TS Nguyễn Ánh Dương, Trưởng phòng Địa chấn (Viện Vật lý địa cầu), cho biết với mức 5,3 độ, cường độ chấn động của mặt đất tác động tới nhà cửa và con người có thể lên tới cấp 7 và cấp 8 tại vùng tâm chấn.
Tuy nhiên, cường độ này có thể mạnh hơn nữa ở những khu vực có nền đất yếu. Khi đó, tác động của trận động đất và mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn bởi ở những nơi nền đất yếu, tín hiệu động đất sẽ bị khuếch đại khiến nhà cửa rung mạnh hơn.
Lý giải về nguyên nhân của trận động đất ở Sơn La, ông Dương cho biết khu vực Mộc Châu nằm trên đới đứt gãy sông Đà và nhiều đới đứt gãy khác nên có hoạt động địa chất khá mạnh. Do động đất lên đến 5,3 độ nên khu vực phải hứng chịu thêm nhiều dư chấn khác vào chiều cùng ngày.
Chuyên gia cũng cho biết trận động đất này có mức độ ảnh hưởng trong phạm vi bán kính trên 120 km từ tâm chấn. Do đó, người dân Hà Nội và một số nơi khác cũng có thể cảm nhận được rung lắc.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào vị trí đang đứng, người dân có thể cảm nhận được mức độ dư chấn khác nhau theo nguyên tắc càng lên cao càng cảm nhận rõ. Với dư chấn khoảng 3 độ, những người đang đi đường hoặc ở tầng 1 sẽ khó cảm nhận được rung lắc.
Điều này được lý giải theo nguyên lý dư chấn là một chu kỳ dài truyền từ xa đến gần. Vì vậy, càng lên cao thì mức độ rung chấn càng rõ, những người đang ở trên tòa nhà cao tầng sẽ cảm nhận được tín hiệu rung lắc sớm và mạnh hơn.
Trả lời về ý kiến cho rằng ảnh hưởng của mưa lũ, việc tích nước ở các hồ chứa thủy điện có thể là yếu tố dẫn đến các trận động đất, PGS.TS Cao Đình Triều – nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, thực chất, ở các hồ chứa thuỷ điện lớn, khi lượng nước tích trữ quá cao có thể gây ra động đất kích thích cho các khu vực lận cận.
Như ở Trung Quốc thời gian qua, nước lũ ở sông Trường Giang dâng cao, mực nước tích ở đập Tam Hiệp quá cao so với bình thường tạo ra áp lực và gây nên động đất kích thích.
Tuy nhiên, đối với khu vực Tây Bắc của Việt Nam hiện nay, ông Triều cho rằng các trận động đất vừa rồi không có khả năng liên quan đến mưa lũ và các hồ chứa, đập thuỷ điện mà chỉ là các trận động đất tự nhiên.
“Khu vực Lai Châu, Sơn La nằm trên đứt gãy sông Đà, khu vực được các chuyên gia khoanh vùng và dự báo là có nguy cơ xảy ra động đất cao, không liên quan đến các hồ chứa.
Thực tế lượng nước tích ở các thuỷ điện vùng Tây Bắc hiện nay cũng không lớn đến mức có thể gây ra động đất kích thích. Các trận động đất vừa qua hoàn toàn chỉ là động đất tự nhiên”, ông Triều nhận định.
“Khu vực Tây Bắc trước đây cũng từng xuất hiện động đất kích thích do hồ chứa dâng cao, chẳng hạn năm 2014 đã có trận động đất có độ lớn 4.3 ở khu vực Sơn La, Hoà Bình năm 1989 có động đất với độ lớn 4.9… Tuy nhiên, động đất kích thích ở các hồ ở khu vực Tây Bắc không kéo dài, chỉ hoạt động một thời gian rồi tắt dần“, ông Triều biết thêm.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các tâm chấn động đất mạnh trên thế giới, Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao. Những trận động đất mạnh nhất với độ lớn đạt 6,7-6,8 độ đã được ghi nhận trong lịch sử.
Trên cơ sở các kết quả phân tích không gian và thời gian về hoạt động động đất khu vực miền Bắc, ông Xuân Anh khẳng định Tây Bắc là nơi có khả năng động đất cao. Số liệu về những trận động đất được ghi nhận trong quá khứ cũng cho thấy hoạt động động đất mạnh ở khu vực này.
PV (th)