03/07/2022 8:12:46

Việt Nam đang trong giai đoạn lý tưởng để đầu tư M&A

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau. Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, cùng với Việt Nam chia sẻ lợi ích chung cũng như cùng thúc đẩy hợp tác và hòa bình trên thế giới và mong muốn hai nước xác định tầm nhìn quan hệ trong 50 năm tới. Trong đó, lĩnh vực hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm tại thị trường Việt Nam. NN&CS đã có cuộc phỏng vấn ông Masataka “Sam” Yoshida – Giám đốc toàn cầu M&A, RECOF Corporation, Nhật Bản về vấn đề này.

Ông Masataka Sam Yoshida – Giám đốc toàn cầu M&A, RECOF Corporation, Nhật Bản

Ông từng nói rằng sau khi đại dịch kết thúc, sẽ có một làn sóng ồ ạt và bùng nổ các nhà đầu tư Nhật Bản chực chờ để đổ vào Việt Nam. Làn sóng đó đã xuất hiện chưa?

Từ ngày 1/6/2022, sau khi lệnh hạn chế đi lại đã được nới lỏng, chúng tôi đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và yêu cầu từ khách hàng và nhiều công ty đã sẵn sàng đến Việt Nam, kể cả đi du lịch cũng rất nhiều. Trong một tháng rưỡi qua, tôi đã có các chuyến công tác và du lịch Việt Nam đến hơn 4 lần. Điều này có nghĩa là khách hàng và các nhà đầu tư rất quan tâm đến việc khởi động lại các hoạt động mua bán và sáp nhập tại Việt Nam.

Ông đánh giá Việt Nam là thị trường như thế nào trong nhóm các nước có doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trên thế giới? 

Thật ra thị trường trọng điểm hàng đầu và số 1 của các doanh nghiệp Nhật vẫn là Hoa Kỳ, một đất nước rộng về địa lý và kinh tế và cả trong lịch sử giao dịch kinh tế với Nhật Bản. Nhưng với thị trường Việt Nam, chúng tôi khá ngạc nhiên và đánh giá rất cao với vị trí số 7 của Việt Nam, trong khi Singapore là vị trí thứ 2, nhưng Việt Nam đang phát triển và rất ổn định.

Việt Nam đang thu hút rất nhiều các nhà đầu tư Nhật Bản, do thu nhập trung bình của người dân ngày càng cao, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều nhóm người có thu nhập cao.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng hàng năm 7%, từ 5 năm trước COVID-19. Bên cạnh sự phát triển về tình hữu nghị của chính phủ 2 nước, sự siêng năng của người Việt cũng là yếu tố thu hút rất nhiều các nhà đầu tư Nhật Bản.

Ông có thể chia sẻ đôi nét về thương vụ M&A lớn nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam gần đây cũng như ý nghĩa của nó?

Thỏa thuận lớn nhất gần đây giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được thực hiện vào năm ngoái. Chủ đầu tư là công ty tài chính tiêu dùng SMBC, bên bán là ngân hàng VP Bank và họ đã bán công ty tín dụng tiêu dùng với giá trị giao dịch lên tới 1,4 tỷ đô la. Điều này cho thấy sự quan tâm của tổ chức tài chính Nhật Bản đối với thị trường tiêu dùng ngày càng tăng, đặc biệt là thị trường tiêu dùng tại Việt Nam.

Ông có thể nói rõ hơn về tầm nhìn của doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam khi tiến hành giao dịch này?

Trước hết, lĩnh vực tài chính và ngân hàng của Nhật Bản có rất ít dư địa để phát triển trong tương lai. Vì vậy, họ đang phải đối mặt với những hạn chế đối với sự tăng trưởng của chính họ do lãi suất siêu thấp, cũng như họ đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh doanh. Mô hình kinh doanh chính của họ là dựa vào mạng lưới chi nhánh lớn, giao dịch với khách hàng là cá nhân, và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khiến họ thay đổi về nhu cầu với các chi nhánh này và cũng do thị trường cạnh tranh, họ không thể cho vay tiền với lãi suất cao.

Do đó, doanh nghiệp lĩnh vực tài chính đang tìm kiếm các thị trường khác ngoài Nhật Bản để tập trung đầu tư vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Đó cũng là lý do chính để SMBC đầu tư vào một công ty tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam để nhắm vào sự tăng trưởng cao của nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và cao tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về thị trường M&A của Việt Nam nói chung và với doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng?

Việt Nam đang trong giai đoạn lý tưởng cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Khi đầu tư vào M&A, không nên quá thận trọng nhưng cũng không nên quá vội vàng. Ví dụ, nếu doanh nghiệp Nhật Bản nào thực hiện M&A tại Thái Lan hiện tại là quá muộn khi đã có hơn 6.500 công ty Nhật Bản ở đó.

Điều đó khiến doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh với chính các công ty Nhật đang quá đông tại Thái Lan, chưa tính tới việc cạnh tranh với các công ty địa phương. Còn với thị trường khác như Myanmar, nếu đầu tư vào thời điểm này lại quá vội vã vì cơ sở hạ tầng cho M&A tại đây còn hạn chế.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng Việt Nam đã được hoàn thiện từ năm 2010 với rất nhiều các công ty kế toán lớn nhỏ và các dịch vụ hỗ trợ pháp lý đa dạng. Cơ sở hạ tầng cho M&A đã được thiết lập rất tốt ở Việt Nam. Còn khoảng 2.000 công ty ở Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng.

Hơn nữa, dường như người Nhật đánh giá cao mối quan hệ lịch sử tốt đẹp giữa hai Chính phủ Nhật và Việt Nam, cũng như mối quan hệ giữa người dân hai nước, giữa doanh nghiệp Nhật và người lao động Việt Nam. Điều đó giúp ích rất nhiều và cũng chính là điểm thu hút của Việt Nam

Xin cám ơn ông!

Năm 2021, số thương vụ giao dịch M&A của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đứng hàng thứ 2 sau Singapore với 22 giao dịch so với 46 giao dịch của Singapore.

Năm 2022, trong 3 tháng đầu năm, Singapore có 12 thương vụ M&A và Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 với 6 thương vụ đã diễn ra.

Uyển Nhi (thực hiện)