Đặt mục tiêu đưa khoảng 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm nay. Tuy nhiên, đến tháng 8 toàn tỉnh mới có 3.460 người xuất cảnh, đồng nghĩa với việc nhiều địa phương sẽ không hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Tình hình XKLĐ còn nhiều khó khăn
Một số địa phương thường đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài như các huyện: Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Nga Sơn, Quảng Xương… dù đã rất nỗ lực trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng cũng khó để đạt được con số như mong muốn.
Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Quảng Xương, cho biết: “Do dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngay cả những thị trường lao động chủ lực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan cũng phải tạm dừng tiếp nhận lao động một thời gian, nên hoạt động đưa người lao động đi làm việc cũng bị ngưng trệ. Vì vậy, số lao động mới có nhu cầu đi XKLĐ giảm, số lao động đã qua học nghề, học tiếng, lao động được cấp visa thì không xuất cảnh được. Điều đó dẫn đến hệ lụy không có việc làm, không có thu nhập nhưng hằng tháng nhiều gia đình vay mượn tiền đầu tư cho con đi XKLĐ vẫn phải trả lãi tiền vay”
Trường hợp anh Lê Quang Thắng ở xã Quảng Trường đã hoàn thiện thủ tục, chờ bay và theo kế hoạch tính đến thời điểm hiện tại anh đã làm việc ở Hàn Quốc được 3-4 tháng. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 kiến anh không thể theo đúng kế hoạch đề ra, vì đang trong giai đoạn chờ xuất cảnh, nên anh Thắng không thể tìm kiếm việc làm tại quê nhà, nhưng vẫn phải trả tiền lãi suất vay nên đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Chuẩn bị kỹ lưỡng để “vực dậy” XKLĐ hậu Covid-19
Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2007 đến nay, số lao động đã tuyển dụng tại các địa phương trong tỉnh là gần 126.000 người. Số lao động đang làm việc tại nước ngoài hiện nay là gần 30.000 người. Hằng năm, số tiền người lao động gửi về nước khoảng 150 đến 180 triệu USD. Tỷ lệ lao động sau khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài về có cuộc sống tốt hơn chiếm trên 98%; tỷ lệ gia đình thoát nghèo chiếm trên 95%, nhiều gia đình đã giàu lên nhờ XKLĐ
Năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu đưa khoảng 10 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng chung đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và hoạt động XKLĐ cũng không ngoại lệ. Theo ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 2.000 lao động đủ điều kiện xuất cảnh nhưng chưa thể đi được. Một số thị trường tuy vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc như Đài Loan, Rumani nhưng số lao động xuất cảnh được rất “nhỏ giọt”. Thậm chí, một thời gian dài không có lao động xuất cảnh vì nhiều nước tạm dừng tuyển lao động và nhiều đường bay quốc tế đóng cửa.
Cũng theo ông Tùng, khi dịch bệnh được khống chế thì nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực nước ngoài của các nước sẽ rất lớn. Để có thể nhanh chóng vực dậy thị trường XKLĐ, đáp ứng nhu cầu về nhân lực, ngay từ bây giờ các địa phương cần chuẩn bị tốt công tác tạo nguồn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động tích cực tham gia học tiếng, học nghề, chuẩn bị sẵn sàng khi các thị trường mở cửa là có thể đi ngay. Đồng thời định hướng cho người lao động học nghề điều dưỡng để đi làm việc tại các thị trường Đức, Nhật Bản, Đài Loan; nghề hàn, xây dựng để đi Hàn Quốc…
Thúy Anh (T/h)