27/08/2020 12:02:04

Bộ LĐ-TB&XH: Dự thảo 5 tiêu chí đánh giá trường cao đẳng nghề chất lượng cao

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định chi tiết tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao gồm 5 tiêu chí.

Theo đó, Dự thảo thông tư quy định: Căn cứ kết quả đánh giá báo cáo tự đánh giá của trường và kế hoạch đánh giá trường cao đẳng chất lượng cao hàng năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quyết định thành lập đoàn đánh giá để thực hiện khảo sát thực tế tại trường.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định công nhận kết quả đánh giá trường và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao.

Ảnh minh họa

5 tiêu chí đánh giá

Dự thảo Thông tư quy định có 5 tiêu chí đánh giá gồm : Quy mô đào tạo; Trình độ nhà giáo, Gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo; Quản trị nhà trường; Trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo.

Mỗi tiêu chí sẽ bao gồm các tiêu chuẩn cụ thể và điểm đánh giá của mỗi tiêu chuẩn tối đa là 3 điểm.

Tùy theo mức độ đạt được trong thời gian 2 năm bao gồm năm trước năm đánh giá và năm đánh giá, điểm đánh giá tiêu chuẩn là 1, 2, 3 điểm.

Điểm đánh giá tối đa của tiêu chí là tổng số điểm đánh giá tối đa của các tiêu chuẩn có trong tiêu chí.

Dự thảo Thông tư nêu rõ, trường cao đẳng được đánh giá là đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao khi đáp ứng các yêu cầu sau: Tổng số điểm đánh giá các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên; Điểm đánh giá của từng tiêu chí đạt ít nhất 70% điểm tối đa của tiêu chí. Ngoài ra, một số tiêu chuẩn phải đạt điểm tối đa 3 điểm.

Một số tiêu chuẩn yêu cầu phải đạt điểm tối đa

Các tiêu chuẩn phải đạt điểm tối đa gồm:

Tiêu chuẩn 1 của Tiêu chí 1: Quy mô đào tạo tối thiểu 1.500 học sinh, sinh viên; riêng đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đối với trường phục vụ đối tượng chuyên biệt, đào tạo các ngành nghề đặc biệt là 500. Số lượng người học chiếm tỷ lệ ít nhất 80% quy mô đào tạo;

Tiêu chuẩn 1 của Tiêu chí 2: 100% nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.

Tiêu chuẩn 1 của Tiêu chí 3: Doanh nghiệp tham gia chặt chẽ và hiệu quả trong quá trình xây dựng, rà soát, chỉnh sửa bổ sung chuẩn đầu ra, phát triển chương trình đào tạo và đánh giá kết quả học tập. Trường triển khai đào tạo hợp tác với doanh nghiệp ở ít nhất 01 ngành/nghề, trong đó có cán bộ của doanh nghiệp đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm tham gia giảng dạy;

Các Tiêu chuẩn 1, 3, và 5 của Tiêu chí 4 gồm: Trường xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống bảo đảm chất lượng của trường theo quy định và đặc thù của trường, hàng năm được đánh giá, cải tiến khi cần thiết; Trường triển khai đào tạo trực tuyến phù hợp với nội dung chương trình đào tạo, nhu cầu người học và có biện pháp giám sát chất lượng hiệu quả; Trang thiết bị đáp ứng triển khai chương trình đào tạo; thiết bị thực tập thực hành bảo đảm an toàn; có đầy đủ bảo hộ lao động và thường xuyên được sử dụng; sắp xếp xưởng thực hành đảm bảo đào tạo các kỹ năng cơ bản chung, đào tạo các kỹ năng chuyên sâu và ứng dụng các kỹ năng đã học vào điều kiện làm việc thực tế; quản lý nhà xưởng theo mô hình tiên tiến;

Tiêu chuẩn 2 của Tiêu chí 5: Ít nhất 90% người học được các doanh nghiệp đánh giá năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc.

Theo dự thảo, các quy định trong Thông tư sẽ áp dụng đối với trường cao đẳng thuộc các loại hình công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, không áp dụng đối với trường cao đẳng sư phạm.

Trước đó, theo Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025” của Chính phủ, đến năm 2020, sẽ có khoảng 40 trường cao đẳng chất lượng cao và đến năm 2025 là 70 trường, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Thúy Anh (T/h)