14/08/2020 2:09:01

Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển

Nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn là hành lang pháp lý quan trọng giúp GDNN phát triển, Luật Giáo dục sửa đổi (2019) và Luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa tuyển sinh GDNN gắn với tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thực hành nghề công nghệ ô tô (Ảnh minh họa)

Luật Giáo dục (sửa đổi) đáp ứng tốt nhu cầu thị trường

Ngày 14/6/2019, Luật Giáo dục đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Đây là một đạo luật được người dân và toàn xã hội đánh giá cao, khắc phục được một số vướng mắc, khóa khăn, bất cập trong quá trình thực thi Luật Giáo dục năm 2005, đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời thể chế hoá được một số chính sách mới trong hệ thống giáo dục quốc dân, tháo gỡ được những điểm nghẽn trong các cấp học, bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân như công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học. Đồng thời, Luật cũng quy định rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và địa phương nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cụ thể như sau:

Luật Giáo dục đã bổ sung quy định cụ thể về hướng nghiệp, đồng thời làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế hướng nghiệp tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn (Điều 9). Công tác định hướng nghề nghiệp được thực hiện ngay ở cấp trung học cơ sở kể cả trong và ngoài nhà trường để giúp cho học sinh có kiến thức nghề nghiệp và khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp với nguyện vọng, sở trường của từng cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, giúp cho người học tiết kiệm được thời gian, tránh được lãnh phí tiền của gia định và xã hội, đồng thời cũng giải quyết được bài toán về cơ cấu nhân lực hiện nay.

Xác định rõ cơ chế phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp (Điều 10). Đây là điểm tháo gỡ nút thắt của nhiều năm qua, đồng thời từng bước khắc phục được cơ cấu bất hợp lý về nhân lực hiện nay, khắc phục được tình trạng thừa thầy thiếu thợ và tâm lý sánh bằng cấp của người dân và xã hội, đồng thời đáp ứng được mục tiêu của Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị và Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ.

Xác định rõ cơ chế liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học (Điều 10) theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam (08 bậc) trong hệ thống giáo dục quốc dân. Với Khung trình độ quốc gia thì người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học liên thông lên từng trình độ đào tạo (Sơ cấp – Trung cấp – Cao đẳng – Đại học) theo nhu cầu của người học và không phải học lại kiến thức, kỹ năng đã được tích lũy ở các chương trình đào tạo trước đó.

Việc liên thông giữa các trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia được dựa trên chuẩn đầu ra theo từng trình độ đào tạo, người học thiều gì học đấy: Thiếu kiến thức văn hóa thì bổ sung kiến thức hóa, thiếu kiến thức nghề nghiệp thì bổ sung kiến thức nghề nghiệp, thiếu kỹ năng thì bổ sung kỹ năng theo từng trình độ đào tạo nhằm tạo điều kiện điện cho người dân có cơ hội học tập suốt đời và tạo sự công bằng cho người học. Điều này cũng khẳng định “đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp”.

Quy định rõ chức năng được đào tạo khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các trường cao đẳng, trường trung cấp (Điều 28 và Điều 34). Đây là vấn đề từ trước tới nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa bao giờ có được cơ hội này. Vì vậy, phải đi liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tổ chức giảng dạy văn hóa trung học phổ thông kết hợp với học nghề, tại các trung tâm không có các thiết bị, dung cụ để cho học sinh thực hành thực tập đẫn đến không đảm bảo chất lượng đào tạo nghề ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh quốc gia về chất lượng nguồn nhân lực.

Quy định rõ thẩm quyền của người đứng đầu cơ sở giáo dục được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh học tại cơ sở của mình (Điều 34). Vấn đề này, từ trước tới nay phải thông qua người đứng đầu của các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Quy định rõ giá trị pháp lý của giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (Điều 34) để người học đủ điều kiện theo học các trình độ giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả trình độ cao đẳng – Mô hình 9+, đây là vấn đề nhiều nước trên thế giới áp dung thành công để phát triển nhân lực quốc gia) và được sử dụng trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật nhằm phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Quy định rõ chính sách đối với nhà giáo về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết để nhà giáo thực hiện nhiệm vụ, vai tro của mình; chích sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Qua đó, nhà giáo sẽ yên tâm công tác, tập trung cho chuyên môn, tâm huyết với nghề để giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là chất lượng nguồn nhân lực.

Quy định rõ chính sách đối với người học về học bổng, trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt; học sinh, sinh viên sư phạm (bao gồm cả các ngành, nghè sư phạm kỹ thuật) được các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí.

Bộ Luật Lao động (sửa đổi) thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật

Cùng với đó, ngày 20/11/2019, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, theo đó giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề đã được quy định rõ trong Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật như sau:

Bộ Luật lao động sửa đổi năm 2019 đã quy định rõ việc “Cấm” sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; đồng thời Bộ Luật cũng quy định cơ quan quản lý nhà nước phải quy định danh mục những nghề chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Điều này, sẽ tạo và thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề phải gắn với thị trường lao động và doanh nghiệp. Hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định danh mục ngành nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo.

Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã được Quốc hội thông qua và đang triển khai thi hành, theo đó Luật tập trung vào các đối tượng là người học (học sinh, sinh viên) và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Còn Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tập trung vào người lao động, người sử dụng lao động và doanh nghiệp. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp gắn với tuyển dụng, lấy sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

  1. Từ quan điểm và quy định trong Bộ Luật này về người lao động và người sử dụng lao động, sẽ tạo cho các nhà hoạch định có cơ sở đề xuất những chính sách gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động. Thông qua các hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp với hàng loạt các hoạt động như ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, ký kết hợp tác, xây dựng các mô hình thí điểm phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp..,cơ chế phối hợp 3 bên, Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp hình thành và vậ hành trong thực tiễn. Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; các cơ sở GDNN đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường; mô hình đào tạo tại doanh nghiệp được hình thành rõ rệt.

Thúy Anh (Tổng hợp)