Một ngày sau khi được xem thống kê về số trẻ em mồ côi do dịch bệnh, ngày 16/9, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình công bố thành lập trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 em nhỏ mất cha, mẹ vì Covid-19. Đây là một ngôi trường thông minh nằm trong khu đô thị hoàn chỉnh mà bất cứ ai cũng mơ ước được sống.
Ngôi trường kết hợp của công nghệ 4.0 và thiếu sinh quân
Theo kế hoạch, Khu đô thị Công nghệ FPT City Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) sẽ là nơi Tập đoàn dùng để đào tạo các em từ lớp 1 đến 12 và đại học. Trường học được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân. Đây là mô hình giúp các em hoà đồng với các bạn, rèn luyện kỷ luật, dành nhiều thời gian học hành, phát triển, trở thành những người tài quay lại phục vụ quê hương đất nước. Nơi đây không chỉ cung cấp cho các em điều kiện tốt nhất trong học tập mà còn trong sinh hoạt hằng ngày.
Được biết, khu đô thị FPT City Đà Nẵng là khu đô thị thông minh, hiện đại với hạ tầng hoàn chỉnh bao gồm: Trung tâm thương mại, Bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế, Trường mẫu giáo, Trường cấp 1, trường cấp 2, Trường THPT và trường ĐH FPT…và một loạt các loại hình nhà ở được thiết kế và xây dựng đồng bộ, hiện đại.
Đặc biệt ký túc xá cũng được trang hoàng đầy đủ tiện nghi đảm bảo một không gian sống lý tưởng dành cho sinh viên. Bên cạnh hệ thống các tuyến phố xanh của khu đô thị FPT City Đà Nẵng còn kết hợp mạng lưới cơ sở hạ tầng thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hệ thống.
Đến thời điểm hiện tại, Khu Đô Thị Công nghệ FPT Đà Nẵng đã có các trường Tiểu học – Trung học cơ sở (FPT School), Trường Trung học phổ thông (THPT) và Đại học FPT (FPT University).
FPT School đã bắt đầu xây dựng từ Quý II/2020 và dự kiến tuyển sinh vào tháng 09 năm 2021 khi công trình đưa vào hoạt động.
Ông Trương Gia Bình cho biết việc thành lập trường phần nào được lấy ý tưởng từ thời thơ ấu của bản thân.
“Thực ra ở đây cũng có một chút lý do cá nhân. Tôi sinh ra trong thời kỳ chiến tranh. Khi máy bay ném bom miền Bắc, tôi mới 8 tuổi, rời gia đình về nông thôn. Tôi nhớ mãi đó là thời kỳ của đói, rét, của những đêm vì không ngủ được vì xa cha mẹ. Nhưng đó lại là những năm tôi trưởng thành nhanh chóng, xây dựng sự tự lập, là nền móng để trưởng thành trong tương lai. Bên cạnh đó khi bạn bè xung quanh ai cũng có chung hoàn cảnh xa gia đình, bỗng nhiên có sự gắn kết với nhau. Đó là những người bạn tốt nhất của tôi và cho đến nay chúng tôi vẫn gắn bó với nhau. Với các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19, tôi mong muốn tạo ra một môi trường để các em được học tập, rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh chinh phục những đỉnh cao”, ông Bình nói.
“Với vai trò tập đoàn lớn hàng đầu, FPT muốn nhận các em, giúp đỡ các em trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. FPT là công ty mạnh công nghệ, lại có đội ngũ đông đảo 4 vạn người. Đây là việc nên làm và có thể làm”, ông nói thêm.
Hy vọng các em biết chia sẻ, biết vươn lên và sớm trở thành người tài phục vụ đất nước
FPT cam kết nhận 1.000 em mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới với chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng. Kể từ khi lên ý tưởng, FPT đã cấp tập bàn thảo từ cách thức triển khai, hoạt động, chương trình giảng dạy, học tập từ phổ thông lên đại học FPT và học lên cao hơn nếu các em có nguyện vọng. Chương trình học này sẽ giúp các em phát huy mọi khả năng của mình. Nếu các em giỏi công nghệ thì đi theo con đường công nghệ, giỏi nghệ thuật đi theo con đường nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm khoa học.
“Cuộc chiến tranh đã ném những người cùng thế hệ chúng tôi vào khói lửa và tôi luyện. Tôi có khát vọng vượt qua bất cứ kẻ thù nào nếu họ động đến đất nước. Chúng tôi được học về lòng yêu nước, được rèn giũa ý chí, khó khăn nào cũng không bỏ. Hoàn cảnh đó đã giúp tôi có ước mơ lớn, hoài bão lớn. Dĩ nhiên hồi đó tôi là sản phẩm ngẫu nhiên của chiến tranh, may mắn gặp được những người thầy tốt”, ông Trương Gia Bình nói.
Phạm Dương (T/h)