Công ty cổ phần công nghệ Onaclover – WeWow mới đây đã gửi thư xin lỗi khách hàng, thông báo dừng hoạt động từ ngày 11/5 do cạn kiệt vốn.
Trong thông báo được phát đi, WeWow – startup trong lĩnh vực fitness – cho biết sau những khủng hoảng gặp phải từ đầu năm, mặc dù đã rất nỗ lực để cải tổ, đơn vị này lại gặp phải những khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
“Vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn. Do đó, chúng tôi không thể duy trì hoạt động kinh doanh và sản phẩm của mình, WeWow buộc phải dừng hoạt động tất cả sản phẩm (WeFit/WeFit Point/WeFit Pago/WeJoy) từ 8h ngày 11/5”, WeWow thông tin và cho biết đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần công nghệ Onaclover tại Toà án Nhân dân TP Hà Nội theo các quy định của pháp luật.
Đối với các gói sản phẩm mà khách hàng đã đăng ký trước đó, phía WeWow khẳng định đang làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ 3 để có được phương án giúp khách hàng tiếp tục sử dụng dịch vụ.
WeWow là ứng dụng di động được xây dựng và phát triển bởi Công ty cổ phần công nghệ Onaclover. Theo đó, WeWow (WeFit và WeJoy) cho phép người dùng có thể đặt lịch đi tập, đi làm đẹp và chăm sóc sức khỏe ở trên 800 phòng tập và 500 spa tại Hà Nội và TP.HCM.
Bên cạnh đó, khách hàng có thể trải nghiệm các bộ môn từ gym, yoga, võ thuật đến khiêu vũ, aerobics và sử dụng các dịch vụ từ chăm sóc da mặt, thân thể đến chăm sóc tóc, chăm sóc nails.
Hồi cuối năm 2019, WeFit từng bị nhiều phòng tập, spa tố nợ tiền và tuyên bố ngừng hợp tác. Đến tháng 3 năm nay, WeFit khiến nhiều khách hàng bức xúc sau khi thông báo thay đổi chính sách sử dụng, sau đó đã phải gửi thư xin lỗi khách hàng.
WeFit được Nguyễn Khôi thành lập vào tháng 9/2016, với mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu trong ngành fitness Việt Nam. Tuy nhiên, vào ngày 2/2, sau những lùm xùm về hoạt động kinh doanh và vấn đề tài chính, Phó tổng giám đốc Nguyễn Hải Đăng đã thay Nguyễn Khôi giữ chức Tổng giám đốc. Startup về Fitness và Beauty này vướng các scandal nợ tiền đối tác phòng tập, spa và hàng loạt khách hàng tố lừa đảo, đòi hoàn tiền từ cuối tháng 12/2019.
WeFit từng nhận được khoản đầu tư 155.000 USD trong vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư mạo hiểm ESP Capital. Đầu năm 2019, WeFit công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ CyberAgent Capital. Tháng 7/2019, vốn đăng ký của Onaclover tăng từ 1,66 tỷ đồng tăng lên 27,7 tỷ đồng. Trong đó, hơn 26 tỷ đồng là vốn đầu tư nước ngoài từ WeLife Holding PTE.LTD của Singapore, chiếm 94% cổ phần.
Chị Phạm Thị Vân Anh – một khách hàng đã bỏ tiền đăng ký gói của Wefit và đang còn gần 15 buổi sử dụng dịch vụ giá trị gần 1 triệu rưỡi, cho biết rất bất ngờ khi nhận được thông báo công ty phá sản. Hàng loạt khách hàng khác cũng đang thắc mắc liệu công ty sẽ hoàn tiền hoặc các dịch vụ này liệu có thể tiếp tục sử dụng hay không.
Anh Nguyễn Đức Duy, chủ phòng Gym Linh Đàm cho hay, công nợ giữa Onaclover và phòng tập này tới ngày 10/5 là hơn 16 triệu đồng. Anh đang lo lắng làm thế nào để lấy lại khoản tiền này.
Trong khi đó, thông báo qua email tới đối tác, Onaclover nêu rõ: “Kể từ 8h00 ngày 11/05/2020, WeWow chính thức dừng hoạt động, các đối tác liên hệ trực tiếp với Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội để được giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình”.
Tuy nhiên, đến nay WeFit chưa có phương án cụ thể về hướng giải quyết. WeFit cho biết sẽ sớm có thông báo chính thức cho khách hàng và đang làm việc để có giải pháp tốt nhất cho những người chưa sử dụng hết quyền lợi các gói dịch vụ của WeFit.
Phóng viên (t/h)