Tình hình tai nạn giao thông đang có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng, quản lý chặt việc sát hạnh cấp giấy phép lái xe, một trong những giải pháp giảm thiểu tai nạn.
Vững kiến thức mới có ý thức?
Thực tế, khi lưu thông trên đường, không khó để nhận thấy nhiều người điểu khiển phương tiện giao thông thường xuyên vi phạm luật giao thông như chạy sai làn đường, ngược chiều, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ,… Câu hỏi được đặt ra, nguyên nhân của tình trạng vi phạm trên là do ý thức hay do kiến thức hạn chế? Nhiều nơi tuyển sinh học viên học lái xe không đúng quy định, thậm chí không cần học lý thuyết.
Trong vai học viên tìm khoá học lái xe bằng B2 (xe số sàn), PV (phóng viên) đến 1 cơ sở ở đường Nguyễn Oanh (Quận Gò Vấp), bên ngoài cơ sở này treo biển “Phòng ghi danh H.L, chuyên tư vấn, đào tạo lái xe các hạng A1 – A2 – B1, B2 – C” với lời quảng cáo được chào mời ngay khi được hỏi về khoá học: “Học phí được chia làm 4 lần đóng, học nhanh – thi sớm – đậu 100%”.
“Học phí các bằng lái B2 được chia thành 2 nội dung, gồm: Học viên chỉ học lý thuyết rồi đi thi, giá 7 triệu đồng; học viên vừa học lý thuyết và 15 giờ thực hành, giá hơn 13 triệu đồng. Nếu học viên đã biết lái thì chỉ cần đăng ký học lý thuyết là đi thi. Cơ sở sẽ dạy online, gửi bài học mẹo trên YouTube cho học viên”, một nhân viên tư vấn cho biết.
Tuy nhiên khi được hỏi vì bận công việc không thể theo học lý thuyết, nhân viên trên chia sẻ luôn là nếu lấy bằng B1(xe số tự động) thì không cần lên học, còn bằng B2 (xe số sàn) thì lên học vài buổi – sau khi được chỉ hết các mẹo lý thuyết đến khi đi thi sát hạnh là được..?
Giám đốc một trung tâm đào tạo lái xe tại quận 10 cho biết, hiện nhiều người điều khiển phương tiện giao thông nhưng không nắm được các ký hiệu của biển báo giao thông, hoặc chỉ nắm được một số biển báo cơ bản. Điều này dẫn đến việc người chạy xe thường xuyên vi phạm luật giao thông là do kiến thức hạn chế (không tham gia học lý thuyết tại các trung tâm dạy lái xe uy tín) đang là nguyên nhân chính.
“Trong khi đó, lý thuyết là nội dung quan trọng, dù qua nhiều lần thay đổi – “đạo đức người lái xe” vẫn luôn là môn lý thuyết bắt buộc, phải học tại cơ sở đào tạo, cho tất cả các hạng GPLX ôtô. Nắm vững kiến thức, mới có ý thức hay vững lý thuyết mới tự tin thực hành”, người này nói.
Đồng quan điểm trên, cô H. Linh (giáo viên dạy phần pháp luật và mô phỏng lái xe) nói: “Để tham gia giao thông trên bất kỳ phương tiện nào, người điều khiển cần phải biết và am hiểu luật. Bên cạnh đó, văn hoá giao thông cũng được các giáo viên hướng dẫn khi di chuyển trên đường, việc nhường và đi đúng làn đường là quan trọng nhất. Rất nhiều trường hợp tai nạn xảy ra do ý thức và thái độ khi điều khiển phương tiện”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống, giáo viên Thanh Minh (Trung tâm dạy lái xe thuộc trường Trung cấp Saigontouris) cho biết: “Theo quy định, học viên phải được đào tạo lý thuyết trước khi học thực hành. Tuy nhiên thông thường, trung tâm yêu cầu học viên phải hoàn thành tối thiểu trên 70% thời lượng khoá học mới cho thi kết thúc môn”.
Trong 600 câu hỏi phần lý thuyết sẽ có 120 câu là phần mô hình giao thông, số còn lại sẽ là các luật và biển báo giao thông. Để chia sẻ và hướng dẫn hết phần luật trên buộc học viên phải tham gia ít nhất là 13/17 ngày học để trang bị đủ thông tin… Ở những cơ sở đào tạo lái xe chỉ học có 2,3 ngày (thậm chí không học lý thuyết) theo tư vấn của nhân viên nhận hồ sơ đăng ký học, thời gian trên là không đủ để hiểu và nắm các luật khi tham gia giao thông.
Đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong đào tạo lái xe
Hiện nay, lực lượng chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện và kịp thời xử lý những trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe giả để sàng lọc triệt để những người không đủ điều kiện tham gia lưu thông trên đường. Kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn là những điều kiện quan trọng giúp lập lại trật tự an toàn giao thông.
Theo quy định, một cơ sở đào tạo lái xe phải đạt các điều kiện theo quy định. Trường hợp không có đủ sân tập lái hoặc sân tập lái không đủ điều kiện sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo khoản 4 Điều 37 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Ngoài ra, nhiều hành vi khác trong đào tạo lái xe, sát hạch lái xe có cùng mức phạt như: Cơ sở đào tạo lái xe tổ chức tuyển sinh, đào tạo vượt quá lưu lượng quy định hoặc tổ chức đào tạo lái xe ngoài địa điểm được ghi trong Giấy phép đào tạo lái xe; Không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ hồ sơ theo quy định của 2 khóa đào tạo trở lên; Bố trí số lượng học viên tập lái trên xe tập lái vượt quá quy định; Không có đủ hệ thống phòng học hoặc phòng học không đủ trang thiết bị, mô hình học cụ; Cơ sở đào tạo lái xe không có đủ số lượng xe tập lái các hạng để đáp ứng với lưu lượng đào tạo thực tế tại các thời điểm hoặc sử dụng xe tập lái không đúng hạng để dạy thực hành lái xe; Không niêm yết mức thu phí sát hạch, giá các dịch vụ khác theo quy định; Không có đủ thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, thời gian, quãng đường học thực hành lái xe của học viên hoặc có các thiết bị đó nhưng không hoạt động theo quy định;… đều bị xử phạt. Ngoài việc bị phạt tiền, cơ sở đào tạo lái xe có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 3 tháng.
Quang Trung