08/10/2021 5:21:37

80% bệnh nhân COVID-19 mắc hội chứng hậu COVID

Nhiều bằng chứng cho thấy hàng loạt các triệu chứng vẫn tồn tại dai dẳng sau đợt nhiễm trùng cấp tính do SARS-CoV-2 và được gọi là “hội chứng hậu Covid-19”.

Theo thống kê của WHO, tính đến 17h ngày 7/10/2021, hơn 237 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 và 4,8 triệu trường hợp tử vong đã được ghi nhận trên toàn cầu. Nhiều bằng chứng cho thấy hàng loạt các triệu chứng vẫn tồn tại dai dẳng sau đợt nhiễm trùng cấp tính do SARS-CoV-2.

Hội chứng hậu COVID có thể xảy ra ở bất kỳ người nhiễm COVID-19 nào, từ những người bị bệnh cấp tính rất nhẹ đến những phổ bệnh nặng nhất. Ước đoán có đến 80% bệnh nhân từng nhiễm COVID-19 sẽ bị ít nhất một triệu chứng tồn tại lâu dài sau khi hồi phục COVID-19 cấp tính.

Hội chứng này không chỉ tác động lên hệ hô hấp mà còn có thể ảnh hưởng lên nhiều hệ thống cơ quan bao gồm hệ tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, cơ xương, da lông. Các biểu hiện thường gặp của hội chứng này bao gồm mệt mỏi kéo dài, các bất thường hô hấp, tim mạch và tâm thần kinh, bao gồm cả các bất thường về xét nghiệm, các thăm dò chức năng và hình ảnh học.

Các nghiên cứu trên khắp thế giới báo cáo các tỉ lệ mắc hội chứng hậu COVID rất khác nhau, do sự khác biệt về đặc trưng dân số, hệ thống báo cáo số liệu và khả năng chăm sóc y tế ở mỗi quốc gia.

Các báo cáo cho thấy tỉ lệ bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID dao động từ 20 – 90%, bất kể độ nặng của bệnh COVID-19 cấp. Nhiều bằng chứng cho thấy các triệu chứng mạn tính này vẫn kéo dài đến 6 tháng sau đợt nhiễm cấp và có thể còn lâu hơn nữa, thậm chí là những di chứng vĩnh viễn như xơ phổi, đột quỵ tắc mạch…

Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc tầm soát hội chứng hậu COVID ở những bệnh nhân hồi phục COVID-19 cấp tính cũng như cần có chiến lược điều trị, chăm sóc, nâng đỡ lâu dài cho các bệnh nhân sống sót sau đại dịch.

Hiện nay, các hướng dẫn của Viện Nâng cao chất lượng chăm sóc y tế Anh quốc (NICE) về quản lý các tác động lâu dài của COVID-19 và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã thống nhất định nghĩa bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài là những người mắc COVID-19 có các triệu chứng diễn tiến liên tục, kéo dài hơn 4 tuần kể từ khi khởi phát nhiễm trùng (bao gồm triệu chứng mới xuất hiện sau đợt cấp hoặc tồn tại dai dẳng từ đợt bệnh cấp).

Tất cả các biến thể gây bệnh COVID-19 cấp (gồm Alpha, Beta, Gamma, Zeta, Theta và Kappa, Eta và Delta, Lambda) đều có thể gây ra hội chứng hậu COVID.

Người ta quan sát thấy trong bệnh cảnh cấp tính, một số chủng virus có khả năng lây lan nhiều hơn và gây ra phổ bệnh trầm trọng hơn, ví dụ như chủng Alpha từng hoành hành ở Anh. Do đó, ước đoán những bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID từ những biến chủng độc lực cao này cũng đòi hỏi chiến lược chăm sóc, điều trị tích cực hơn.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ đã được báo cáo là có liên quan đến độ nặng của COVID-19 cấp như: tuổi già, nam giới, béo phì, bệnh nền. Tuy nhiên, hội chứng hậu COVID được Văn phòng thống kê quốc gia của Anh (ONS) báo cáo là gặp nhiều hơn ở nữ so với nam, và thường gặp nhất ở lứa tuổi 35 – 49. Ngoài ra, chưa có bằng chứng về các yếu tố nguy cơ khác.

Giống như COVID-19 cấp tính, các triệu chứng dai dẳng sau COVID-19 cũng biểu hiện ở nhiều hệ thống cơ quan với nhiều mức độ khác nhau. Những triệu chứng thường gặp nhất là: mệt mỏi, đau đầu, khó thở, đau ngực, hồi hộp, mất mùi – vị và các rối loạn tâm thần kinh như: khó ngủ, lo âu, giảm tập trung, trầm cảm và các sang thương da tóc.

Tần suất xuất hiện các triệu chứng rất khác nhau ở nhiều báo cáo. Theo bài đánh giá tổng quan của Sandra Lopez-Leon và cộng sự từ 21 phân tích gộp trên gần 48.000 bệnh nhân (17 – 87 tuổi) ghi nhận có đến 55 triệu chứng tồn tại lâu dài sau khi hồi phục COVID-19 cấp.

Thuý Hiền (Theo SCMP)