18/12/2023 5:30:38

Xóa bỏ “khoảng cách giới” trong thụ hưởng bảo hiểm xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội của nước ta, là lưới an sinh trụ đỡ con người từ lúc là còn là bào thai trong bụng mẹ cho tới lúc về già và “ra đi”. Dù đã có nhiều bước tiến về bình đẳng giới nhưng tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội mới đây, nhiều ĐB phát hiện vẫn còn “khoảng cách giới” trong thụ hưởng chính sách BHXH giữa nam và nữ.

Tham gia BHXH nhiều hơn nhưng về già, tỷ lệ phụ nữ có lương hưu thấp hơn nam giới

Đây là nghịch lý thể hiện sự thiệt thòi nhìn ở góc độ giới đối với phụ nữ được ĐB Hoàng Thị Thu Hiền – Nghệ An phân tích.

ĐB Hoàng Thị Thu Hiền, đoàn Nghệ An.

Vậy nguyên nhân do đâu? Bà Hiền cho biết, báo cáo về lồng ghép bình đẳng giới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, ở tuổi 65 chỉ có 16% phụ nữ hưởng lương hưu, trong khi nam giới là 27,3%; ở tuổi 80 nữ giới là 6,9%, nam giới là 25,9%, giá trị lương hưu của nam giới cao hơn nữ giới là 19,8%, tiền lương theo tháng của nam giới cao hơn nữ dưới 30% trong năm 2019.

Những năm gần đây, chênh lệch này đang dần tăng lên và khoảng cách này không tự điều chỉnh được, mặc dù giai đoạn mới tham gia thị trường lao động phụ nữ tham gia bảo hiểm xã hội khá tốt, ở tuổi 26 đạt 58%, điều này chứng tỏ phụ nữ sớm quan tâm đến hệ thống bảo hiểm xã hội, nhưng khoảng cách giới trong thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội càng lớn xuất phát từ việc nhiều phụ nữ rút bảo hiểm xã hội trong giai đoạn mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ.

Theo Tổ chức lao động quốc tế có 69% phụ nữ rút bảo hiểm xã hội một lần dưới tuổi 35, do phụ nữ thực hiện thiên chức mang thai, sinh con, đây là sự khác biệt giới. Cùng với đó 2/3 phụ nữ đảm nhiệm việc chăm sóc gia đình, trẻ em, người già, người bệnh, những công việc không được trả công, thực tế này buộc không ít phụ nữ phải lựa chọn rút khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội.

Đề nghị bổ sung chế độ trợ cấp thai sản đối với phụ nữ nghèo, khuyết tật..

Nghiên cứu dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ĐB Hiền cho rằng, các chính sách như trợ cấp hưu trí xã hội, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bổ sung quyền lợi thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu cho thấy, ngoài chính sách bổ sung chế độ thai sản đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện 2 triệu đồng thì tất cả các chính sách khác đều cân bằng thụ hưởng giữa nam và nữ mà chưa có các chính sách khác biệt khỏa lấp khoảng cách giới trong thụ hưởng BHXH giữa nam và nữ.

ĐB Hoàng Thị Thu Hiền đề nghị, bên cạnh chế độ thai sản ngoài hỗ trợ về tiền mặt, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc để bổ sung chế độ chăm sóc sức khỏe, khám thai định kỳ. Hiện nay chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn, bổ sung chế độ thai sản phù hợp cũng là điều kiện cần thiết để thu hút lao động trong độ tuổi tham gia.

ĐBQH kiến nghị cần bổ sung chế độ trợ cấp đối với phụ nữ mang thai và sinh con nhỏ. (ảnh Đức Dũng)

Chế độ thai sản là 1 trong 5 chế độ được thực hiện sớm nhất trong hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội ở nước ta. Chế độ thai sản mang đậm ý nghĩa nhân văn, được thế giới đánh giá. Việt Nam là nước có chế độ thai sản rộng rãi trong khu vực về cả thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng. Tuy nhiên, chỉ khoảng 30% lao động nữ trong hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc được thụ hưởng chế độ này, đồng nghĩa với việc phần lớn những người phụ nữ trong lao động tự do không được tiếp cận loại hình bảo hiểm này.

Thậm chí nhiều phụ nữ không đủ điều kiện để tiếp cận với các loại hình bảo hiểm nào nên gánh nặng càng tăng khi họ sinh con. Đối mặt với các khoản chi tiêu gia tăng từ việc sinh con, lại không có thêm thu nhập do gián đoạn việc làm, nhiều phụ nữ phải đi làm sớm trở lại, ảnh hưởng đến sức khỏe và chăm sóc trẻ.

Theo Công ước 183 của Tổ chức Lao động quốc tế, chế độ thai sản nên được áp dụng cho tất cả phụ nữ, kể cả những người làm việc trong điều kiện không chính thức. Hơn thế, tại khoản 2 Điều 7 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới là “bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ”. ĐB Hiền đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xây dựng chế độ thai sản đa tầng, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản đối với phụ nữ nghèo, khuyết tật, tiến tới bao phủ chế độ trợ cấp thai sản cho mọi đối tượng phụ nữ.

Cần bổ sung chế độ trợ cấp gia đình

Cùng quan điểm giảm gánh nặng, tăng quyền lợi BHXH cho phụ nữ, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đăk Lắk), nêu ý kiến, hiện nay Việt Nam đang trong tiến trình xem xét để phê chuẩn Công ước số 102 năm 1952 về an sinh xã hội.

ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt, đoàn Đăk Lắk đề nghị bổ sung chế độ trợ cấp gia đình.

Để đảm bảo tính tương thích với Công ước số 102, ĐB Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét thiết kế, bổ sung chế độ trợ cấp gia đình đối với những trường hợp bảo vệ về con cái trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này. Bởi lẽ, việc trợ cấp gia đình là chế độ bảo hiểm xã hội duy nhất mà Việt Nam chưa thực hiện được so với Công ước số 102.

Theo ĐB Thu Nguyệt, việc bổ sung chế độ trợ cấp này có thể giúp người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh con và nuôi con nhỏ, sẽ góp phần giữ chân người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội thay vì hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Để rút ngắn khoảng cách giới trong thụ hưởng chính sách BHXH giữa nam và nữ, đồng thời cũng hạn chế tỷ lệ phụ nữ tham gia BHXH rút BHXH một lần, các đại biều cho rằng, cần thiết kế để các chính sách BHXH hấp dẫn hơn. Mở thêm các chính sách giúp lao động nữ giải quyết khi gắp khó khăn trước mắt mà vẫn duy trì được số tiền đã tham gia BHXH như được vay vốn lãi suất thấp tại NH xã hội.

Phương Linh