07/01/2023 9:00:06

Y Tý điểm du lịch hấp dẫn… đã và đang tích cực được bảo tồn

Y Tý từ lâu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với đông đảo mọi người ở khắp mọi nơi. Với con số ấn tượng, hơn 4.477.000 lượt khách du lịch đến với Lào Cai trong năm 2022, trong đó “vùng đất mây trời” này được lựa chọn là điểm dừng chân chủ yếu.

“Vùng đất mây trời” Y Tý với sức hấp dẫn riêng

Y Tý là một xã vùng cao biên giới thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nằm ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm và là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Hà Nhì, Dao, Mông và Kinh. Chính vì thế mà Y Tý luôn là điểm đến hấp dẫn du lịch, những bạn trẻ thích khám phá văn hóa, chinh phục những cung đường, con đèo hay thích săn ảnh mây, tuyết độc đáo.

 

Trong chuyến công tác vùng cao, nhóm PV đã dừng chân ở Y Tý và có cuộc trò chuyện khá lâu với ông Hồ A Lử – Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý. Qua chia sẻ của ông Lử, chúng tôi càng thêm mở mang kiến thức cũng như những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nơi đây. Xã Y Tý hiện có 15 thôn với dân tộc sinh sống chiếm đa phần là người Hà Nhì, tiếp đến là người Mông, Dao và số ít là người Kinh. Sin San và Hồng Ngài là hai thôn xa và khó khăn nhất xã, nơi đây chủ yếu là đồng bào người Dao và Mông sinh sống; còn quanh khu vực UBND xã Y Tý thì tập trung chủ yếu là người Hà Nhì (Thôn Lao Chải và thôn Choản Thèn cách UBND xã khoảng 2 đến 3km; Thôn Tả Gì Thàng thì ngay gần chợ trung tâm Y tý), vì thế cho nên khi có mặt ở trung tâm UBND xã Y Tý, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận và giao lưu với người dân tộc Hà Nhì.

Chủ tịch Lử chia sẻ: “Người dân tộc ở đây chủ yếu làm nông nghiệp. Do khí hậu khắc nghiệt (mùa đông rất lạnh) nên họ chỉ có thể gieo mạ, cấy lúa một vụ, thời gian còn lại, họ phát triển trồng thêm cây thuốc, cây sâm đất để nâng cao thu nhập. Gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, một số hộ gia đình cũng manh mún phát triển du lịch, họ xây những nhà nghỉ dạng home stay, những khách sạn nhỏ để phục vụ khách du lịch. Phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương cũng được quan tâm và phát triển. UBND xã đã vận động được vài đội văn nghệ nghiệp dư là những con em trong các bản, làng, thôn, những lúc nông nhàn thì cùng nhau tập múa, tập hát nhằm phục vụ các dịp Lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của dân tộc và du khách thập phương khi đến với Y Tý”.

Cũng theo Chủ tịch Lử, hiện toàn xã có khoảng 5 nghệ nhân người Hà Nhì hát dân ca và múa khèn, họ như những cây đa, cây đề truyền bá bản sắc văn hóa lại cho lớp trẻ; còn lớp trẻ thì không ngừng học hỏi với mong muốn nét đẹp văn hóa vùng cao càng được nhiều người biết đến, để họ càng có nhiều hơn cơ hội được giao lưu, mở mang văn hóa với du khách thập phương.

Y Tý được chọn để tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tốc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Hướng dẫn số 677/HD-BVHTTDL để hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (Dự án 6) với mục tiêu: khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.

Dự án 6 có nhiệm vụ tổ chức bảo tồn về các loại hình văn hóa phi vật thể như: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian bao gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, câu vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn… Nghệ thuật trình diễn dân gian bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác… Các tập quán xã hội bao gồm luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác. Lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian… Cũng từ đó mà Y Tý là một xã được chọn để tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống căn cứ theo Quyết định số 560/QĐ-BVHTTDL ngày 15 tháng 03 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch công tác năm 2022 của Vụ Văn hóa Dân tộc.

Chính vì thế  mỗi địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, hoàn thiện, vận dụng sáng tạo quan điểm bảo tồn và phát triển văn hóa; thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa phục vụ phát triển các loại hình ngành nghề kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện, thực tiễn của từng dân tộc, từng lĩnh vực, từng địa phương. Tập trung đấu tranh phòng, chống và loại bỏ văn hóa độc hại; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhà nước về văn hóa nhằm đề xuất các biện pháp giải quyết các vấn đề mâu thuẫn phát sinh trong quá trình phát triển; đảm bảo sự phát triển hài hòa, đồng bộ giữa văn hóa với kinh tế để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà con Y Tý háo hức triển khai mô hình bảo tồn

Với mục đích bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số, ngày 13/9/2022 Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai đã có văn bản số 967/SVHTT-DSVH về việc phối hợp triển khai mô hình Bảo tồn phát huy văn hóa truyển thống gắn với phát triển du lịch tại tỉnh.

Theo đó ngày 21/9/2022 đoàn công tác của Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trở về bà con Y Tý.

Nội dung công văn nêu rõ UBND xã Y Tý chuẩn bị hội trường, tăng âm, loa đài phục vụ công tác tổ chức, thông báo triệu tập nghệ nhân, học viên và phối hợp đón tiếp đại biểu, phối hợp tổ chức chương trình, báo cáo kết quả xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Hà Nhì; Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp tổ chức theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tuyên truyền, hướng dẫn các xã duy trì và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống trên địa bàn huyện. Thời gian tổ chức lớp diển ra trong 3 ngày từ ngày 19 đến ngày 21/9/2022.

Với mong muốn được bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp bản sắc văn hoá, bà con ở các thôn bản đã rất chủ động bỏ kinh phí lên đến hàng chục triệu đồng để hỗ trợ trang phục, đạo cụ cho gần 20 nghệ nhân, học viên tham gia lớp xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Hà Nhì..

Em Phà Ta Sú, dân tộc Hà Nhì hiện đang sống tại thôn Choản Thèn cho biết: “Từ khi xã có đội văn nghệ, mỗi dịp lễ hội hay gần đây nhất là tại nhà giáo dục thể chất Trường PTDTBT THCS xã Y Tý có biểu diễn ca nhạc, em được thông báo tham gia cũng rất vui. Em mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa khách du lịch biết đến Y Tý và em có nhiều cơ hội để giao lưu, học hỏi văn hóa của những vùng miền khác”

Niềm vui của Sú cũng là tâm trạng chung của bà con dân bản nơi đây bởi họ yêu những giá trị văn hoá của dân tộc mình và khao khát được bảo tồn, phát triển. Cuộc sống dù còn khó khăn, bữa ăn có thể thiếu nhưng với người đồng bào những giá trị văn hoá luôn là điều khao khát được giữ gìn…

Hà Lê