29/09/2020 9:42:51

Thách thức trong đào tạo, đáp ứng nhu cầu kỹ năng lao động của kỷ nguyên công nghệ và số hóa

“Xu thế việc làm, tuyển dụng và đào tạo, do tác động của kỷ nguyên công nghệ và số hóa, làm thay đổi căn bản và toàn diện nhiều lĩnh vực, kể cả làm thay đổi cách nghĩ, lối sống, phương thức làm việc và quan hệ con người trong mọi hoạt động xã hội. Những kỹ năng nghề quyết định đến tính cạnh tranh của người lao động”.  

Công nghệ thay đổi đồi hỏi người lao động phải học hỏi vập nhật kỹ năng để thích ứng.                       
  1. Công nghệ và số hóa thay đổi cơ cấu lao động và việc làm như thế nào

– CMCN 4.0 sẽ thúc đẩy tăng nhu cầu sử dụng lao động kỹ năng nghề cao, xuất hiện đông đảo tầng lớp lao động sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, thiết kế, văn hóa, nghệ thuật, giải trí, truyền thông, giáo dục, đào tạo, y tế, pháp luật, …

– CMCN 4.0 với sự xuất hiện, áp dụng phổ biến siêu tự động hóa và siêu kết nối sẽ nâng cao năng suất của những công việc hiện tại hoặc tạo ra nhu cầu việc làm mới.

– CMCN 4.0 làm phát sinh thị trường lao động ngày càng tách biệt giữa hai lĩnh vực “kỹ năng thấp/thu nhập thấp” và “kỹ năng cao/thu nhập cao”. Những ngành nghề sử dụng lao động rẻ, kỹ năng thấp … sẽ bị mất đi lợi thế cạnh tranh, hậu quả là một phần lực lượng lao động kỹ năng thấp có thể bị thải hồi. Tình hình sản xuất hiện nay cho thấy rất nhiều ngành nghề sẽ mất việc vào tay robot. Người lao động thiếu kỹ năng trong nhóm này sẽ bị mất việc đầu tiên, do đó cần đào tạo nghề nghiệp cho họ để đương đầu với thách thức đó.

– Về việc làm, nhóm lao động chịu tác động mạnh nhất là lực lượng lao động phổ thông và có kỹ năng trung bình rất dễ bị thay thế bởi quá trình tự động hóa và người máy. Đổi mới công nghệ thường dẫn đến năng suất cao hơn nhưng cũng sẽ tạo ra một áp lực lớn về tình trạng thất nghiệp và dịch chuyển nguồn nhân lực.

– Công việc có sự thay đổi lớn về vị trí, chất lượng, cách thức, ví dụ như việc làm toàn thời gian và dài hạn sẽ giảm, số lao động bán thời gian, làm việc tự do theo hợp đồng sẽ tăng. Tự động hóa sẽ phổ biến ở nhiều ngành, nhiều khâu của quá trình sản xuất, đòi hỏi lao động có kỹ năng mới và phù hợp.

– Xu thế việc làm, tuyển dụng và đào tạo, do tác động của kỷ nguyên công nghệ và số hóa, làm thay đổi căn bản và toàn diện nhiều lĩnh vực, kể cả làm thay đổi cách nghĩ, lối sống, phương thức làm việc và quan hệ con người trong mọi hoạt động xã hội. Những kỹ năng nghề quyết định đến tính cạnh tranh của người lao động, gồm:

Kỹ năng tư duy, phân tích và sáng tạo.

Kỹ năng tư duy phản biện và phân tích.

Kỹ năng thiết kế và lập trình.

Kỹ năng giải quyết các tình huống phức tạp.

Kỹ năng sáng kiến và đánh giá mang tính hệ thống.

Kỹ năng tự học; hợp tác và cảm xúc xã hội.

Kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ ảo và làm việc trong môi trường số.

Kỹ năng giao tiếp và ứng xử …

Hướng dẫn SV thực hành nghề cơ khí
  1. Khó khăn và thách thức cơ bản trong trong đào tạo đáp ứng nhu cầu kỹ năng lao động trong kỷ nguyên công nghệ và số hóa

Nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4  rất nặng nề. Đặc trưng lớn nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là kết nối người với thiết bị; thiết bị với con người; con người với con người; doanh nghiệp với doanh nghiệp; quốc gia với quốc gia. Do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới theo hướng phát triển công nghệ mới; kỹ năng về công nghệ thông tin và IoT. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải trả lời được câu hỏi là phải làm gì trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có thay đổi tư duy trong hoạt động.

Mỗi cơ sở đào tạo nghề cần chứng minh năng lực đào tạo nguồn nhân lực của mình bằng minh chứng nguồn nhân lực do mình đào tạo có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Không những thế, còn đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn nghề nghiệp, tiêu chuẩn công nghệ vốn ngày càng đổi mới và khắt khe hơn bao giờ hết.

Tính chuyên môn hóa giảm dần. Ranh giới nghề nghiệp ngày nay vốn cũng không còn rõ ràng nữa. Ngày nay,  khó lòng mà có thể phân biệt giữa các nghề: Điện công nghiệp, Tự động hóa và Cơ điện tử. Có thể nói, cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các lĩnh vực, trong đó có đào tạo. Các cơ sở dạy nghề đang gặp nhiều thách thức cụ thể:

Thứ nhất, kiến thức nền tảng của nhiều ngành nghề thay đổi bởi sự thay đổi của công nghệ mới dẫn đến các kiến thức và tiêu chuẩn nghề nghiệp mới. Nhiều ngành nghề truyền thống biến mất, nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Do đó, các cơ sở đào tạo phải cập nhật nhiều kiến thức mới và công nghệ mới.

Thứ hai, chương trình đào tạo cần phải mở và cập nhật nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn nghề nghiệp mới. Thực tế thì việc chuyển đổi từ chương trình đào tạo đang sử dụng sang chương trình đào tạo mới còn gặp nhiều khó khăn. Việc cập nhật các tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng nghề mới còn thiếu nguồn và chất lượng chưa cao.

Thứ ba, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là sống còn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện chú trọng vào việc tuyển dụng nhiều hơn là hỗ trợ cơ sở dạy nghề cập nhật kiến thức và công nghệ mới cũng như chưa mạnh dạn đầu tư vào giáo dục.

Thứ tư, để thay đổi, cần đầu tư nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại, có giá trị đầu tư cao nhưng không phải cơ sở dạy nghề nào cũng có đủ điều kiện đầu tư.

Thứ năm, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo còn chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, tính cạnh tranh của nguồn nhân lực còn chưa cao.

GDNN cần thay đổi để thích ứng với thi trường việc làm thay đổi.
  1. Đào tạo nghề theo hướng mở và linh hoạt

Nhằm giải quyết những thách thức và đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế 4.0,  trước hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thay đổi quản lý và tổ chức hệ thống đào tạo theo hướng mở và linh hoạt.

Cần thiết kế chương trình đào tạo linh hoạt theo định hướng “ứng dụng”, thường xuyên được cập nhật, “chuẩn đầu ra” các chương trình đào tạo được công khai và đảm bảo đánh giá định lượng được. Nâng cao số lượng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo hợp tác quốc tế. Việc xây dựng các chương trình đào tạo cần có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn và điển hình trong lĩnh vực nghề nghiệp để kịp thời cập nhật các tiêu chuẩn nghề nghiệp và công nghệ mới. Mở rộng quan hệ hợp tác liên kết đào tạo với các quốc gia có nền giáo dục nghề nghiệp tiên tiến. Học hỏi và áp dụng các mô hình quản lý giáo dục mở và tiên tiến. Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo và chương trình đào tạo tiến tới công nhận bằng cấp hoặc đào tạo bằng kép.

Việc tổ chức và quản lý đào tạo cần được thực hiện mềm dẻo và linh hoạt, giúp người học có thể chủ động lựa chọn chương trình và kế hoạch học tập phù hợp. Đào tạo nhiều cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp, chuyển giao công nghệ trong đó chú trọng đến việc liên thông giữa các cấp trình độ. Bên cạnh đào tạo chuyên môn cũng cần đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng khởi nghiệp nhằm trang bị thêm kỹ năng bổ trợ cho người học trong quá trình cạnh tranh nghề nghiệp sau khi ra trường.

Đổi mới phương pháp đào tạo để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong đào tạo. Kết hợp đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp. Hướng tới việc trợ giúp, giám sát sinh viên tự học và chuẩn bị bài ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào chỉ với các thiết bị thông minh kết nối internet. Phần đào tạo trực tiếp tập trụng phát triển các kỹ năng, năng lực thực hiện nghề nghiệp  cũng như các phẩm chất cá nhân khác như: kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề.

Việc đánh giá kết quả đào tạo cần có sự tham gia của doanh nghiệp nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực. Việc này nên là kết quả của một quá trình đào tạo “gắn với doanh nghiệp” trong đó doanh nghiệp đồng hành cùng nhà trường trong suốt lộ trình đào tạo. Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng lộ trình đào tạo của nhà trường, giúp nhà trường cập nhật các tiêu chuẩn nghề nghiệp mới, công nghệ mới, các yêu cầu mới … qua đó nhà trường có cơ sở để cập nhật, điều chỉnh và bổ sung chương trình đào tạo hàng năm.

Một yếu tố quan trọng khác trong giáo dục nghề nghiệp đón đầu xu thế công nghiệp 4.0 là năng lực đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại đáp ứng các yêu cầu nghề nghiệp mới. Việc đầu tư ngân sách công là cần thiết nhưng là không đủ nếu cơ sở đào tạo nghề không linh hoạt trong việc xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Kết hợp với doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng đào tạo hoặc có thể linh hoạt tiến hành đào tạo một số mô-đun thực tế tại doanh nghiệp nhằm nâng cao trải nghiệm và kỹ năng thực tế cho người học.

Công nghệ thay đổi đòi hỏi người lao động thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng đáp ứng việc làm mới.
  1. Kết luận

Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến nền công nghiệp 4.0, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của nền sản xuất thế hệ mới. Việc thay đổi mô hình quản lý đào tạo theo hướng mở và linh hoạt là xu hướng tất yếu đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề phải nhanh chóng và quyết liệt tìm ra hướng đi phù hợp cho mình để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo và có được vị thế vững chắc trong thị trường giáo dục nghề nghiệp có nhiều cơ hội nhưng cũng đầy khó khăn và thử thách.

Đồng Văn Ngọc

                                                Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội