Kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu lao động qua đào tạo do Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp thực hiện mới đây cho thấy, nhu cầu tuyển mới lao động kỹ thuật trong các ngành nghề trọng điểm từ năm 2021 là rất lớn.
Theo đó, năm 2021, tổng số lao động qua đào tạo nghề trọng điểm có nhu cầu tuyển mới khoảng 815 nghìn người và năm 2022 là khoảng 817 nghìn người, trong đó, nhu cầu tuyển mới lao động có trình độ cao đẳng là cao nhất, tiếp đến là trình độ trung cấp và sơ cấp…
Cụ thể, năm 2021, đối với lao động trình độ sơ cấp, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang 53.557 người. Tiếp đến là kỹ thuật chế biến món ăn 12.914 người. Kỹ thuật xây dựng 5936 người;… Đối với trình độ trung cấp, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang 60.913 người. Vận hành máy xây dựng 29.050 người; Kỹ thuật chế biến món ăn 27.478 người;… Đối với trình độ cao đẳng, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang 67.624 người. Tiếp đến là vận hành máy xây dựng 29.948 người, Điện công nghiệp (26.227 người);…
Năm 2022, nhu cầu tuyển mới trình độ sơ cấp nhiều nhất là may thời trang 55.185 người, tiếp đến là vận hành máy xây dựng 24.099 người. Kỹ thuật chế biến món ăn 17.458 người,… Đối với trình độ trung cấp, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang 62.210 người, tiếp đến là kỹ thuật chế biến món ăn 33.750 người. Vận hành máy xây dựng 30.661 người;… Đối với trình độ cao đẳng, nhu cầu tuyển mới nhiều nhất là may thời trang 69.653 người, tiếp đến là Điện công nghiệp 26.577 người, công nghệ may và thời trang 24.878 người,…
Kết quả cuộc điều tra cũng cho thấy, nhu cầu của doanh nghiệp về năng lực và kỹ năng của lao động đều cao hơn so với năng lực, kỹ năng hiện có của người lao động ở tất cả 11 hạng mục năng lực. Theo đó, những hạng mục mà người lao động cần phải cải thiện nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đó là: Chuyên môn, nghiệp vụ; Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng tư duy sáng tạo, tính chủ động; Kỹ năng giải quyết vấn đề.
Về thu nhập, đối với trình độ Sơ cấp, nghề có thu nhập bình quân cao nhất là công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông, gần 9,2 triệu đồng/tháng. Sau đó đến kỹ thuật xây dựng 8,1 triệu đồng/tháng. Kỹ thuật thiết bị điện tử thu nhập 8,06 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân chung của lao động trình độ sơ cấp khoảng 5,7 triệu đồng/tháng.
Trình độ Trung cấp, nghề có thu nhập bình quân/tháng cao nhất là nghề Quản lý khai thác công trình thủy lợi 12,2 triệu đồng/tháng, tiếp đến là Kỹ thuật sơn mài và khảm trai 9,75 triệu đồng/tháng. Chế tạo thiết bị cơ khí thu nhập 9,15 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân chung của lao động trình độ trung cấp khoảng 6,3 triệu đồng/tháng.
Trình độ Cao đẳng, nghề có thu nhập bình quân cao nhất là điều dưỡng 15,5 triệu đồng/tháng, sau đó đến quản lý khai thác công trình thủy lợi 14,1 triệu đồng/tháng. Nghề Kỹ thuật sơn mài và khảm trai 10,2 triệu đồng/tháng. Thu nhập trung bình chung của lao động trình độ cao đẳng khoảng 7,3 triệu đồng/tháng.
Ngành, nghề trọng điểm là nghề phổ biến, nằm trong danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp. Ngành nghề trọng điểm có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với yêu cầu phát triển nhân lực có tay nghề, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, cạnh tranh quốc gia. Trong đó, bao gồm những nhóm ngành, nghề về công nghệ, kỹ thuật, nông nghiệp, công nghiệp.
Đặc biệt là những ngành, nghề phục vụ trực tiếp của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; 8 nhóm lĩnh vực ngành, nghề được tự do di chuyển gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch; nhóm ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; nhóm ngành, nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.
Phương Minh baodansinh.vn