20/09/2021 9:14:54

Vì sao người tiêm 1 mũi vaccine COVID-19 vẫn được cấp “thẻ xanh”?

Sở Y tế TPHCM đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố về việc áp dụng “thẻ xanh COVID-19”. TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đề xuất này có căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn.

Sở Y tế báo cáo quan điểm của ngành y tế về kế hoạch triển khai thí điểm “thẻ xanh COVID-19” trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố đã có tác động tích cực và khích lệ người dân đồng thuận tiêm chủng vaccine. Do đó, kế hoạch này cần tiếp tục hoàn thiện để triển khai thí điểm trong thời gian tới.

Về chuyên môn y tế, “thẻ xanh COVID-19” được xem là một hình thức công nhận cho một người đã có miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2 nhờ đã tiêm vaccine, hoặc mắc COVID-19 đã khỏi và đã hoàn thành thời gian cách ly.

Người có “thẻ xanh COVID-19” sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh hoặc nếu có sẽ giảm nguy cơ chuyển nặng. Tuy nhiên, người có “thẻ xanh COVID-19” không đồng nghĩa với xác nhận cá nhân sẽ không lây nhiễm virus cho người khác.

Về điều kiện để có “thẻ xanh COVID-19”, chỉ cần tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (đối với vaccine phải tiêm 2 mũi) và ở thời điểm ít nhất 2 tuần sau tiêm hoặc người đã mắc COVID-19 và có giấy công nhận đã hoàn thành thời gian cách ly do Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn cấp.

Tuy nhiên, người có “thẻ xanh COVID-19” vẫn phải tuân thủ 5K và làm xét nghiệm định kỳ theo quy định của Bộ Y tế (tần suất xét nghiệm phụ thuộc vào mức độ nguy cơ của các lĩnh vực, ngành nghề).

Theo TS Vĩnh Châu, đề xuất của Sở Y tế TP.HCM đã được xem xét dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại thành phố. Cụ thể, sau từ 2 đến 4 tuần tiêm mũi một vaccine Covid-19, mức độ kháng thể và khả năng bảo vệ của vaccine đã phát huy được hiệu lực.

PGS.TS Lê Văn Tấn, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford, cho biết kết quả của nghiên cứu này đang chờ duyệt đăng trên tạp chí quốc tế.

“Đề xuất này được Sở Y tế TP.HCM dựa vào cả cơ sở khoa học và thực tế hoàn cảnh, cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích”, ông Châu chia sẻ. Ngoài ra, theo đề xuất này, điều kiện thứ hai để có “thẻ xanh Covid” là người mắc Covid-19 hoàn thành cách ly.

Tại TP.HCM, tính đến ngày 19/9, toàn thành phố có 6.728.803 người đã tiêm một mũi vaccine phòng Covid-19 (chiếm khoảng 93.3%). Số lượng người được tiêm mũi 2 là 2.006.981, chiếm khoảng 27.8%.

Theo đánh giá của bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), tỷ lệ bao phủ vaccine tại TP.HCM hiện tại có thể cơ bản an toàn và an tâm khi mở cửa trở lại.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cộng đồng có thể đảm bảo được an toàn với Covid-19 khi đạt một trong 4 các điều kiện gồm:

– Hơn 70% người dân được tiêm một mũi vaccine phòng Covid-19 đủ 14 ngày.

– Người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

– Hơn 80% người có nguy cơ cao được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

– Đa số người dân đã bị nhiễm bệnh hoặc đã khỏi bệnh.

“Với tỷ lệ phủ vaccine như hiện nay, TP.HCM xem như đi trước và về trước, có thể cơ bản an tâm khi thành phố bắt đầu mở cửa trở lại”, bác sĩ Khanh nói.

Bảo Minh