31/07/2020 11:03:34

Covid-19 lần 2 ảnh hưởng ra sao đến các nước châu Âu?

Châu Âu, ở thời điểm hiện tại, vẫn đang tranh cãi xem sẽ đối mặt thế nào với dịch Covid-19 lần 2 và cách thức đưa ra phản ứng với dịch bệnh.

Ngay khi bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian áp dụng lệnh phong tỏa, dỡ bỏ nhiều hạn chế từ biên giới, nhiều nước châu Âu đã có những kinh nghiệm rút ra từ những hoạt động phòng tránh dịch bệnh ở thời điểm này. Tháng 7 này, Liên minh châu Âu đã cho phép khách du lịch quốc tế từ một số quốc gia nhập cảnh.

  1. Italia

Italia là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt và kinh nghiệm đối phó với Covid-19, tình hình dịch bệnh ở Italia đã được cải thiện đáng kể, ít nhất là cho đến nay.

Đã có hơn 1.200 ca nhiễm Covid-19 mới được phát hiện trong ngày 4/5, ngay khi nới lỏng lệnh phong tỏa. Đây chủ yếu là những trường hợp nhập cảnh và Italia đã phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Tuy vậy, cho đến ngày 1/7, số ca nhiễm mới sau 24 giờ ở Italia đã giảm đáng kể, dao động trong khoảng 150 – 200 trường hợp.

Walter Ricciardi – Cố vấn y tế cao cấp của chính phủ Italia, trả lời phỏng vấn với phóng viên: “Chúng tôi đã rút ra bài học, chúng tôi không mở lại các trường học như Pháp đã làm. Chúng tôi chú trọng theo dõi tiếp xúc và quản lý hiệu quả các ổ dịch mới xuất hiện”.

Tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp ngoài biên giới Italia là nguyên nhân vì sau Thủ tướng Giuseppe Conte hôm 28/7 tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia cho tới tháng 10.

Điều này đồng nghĩa là các lệnh phong tỏa cục bộ sẽ vẫn tiếp diễn và những biện pháp kiểm dịch cần thiết vẫn sẽ được áp dụng ở Italia.

Ông Walter Ricciardi cho biết thêm:“90% dân số Italia giờ đã đeo khẩu trang khi ra đường. Điều này rất hữu ích. Người dân Italia đã rút ra bài học. Chúng tôi đã kiểm soát được dịch bệnh và điều quan trọng nhất hiện nay là phải tiếp tục tập trung, không chủ quan”.

Theo chuyên gia virus học ở Milan, Italia, hiện nay, nước này vẫn hạn chế các du khách tới từ 16 quốc gia được cho là có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở mức cao.

Đến ngày 30/7, Italia có 35.129 trường hợp tử vong trên 246.776 ca nhiễm Covid-19.

  1. Tây Ban Nha

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại khu tự trị Catalonia của Tây Ban Nha. Hơn 8.000 ca nhiễm Covid-19 mới đã được phát hiện ở Catalonia trong 14 ngày gần đây, chiếm gần 1/2 tổng số ca nhiễm cả nước trong cùng thời gian.

Tất cả quán bar, câu lạc bộ đêm đã được yêu cầu phải đóng cửa. Người dân được khuyến cáo nên hạn chế ra đường.

Bộ Y tế Tây Ban Nha thừa nhận rằng nước này đang phải đối phó với làn sóng dịch bệnh mới ngay sau khi lệnh phong tỏa cả nước được dỡ bỏ.

Du lịch của Tây Ban Nha, ngành chiếm 12% GDP, cũng bị hạn chế khi các nước Anh, Đức, Na Uy, Hà Lan, Bỉ tuyên bố sẽ không đưa công dân của họ sang Tây Ban Nha.

Đến ngày 30/7, Tây Ban Nha ghi nhận 329.721 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 28.441 trường hợp tử vong.

  1. Pháp

Bộ trưởng Y tế Pháp, Olivier Veran, kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác sau khi các trường hợp nhiễm Covid-19 có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là ở người trẻ tuổi.

“Chúng tôi đang triển khai xét nghiệm diện rộng nhưng ngày càng có nhiều người trẻ tuổi bị phát hiện dương tính với Covid-19”.

Từ ngày 20/7, Pháp đã bắt buộc toàn dân phải đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng, nếu không sẽ bị phạt 135 euro. Vào 27/7, chính phủ đã đề nghị các công ty y tế xây dựng các kho dự trữ khẩu trang, đề phòng đợt bùng phát mới của dịch bệnh.

Tỷ lệ lây nhiễm ở Pháp cũng đang có xu hướng tăng. Vài tuần trở lại đây, mỗi ngày Pháp ghi nhận thêm khoảng 1.000 ca nhiễm mới.

“Nhiều người dân Pháp có du cầu đi du lịch trong mùa hè và đây là thời điểm quan trọng để kiểm soát dịch bệnh. Có những khu vực tăng khoảng 60.000 – 80.000 khách du lịch trong ngày”, Jerome Marty – Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Pháp – nhận xét.

Đến ngày 30/7, Pháp ghi nhận 185.196 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 30.238 người tử vong.

  1. Đức

Ông Jens Spahn, Bộ trưởng Y tế của Đức, mới đây tuyên bố nước này sẽ áp dụng xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đối với những du khách, người nhập cảnh từ các khu vực có nguy cơ lây nhiễm virus cao.

Ngày 27/7, Chính phủ Đức kêu gọi người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiểm dịch.

Chánh văn phòng Thủ tướng Đức, ông Helge Braun cho biết, sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 trong thời gian gần đây là đáng lo ngại. Những ca nhiễm virus mới thường tập trung ở các công ty chế biến thịt và những cuộc vui chơi, tiệc tùng đông người.

Cảnh sát Berlin đang phải vất vả để giải tán các cuộc tụ tập vui chơi đông người ngay trên đường phố và công viên.