16/07/2023 12:22:34

“Vấn nạn” tin nhắn rác, cuộc gọi rác tấn công người dùng bao giờ mới chấm dứt ?

Với các biện pháp mạnh từ Bộ Thông tin và Truyền thông (BộTT&TT) và các nhà mạng, thời gian gần đây tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác đã có xu hướng giảm về số lượng nhưng đây vẫn là “vấn nạn” đang hành hạ người dùng và chưa biết bao giờ mới kết thúc. Việc xử lý SIM rác là công đoạn cuối của cuộc chiến truy quét SIM rác mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang ráo riết thực hiện.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua hoạt động mua bán sim rác vẫn diễn ra phổ biến. Điều này dẫn đến tình trạng bùng phát cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, xúc phạm, gây mất trật tự an toàn xã hội, khiến nhiều người dân bị thiệt hại tài sản.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết sau khi chuẩn hóa thuê bao, cơ quan chức năng bắt đầu kiểm tra cá nhân, tổ chức sở hữu nhiều sim. Đến 7/7, các doanh nghiệp viễn thông đã xử lý xong tệp thuê bao là khách hàng doanh nghiệp sở hữu trên 10 sim. Dự kiến đến 25/7 xử lý xong các khách hàng cá nhân có trên 10 sim.

Ông Phúc cho biết, Cục vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động xử lý, chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động viễn thông với 6 biện pháp được thực hiện đồng loạt. Đó là: Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý sim rác. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo; điều tra, xử lý các trạm thu phát sóng BTS giả; đôn đốc kiểm tra, đánh giá việc xây dựng, triển khai các hệ thống ngăn chặn cuộc gọi rác có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đồng thời, cung cấp cho người dùng các công cụ để có thể chủ động ngăn chặn cuộc gọi rác.

Sim rác được kích hoạt sẵn cho người mua

Nỗi khổ của các “nạn nhân” đang bị hành hạ

Nói về ý kiến của mình, chị Ngọc là kế toán ở Q.7, TP.HCM cho rằng “Những cuộc gọi quảng cáo luôn làm phiền khách hàng vì gọi bất cứ lúc nào, kể cả ngày chủ nhật, đêm khuya. Cụ thể gần đây chị hay nhận được những cuộc điện thoại mời mở tài khoản, tham gia đầu tư chứng khoán của công ty, giới thiệu đất nền, căn hộ, v..v… không chỉ từ 1 người mà liên tục có rất nhiều nhân viên khác nhau của nhiều công ty, thậm chí là chỉ 1 công ty gọi cho chị. Ngay cả thứ bảy và chủ nhật cũng có cuộc gọi kiểu này khiến chị không thể nào từ chối nhẹ nhàng như trước đó mà phải dùng từ ngữ nặng hơn để mong những người đó đừng làm phiền nữa. Chị Ngọc cũng đã đăng ký số điện thoại của mình không nhận cuộc gọi quảng cáo nhưng vẫn tiếp tục là nạn nhân của những dịch vụ này”.

Cũng rất bức xúc vì liên tục bị tấn công bởi cuộc gọi rác, chị P.T. Giang (ngụ Q. Tân Phú, TP.HCM) nhận định: “Theo quy định, mỗi người có thể đăng ký tối đa ba sim chính chủ trên một nhà mạng viễn thông. Với năm nhà mạng, trung bình một người có thể đăng ký 15 đầu số. Một công ty chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm khách hàng qua điện thoại với 100 nhân viên là đã có 1.500 đầu số để “dội bom” người dùng. Chưa kể, nhiều bên vẫn tìm đến “sim rác chuẩn hóa” được mua bán ngoài “chợ đen”.

“Tin nhắn rác nhiều đã thấy phiền, nhưng cuộc gọi rác là bực nhất vì nó khiến mình phải ngừng lại công việc để nghe điện thoại. Sau khi nghe một cuộc điện thoại quảng cáo thì việc của mình đã bị gián đoạn, mất dòng suy nghĩ và đôi khi bị cảm xúc bực bội chi phối hết cả ngày nên càng khiến công việc ngày hôm đó không thể trôi chảy. Sau nhiều lần thấy cơ quan chức năng nói đã giám sát ngăn chặn, tưởng giảm bớt nhưng cá nhân mình lại thấy tình trạng này không hề giảm chút nào. Chỉ cần bắt máy, nói vài câu là tôi xác định được cuộc gọi rác. Đến nay danh sách chặn của tôi lên đến hơn 200 số, lúc đầu hơi mất công nhưng hiệu quả thấy rõ, tần suất cuộc gọi làm phiền đã ít đi hẳn. Tuy nhiên, danh sách chặn dài dằng dặc nhưng vẫn bị làm phiền, không ăn thua vì mỗi lần là một số khác nhau”, anh N.Phương lắc đầu ngao ngán khi chia sẻ về “vấn nạn” đang gặp phải.

Sim rác đang được mua bán tràn lan trên thị trường

Một số cách hạn chế cuộc gọi rác dành cho điện thoại

Nếu đang sử dụng iPhone, bạn hãy truy cập vào Settings (cài đặt) – Phone (điện thoại) – Silence Unknown Callers (tắt tiếng cuộc gọi không rõ), sau đó kích hoạt tùy chọn Silence Unknown Callers (tắt tiếng cuộc gọi không rõ). Kể từ lúc này, mỗi khi có cuộc gọi rác hoặc cuộc gọi lạ không rõ ràng, iPhone sẽ tự động tắt tiếng cuộc gọi, giúp bạn không bị làm phiền.

Trên Android, tên và vị trí các tùy chọn có thể khác nhau tùy vào loại thiết bị bạn đang sử dụng. Đơn cử như block harassing calls (chặn cuộc gọi quấy rối), block anonymous calls (chặn cuộc gọi ẩn danh) hoặc call blocking (chặn cuộc gọi).

Ngoài ra còn một phương pháp khác là bật chế độ Do not disturb (không làm phiền). Trên iPhone, người dùng có thể vào Settings (cài đặt) – Focus (tập trung) – Do not disturb (không làm phiền). Đối với Android, tùy chọn này có thể nằm trong mục âm thanh hoặc truy cập nhanh thông qua Quick settings (cài đặt nhanh).

Một cách đối phó phổ biến khác là cài ứng dụng lọc cuộc gọi, tin nhắn rác như TrueCaller, Hiya, VeroSMS. Trong đó, TrueCaller được nhiều người dùng tại Việt Nam lựa chọn do dùng được cả trên iPhone và Android, nguồn dữ liệu từ cộng đồng khá phong phú nên hiệu quả trong việc định danh cuộc gọi mời chào dịch vụ, lừa đảo.

Cách phản ánh cuộc gọi, tin nhắn rác qua tổng đài 156

Khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả danh Bộ TT&TT, nhà mạng… đe dọa cắt SIM, bạn có thể phản ánh đến tổng đài 156 thông qua các hình thức: gọi điện, nhắn tin hoặc phản ánh trên website.

– Tin nhắn rác: Soạn S <số điện thoại rác> <nội dung phản ánh> gửi 156.

– Cuộc gọi rác: Soạn V <số điện thoại rác> <nội dung phản ánh> gửi 156.

Cách thứ hai là gọi trực tiếp đến tổng đài 156, cung cấp thông tin về dấu hiệu lừa đảo theo hướng dẫn.

Trước đó, tổng đài miễn phí 5656 mở ra để nhận phản ảnh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác của Bộ TT&TT

Cảnh báo về việc nghe điện thoại bị mất sạch tiền là sai sự thật

Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều cảnh báo về việc chỉ nghe điện thoại bị mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng khiến nhiều người lo lắng.

Lý giải về những cảnh báo trên, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đây chỉ là những số điện thoại thông thường, và việc nhận cuộc gọi sẽ không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng với người dùng.

Chuyên gia cũng phân tích, trường hợp người nghe điện thoại ấn các phím theo hướng dẫn có thể bị trừ tiền điện thoại ở mức cước cao (tùy thuộc đầu số) chứ không thể mất tiền ngân hàng. Người dùng chỉ mất tiền tài khoản ngân hàng khi nhấn phím theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, rồi làm theo dẫn dụ của chúng như vào đường link, hay tải file mã độc, hay app độc hại, hoặc dẫn dụ đầu tư tài chính, hoặc bị đe dọa theo kiểu giả mạo công an thì lúc đấy mới bị lừa mất tiền.

Quang Trung