Dịch Covid-19 đang gây những xáo trộn lớn trong giao dịch bất động sản bán lẻ, ngay cả khi bên cho thuê chịu hạ giá thì vẫn khó đạt thỏa thuận.
Chần chừ
Định “liều ăn nhiều”, bà Nguyễn Thu Hòa, chủ một doanh nghiệp kinh doanh quà tặng lưu niệm tại phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mấy ngày nay sốt sắng tìm địa điểm cho thuê mặt bằng kinh doanh sau nghe thông tin giá cho thuê giảm do dịch Covid-19.
Đã chọn được hai căn nhà mặt phố ở Lạc Trung và Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) với giá thuê nhà 30 – 40 triệu đồng/tháng, tổng diện tích sàn 110 m2 và 160 m2, giảm 20% so với trước thời điểm dịch bệnh, nhưng bà Hòa chần chừ khi ký hợp đồng, do nhu cầu thực tế chỉ cần mặt bằng tầng 1 khoảng 35 – 40 m2.
Nếu thuê cả nhà, bà Hòa sẽ phải cho thuê lại từ tầng 2 đến tầng 4 để gánh một phần chi phí thuê. Nhưng chưa biết dịch Covid-19 dài hay ngắn, nếu dịch vẫn kéo dài và tâm lý mọi người ngại đi thuê thì rủi ro rất lớn khi quyết định thuê cả căn nhà dài hạn theo yêu cầu của chủ nhà.
Thời dịch bệnh, nhiều khách thuê muốn “né” rủi ro nên chỉ tìm thuê mặt bằng tầng 1 để kinh doanh ngắn hạn, trong khi chủ nhà lại muốn “vợt” tiền hết mức và tránh để trống diện tích nên đều ép thuê nguyên căn và thậm chí hợp đồng thuê có thể lên đến 10 năm. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều khách thuê không muốn ký hợp đồng.
Chỉ cách vài tháng, bức tranh thị trường bất động sản bán lẻ trong quý IV/2019 sôi động với tỷ lệ hấp thụ tốt bao nhiêu, thì thị trường quý I/2020 lại u ám và ảm đạm bấy nhiêu.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tư vấn, Savills TP.HCM cho biết, dịch bệnh diễn biến khó lường khiến nhiều khách thuê mặt bằng cho dịch vụ ăn uống phải dừng kinh doanh và trả nhà khi hết hợp đồng. Một số người vẫn cố giữ chỗ kinh doanh, nhưng hoạt động cầm chừng, lay lắt.
Chủ đầu tư cần chia sẻ khó khăn với người thuê
Trao đổi với phóng viên, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, chủ đầu tư dự án bán lẻ cần hỗ trợ người thuê bằng việc miễn giảm giá để bớt khó khăn cho họ, cùng giúp nhau vượt qua đợt khó khăn này.
“Một số khách hàng của chúng tôi phản ánh rằng hiệu suất thương mại giảm xuống từ 20-50% tùy theo ngành và địa điểm. Các nhà phát triển bất động sản nên thúc đẩy để tìm nguồn tài trợ bổ sung, xem xét liên doanh hoặc thanh lý bớt tài sản”, ông Stephen Wyatt nói.
Tại khu vực châu Á, nhiều chủ cho thuê đã hỗ trợ khách thuê với các chính sách miễn giảm giá thuê, hoãn thu tiền thuê… Ở Việt Nam, theo đại diện JLL, mặc dù lượng khách mua sắm bị giảm rõ rệt, song nhiều chủ sở hữu trung tâm thương mại vẫn chưa có kế hoạch giảm giá thuê. Tình hình bất ổn, xoay chuyển liên tục dẫn đến các chủ nhà và bên đi thuê đều trì hoãn các quyết định lâu dài.
Tương tự, theo phản ánh của Savills Việt Nam, chỉ một số dự án bán lẻ hiện đại không tăng giá thuê, đồng thời có động thái hỗ trợ khách thuê duy trì hoạt động kinh doanh, cũng như đảm bảo tỷ lệ lấp đầy của dự án. Chẳng hạn, Vincom Retail công bố hỗ trợ giá thuê cho các khách thuê hiện tại với tỷ lệ hỗ trợ sẽ được xem xét, đánh giá theo mức độ bị ảnh hưởng từ các vùng và ngành kinh doanh của doanh nghiệp. Còn khá nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản bán lẻ lớn khác vẫn chưa có “động tĩnh” gì.
Theo Savills Việt Nam, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch của thị trường bán lẻ từ mua sắm offline sang online. Các chủ đầu tư và bên cho thuê ắt phải dịch chuyển theo xu hướng này.
Giá thuê mặt bằng bán lẻ sẽ có thay đổi dựa vào các điều kiện thị trường và các chủ đầu tư mặt bằng cho thuê/chủ nhà cần xem xét các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn và chia sẻ rủi ro với khách thuê. |
Lê Quân