Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 29/7 đa số các cửa hàng vàng tăng giá vàng 9999 thêm khoảng 300-600 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 29/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 56,32 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 56,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,72 triệu đồng/lượng (bán ra).
Chiều 29/7 (theo giờ Việt Nam) trên thị trường thế giới giá vàng được giao dịch quanh ngưỡng 1.951,8 USD/oz, giảm 10,8 USD/oz so với mở phiên giao dịch. Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank (23.270 VND/USD), giá vàng thế giới tương đương 54,72 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá bán vàng SJC 2,98 triệu đồng/lượng.
Trong lúc này, thị trường vàng thế giới như được đang neo ở mức giá 1.900/ounce, vốn được định hình từ các phiên trước đó và hiện tại có thể được coi là một mức sàn ngắn hạn.
Dự báo về diễn biến giá vàng, đa số các chuyên viên phân tích trên Kitco News đều cho rằng xu hướng tăng sẽ vẫn còn. Nguyên nhân chính đằng sau triển vọng lạc quan này là các yếu tố hỗ trợ giá vàng vẫn còn. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục nóng lên, đà suy yếu của USD, lợi suất ngày một giảm, các gói kích thích tài khóa mới và sự gia tăng của số ca nhiễm Covid-19… đều là những yếu tố thúc đẩy đà tăng khủng của giá vàng trong tuần này.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 28/7 đã bắt đầu cuộc họp hai ngày về chính sách tiền tệ, giữa bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy niềm tin tiêu dùng của Mỹ sụt giảm và Quốc hội Mỹ đang thảo luận về giải pháp hỗ trợ tốt nhất để nền kinh tế nước này có thể ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Các nhà phân tích dự đoán FED sẽ tăng cường một số biện pháp từng được sử dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đó là định hướng thị trường tiền tệ.
Các chính sách của FED được dự báo sẽ tác động mạnh đến đồng USD và giá vàng trong trung hạn và ngắn hạn.
PV (th)