Tham gia vào quá trình vận chuyển theo một phương thức mới, nghề tài xế thời 4.0 này cũng đòi hỏi thêm những kỹ năng mới để thích ứng với công việc thực tế.
Đối tác hay công cụ
Anh Phạm Bách, một tài xế công nghệ chia sẻ: Đây là một nghề khá tự do vì có thể làm việc bất cứ thời gian nào trong ngày, tuy nhiên, nghề cũng khá nguy hiểm và nhiều rủi ro…
Hầu hết các tài xế dịch vụ đều không thể tránh gặp công an, bị phạt chạy sai đường, lấn tuyến, đỗ xe không đúng nơi quy định, vượt đèn đỏ… tiền kiếm được hôm đó coi như đi tong.
Bên cạnh đó, nhiều tình huống không mong muốn phát sinh từ quá trình vận chuyển như va chạm xe, tai nạn giao thông và cả từ khách hàng cũng là những nguy cơ mà tài xế thường gặp phải.
Một vấn đề mà tài xế công nghệ hay bức xúc nhất là cảm giác bị thiếu tôn trọng, dù không phải là tất cả các khách hàng sử dụng dịch vụ. Nêu một trường hợp cụ thể, mới đây anh Bách nhận được một yêu cầu vận chuyển khách từ một quán bia hơi.
Khi tới nơi, anh thấy 5 – 6 thanh niên trong trạng thái say mèm, đang chuyện trò chào hỏi nhau rôm rả, một người trong số đó mở mạnh cửa xe nói như quát: “Về Thanh Xuân… (Hà Nội -TG)”, nói xong anh ta lại quay ra chuyện tiếp với đám bạn đang chào hỏi nhau như thể trên đời này chỉ còn có họ.
Đợi khách trong tình trạng cửa mở tới gần 10 phút, sau mấy lần giục giã thì 3 vị khách mới chịu vào xe. Khi xe di chuyển thì cũng là lúc các thượng đế tuôn ra hàng loạt những từ ngữ tục tĩu, khó nghe. Đau đầu thêm khi các “thượng đế” phả ra mùi rượu, bia nồng nặc… Kết thúc hành trình, các “thượng đế” vứt lại 70 nghìn đồng ra ghế, xuống xe mà chẳng buồn nói lời tạm biệt và đóng cửa lại cho tài xế.
Nói lại về cuốc xe không mong muốn này, anh Bách cho biết cảm giác bị coi như một công cụ hơn là đối tác trong một dịch vụ vận chuyển. Nếu không có sự kìm nén thì có lẽ chuyện cãi vã, xô xát đã xảy ra trong trường hợp này. Từ đây, anh Bách cho rằng, tài xế công nghệ rất cần có thêm những kỹ năng cần thiết cho việc xử lý những tình huống tương tự, cũng như các tình huống trong toàn bộ quá trình vận chuyển.
Thiếu hụt về đào tạo và khung pháp lý bảo hộ
Theo số liệu của Bộ GTVT, hiện nay cả nước có khoảng trên 300.000 tài xế công nghệ đang hoạt động trong lĩnh vực gọi xe, 380 cơ sở sát hạch, đào tạo lái xe nhưng chưa có nơi nào cung cấp kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên nghiệp cho tài xế công nghệ.
Một thăm dò mới đây cho thấy, 72% người tiêu dùng mong muốn tài xế công nghệ được huấn luyện chuyên nghiệp hơn, để có thể đem lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Có trên 23% tài xế công nghệ cũng muốn được huấn luyện nhiều hơn các kỹ năng để làm tốt hơn công việc của mình.
Mặc dù, công việc có thể mang lại sự ổn định cho người lao động khi có đến trên 56% tài xế công nghệ lạc quan về nghề nghiệp vì có thu nhập tốt, thì nghề tài xế công nghệ chưa nhận được nhiều sự cảm thông và tôn trọng của một bộ phận cộng đồng, gây ra những hệ quả không mong muốn trong chuyến xe dịch vụ.
Kết quả khảo sát “kỳ vọng của tài xế công nghệ” cho thấy, 47% tài xế công nghệ cảm thấy không được tôn trọng trong quá trình tiếp xúc khách hàng, biểu hiện qua các hành vi: Để tài xế đợi quá lâu, hủy chuyến mà không phản hồi và dùng từ ngữ thiếu tôn trọng trong giao tiếp. Gần 70% tài xế công nghệ muốn được đối xử tôn trọng hơn; khách hàng có thái độ và hành động đúng mực khi sử dụng dịch vụ; không phân biệt tài xế công nghệ và phản hồi đúng về chất lượng dịch vụ. Cũng có 33% tài xế công nghệ muốn được công nhận là một nghề chính thức.
Kết quả trên cho thấy, sự thiếu hụt về đào tạo, khung pháp lý bảo hộ nghề nghiệp cũng như văn hóa ứng xử của cộng đồng, khiến cho nhiều tài xế công nghệ chưa thực sự có thái độ chuyên nghiệp với nghề.
Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề
Hợp tác đào tạo với doanh nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng vận tải, ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Cùng với sự phát triển của xã hội, trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng có rất nhiều đổi mới, đặt ra các yêu cầu đổi mới trong đào tạo lái xe, đối với lái xe công nghệ, qua trao đổi với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cho thấy, nhu cầu về đào tạo những kiến thức, kỹ năng mềm, văn hóa ứng xử, giao tiếp, phong cách làm việc chuyên nghiệp cho tài xế công nghệ.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ vận chuyển đã tạo ra sự khác biệt giữa tài xế công nghệ và lái xe thông thường. Trong đó đề cao trách nhiệm xã hội của các đối tượng liên quan bao gồm cả doanh nghiệp và người lao động. Việc đào tạo phải đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua hình ảnh của tài xế công nghệ phải có sự vượt trội, khác biệt…
Từ nhu cầu thực tế này, trong thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ hợp tác với doanh nghiệp ứng dụng vận tải để xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá kỹ năng của lái xe công nghệ, giới thiệu chuyên gia tham gia huấn luyện và đào tạo kỹ năng cơ bản về nghề tài xế công nghệ, phối hợp tổ chức các hội thảo liên quan và lấy ý kiến cách thức tổ chức để tạo tiền đề cho lộ trình tiêu chuẩn hóa nghề lái xe công nghệ.
Ông Đỗ Mạnh Tuân – Phó Tổng Giám đốc Be Group cho biết, doanh nghiệp luôn mong muốn đem lại tiện ích tối đa cho khách hàng, trong đó chất lượng tài xế là một yếu tố then chốt.
Việc hợp tác với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhằm thực hiện các khóa đào tạo giúp cho tài xế có được những kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp, có những kỹ năng phù hợp, tự bảo vệ tốt hơn trong các tình huống nguy hiểm.
Từ đó phục vụ khách hàng tốt hơn, đồng thời mang lại công việc và thu nhập ổn định cho tài xế công nghệ. Khóa học đầu tiên của Be đang dành cho 300 tài xế công nghệ, các học viên sẽ được nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp về: An toàn giao thông, xử lý tình huống khách hàng, tự vệ bảo đảm an toàn trong các chuyến đi.