề dự thi năm nay ít hơn so với các kỳ thi trước bởi tác động từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, chất lượng thí sinh lại có bước “nhảy vọt” đáng kể, khoảng cách về điểm thi giữa các thí sinh tương đối đồng đều. Nghĩa là điểm của thí sinh đạt giải và chưa đạt giải biên độ khoảng cách rất gần, thể hiện rõ nhất ở nghề Hàn và nghề Xây gạch.
Điều này đã phản ánh chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời gian qua đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Theo phản ánh của các thí sinh, đề thi năm nay yêu cầu khá cao, thời gian thi kéo dài hơn, từ 8 lên 12 tiếng và cách thức tính điểm cũng tiệm cận với tiêu chí của các kỳ thi tay nghề cấp ASEAN và thế giới nên khá áp lực.
Tuy nhiên, do đã được thông báo và tư vấn kỹ trước kỳ thi, các thí sinh cũng đã chuẩn bị tinh thần, sức khỏe cũng như ôn luyện chuyên môn khá kỹ nên đều vượt qua và hoàn thành tốt bài thi của mình.
Thí sinh Lương Văn Thể (SN 2000) nghề Xây gạch, tới từ Trường CĐ Thủy lợi Bắc Bộ cho biết: “Em cảm nhận chương trình thi hơi nặng, nhưng được chuẩn bị tâm lý kỹ nên em khá bình tĩnh hoàn thành bài thi tốt, hy vọng sẽ ghi danh tại kỳ thi này”.
Trưởng ban Giám khảo, Chuyên gia Trưởng nghề Xây gạch Trần Tuấn Long cho biết: “Đề thi nặng nhưng hợp lý, chất lượng thí sinh được nâng tầm. Cuộc thi lần nay đánh giá được tất cả các kỹ năng của thí sinh tương đương gần gần sát với cấp độ ASEAN. Các đoàn tham dự đều mang đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ đạt chuẩn để làm bài thi. Điểm của các thí sinh được cập nhật trên phần mềm CIS – hệ thống phần mềm đánh giá Quốc tế, đảm bảo đánh giá công bằng, khách quan”.
Với nghề Hàn, theo Trưởng Tiểu ban Giám khảo – Chuyên gia Tạ Văn Năm cho biết: “Kỳ thi lần này trình độ kỹ năng nghề của các em đã được nâng lên một mức. Về mặt sàn chung giữa tốp đạt giải và không đạt giải chỉ số điểm sát gần nhau hơn. Tại kỳ thi này, thiết bị Hàn phục vụ thi đều là thiết bị mới của Nhật, Hàn Quốc… đủ tiêu chuẩn đáp ứng giống như kỳ thi Quốc tế”.
Lan tỏa sức hút nghề nghiệp tới HSSV
Trong khuôn khổ tổ chức kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia tại Hội đồng thi số 3 Trường CĐ Xây dựng Công trình Đô thị cũng tổ chức nhiều đoàn học sinh THPT, THCS trong khu vực và sinh viên của nhà trường thăm quan, trải nghiệm các nghề thi.
Hoạt động này giúp các HSSV được tiếp cận trực quan với những ngành nghề được tổ chức thi tại đây, giúp các em hoàn toàn tự tin với sự lựa chọn của mình trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Cùng đó ngày 6/10 tại trường cũng diễn ra một cuộc hội về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh sau THCS. Trong đó có những kinh nghiệm thực tế từ mô hình đào tạo cho người học sau THCS tại Trường CĐ Xây dựng Công trình Đô thị, cùng những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ở mô hình này được đề cập tới.
Ông Đào Việt Hà – Trưởng phòng Quản lý đào tạo CUWC cho biết, những ưu thế của mô hình này là: Cơ chế chính sách của Chính phủ gỡ dần “nút thắt” và miễn phí học nghề cho học sinh theo học; Trong khoảng thời gian 3 năm, người học đạt được “mục tiêu kép”, vừa có Bằng Tốt nghiệp THPT, vừa có bằng Trung cấp của một ngành nghề.
Đặc biệt, nếu học liên thông lên Cao đẳng, tổng thời gian cũng được rút ngắn với ngành nghề đa dạng (khoảng 300 nghề), phù hợp với năng lực của nhiều đối tượng; Nhà trường dành nhiều hỗ trợ cho học sinh; Sau khi tốt nghiệp sẵn sàng tham gia thị trường lao động khi còn trẻ.
Tuy nhiên, thực tế triển khai tại CĐ Xây dựng Công trình đô thị cũng nảy sinh không ít khó khăn: Dư luận của xã hội về mô hình này còn thiếu thống nhất và e dè trước sự lựa chọn học tại trường nghề hay học chương trình THPT; Đầu vào của học sinh còn thấp; Lứa tuổi học sinh thấp, đang hình thành nhân cách, cần có cách thức quản lý khác biệt hơn so với sinh viên học nghề; Thời gian thực tập tại doanh nghiệp gặp vướng mắc do học sinh chưa đủ tuổi thành niên và thời gian dành cho thực tập không nhiều.
Hiện nay, quy mô hệ song bằng của CĐ Xây dựng Công trình đô thị có gần 2.000 học, trong đó đào tạo tại trường là gần 1.300 học sinh. Học sinh được lựa chọn 12/29 nghề của nhà trường. Nhà trường đào tạo chương trình này với phương châm “Kỷ luật là sức mạnh- Thành Nhân trước khi thành Tài”…
Từ đó tập trung rèn luyện nhân cách và kỹ năng sống, rèn luyện trí tuệ, rèn luyện thể chất… Cam kết đầu ra 100% cho học sinh tốt nghiệp; định hướng và tạo điều kiện cho các em được học ngoại ngữ, ưu tiên học sinh có nhu cầu du học nghề và làm việc tại CHLB Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc thuộc chương trình liên kết của Nhà trường.
Thu Thủy