Ngày 15.5 vừa qua, Tỉnh Quảng Ninh đã công bố quyết định thành lập Ban Quản lý khu Kinh tế Vân Đồn. Đây là tin vui cho toàn tỉnh và lập tức, huyện đảo Vân Đồn rùng rùng chuyển động…
Đầu năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt điều chỉnh chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh với tầm nhìn đến năm 2040.
Và ngày 15/5 vừa qua, Tỉnh Quảng Ninh đã công bố quyết định thành lập Ban Quản lý khu Kinh tế Vân Đồn. Đây là tin vui cho toàn tỉnh và lập tức, huyện đảo Vân Đồn rùng rùng chuyển động…
Thực ra, việc xây dựng Vân Đồn trở thành một khu kinh tế đặc biệt, hoặc là theo mô hình đặc khu đã có từ năm 2003. Ngày ấy, đã có những nhóm doanh nhân từ Nga về bỏ hàng triệu USD để làm quy hoạch “Đặc khu kinh tế Vân Đồn”, rồi lại có nhóm doanh nhân bỏ tiền ra thuê kiến trúc sư Malaysia làm quy hoạch…Ai cũng nhìn thấy thế mạnh đặc biệt của huyện đảo Vân Đồn.
Vân Đồn là một huyện đảo, nằm ở phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh; diện tích tự nhiên 2.171,33 km2, trong đó diện tích đất tự nhiên 581,83 km2, diện tích vùng biển rộng 1.589,50 km2; gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hơn 20 đảo đất có người ở. Vân Đồn nằm trong quần thể di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long với tài nguyên du lịch đặc sắc, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển; có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược quan trọng đối với trong nước và quốc tế; là vùng đất còn hoang sơ, quỹ đất dự trữ phát triển lớn và dân số không đông, thuận lợi quy hoạch, phát triển các dự án quy mô lớn.
Từ năm 2012, việc quy hoạch Vân Đồn thành Khu Kinh tế đặc biệt được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, từ sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam giữa năm 2014 khiến dư luận dấy lên lo ngại: Trung Quốc sẽ thâu tóm Vân Đồn.
Vào giữa năm 2017 chính vì dư luận mà Quốc hội đã phải dừng biểu quyết thành lập 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc. Tới giữa năm 2019 Chính phủ đã quyết định cho thành lập thí điểm 3 khu kinh tế, trong đó có Vân Đồn.
Trong tay tôi có đầy đủ các bản quy hoạch Vân Đồn để trở thành “Khu Kinh tế đặc biệt” từ trước tới nay. Và quả thật, bản quy hoạch nào cũng đánh giá rất cao tiềm năng của Vân Đồn, xác định đây là vùng đất “trời cho Quảng Ninh”. Cho nên, “tiềm năng” mãi mãi chỉ là “tiềm năng” nếu như không biết cách đánh thức, tận dụng nó.
Có người ví rất hay rằng: Vân Đồn như một cô gái được phong tặng danh hiệu Hoa hậu. Nhưng để cái danh “hoa hậu” đó trở thành tiền bạc thì phải có đầu tư, có kế hoạch phát triển phù hợp…Chứ sắc đẹp có mài ra mà ăn được đâu!
Vân Đồn cũng thế. Đẹp thì đẹp thật. Thuận lợi về thiên nhiên, điều kiện tự nhiên thì rõ rồi. Nhưng để Vân Đồn biến thành “trung tâm kinh tế”, rõ ràng phải có chính sách đầu tư phù hợp. Quan trọng là phải làm thế nào để các các doanh nghiệp tư nhân “yêu” Vân Đồn.
Cho tới ngày hôm nay, gần giữa năm 2020, khi mà Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập các Khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc, cũng vẫn có những “lo ngại” rằng Trung Quốc sẽ đầu tư, hoặc núp bóng người Việt để đầu tư chui vào ba khu kinh tế này…
Sự lo ngại này tuy có phần thái quá, nhưng không phải là không có cơ sở, bởi lẽ, đã có nhiều doanh nhân được sự đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang thâu tóm nhiều khu đất “vàng” ở một số địa phương.
Nhưng ở Quảng Ninh, mà cụ thể là ở Vân Đồn cho tới giờ này, chưa có một doanh nghiệp Trung Quốc nào đăng ký đầu tư mà chỉ có một số Tập đoàn của Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Đức đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đáng mừng là các Tập đoàn này đều quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các khu công nghệ cao như: điện tử, sinh học, thuốc chữa bệnh. Điều này hoàn toàn phù hợp với Quyết định của Chính phủ về quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn.
Các doanh nghiệp lớn trong nước cũng đã triển khai một số dự án tập trung vào các lĩnh vực: dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ sản xuất kỹ thuật cao.
Trong giai đoạn 2012 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã huy động và thu hút trên 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển Vân Đồn. Trong đó: đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 17.300 tỷ đồng, chiếm 30% tổng vốn đầu tư (ngân sách Trung ương 2.050 tỷ đồng, chiếm 3,6%, ngân sách địa phương 15.250 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng vốn đầu tư); đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách là 40.300 tỷ đồng, chiếm 70% (chủ yếu bằng hình thức đầu tư PPP).
Điển hình như tập đoàn Sun Group đã xây dựng rất thành công sân bay quốc tế Vân Đồn, và nay đang khẩn trương xây dựng khu phức hợp du lịch – thương mại nghỉ dưỡng – casino với tổng vốn đầu tư lên hơn 3 tỷ USD.
Tập đoàn FLC đã quyết định đầu tư tới 2 tỷ USD vào đảo Ngọc Vừng để xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng, du lịch, Casino…Đây là dự án có vốn đầu tư lớn nhất ở Vân Đồn. Hiện nay, FLC đang tích cực giải phóng mặt bằng để có thể khởi công vào năm 2021.
Hiện nay, mới chỉ Khu đô thị mới Phương Đông đã được đầu tư xây dựng đồng bộ hiện đại, thông minh trên phần diện tích 171 héc ta, tại vị trí đắc địa nhất Vân Đồn. Khu đô thị mới này được lãnh đạo tỉnh đánh giá rất cao về tiến độ triển khai dự án và tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định, khắt khe về môi trường và cảnh quan. Trong buổi làm việc với chúng tôi, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Thắng bày tỏ sự hài lòng và tin tưởng vào cung cách triển khai dự án của Phương Đông.
Một điều rất hay trong khi triển khai dự án là Phương Đông đã không để xảy ra khiếu kiện trong công tác giải phóng mặt bằng, đến bù giải tỏa…Đơn giản là Phương Đông đã biết tôn trọng lợi ích của người dân, vì thế tạo được sự đồng thuận của người dân với doanh nghiệp.
Hiện nay, khu đô thị Phương Đông đã được UBND tỉnh cấp đầy đủ chứng nhận quyền sử dụng đất, sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất để đón các nhà đầu tư thứ cấp vào các lĩnh vực như đất ở đô thị, nhà phố thương mại, khách sạn, trung tâm thương mại, bệnh viện và trường học…
Ngoài ra, còn có một số nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài đang đề xuất nghiên cứu quy hoạch triển khai các dự án quy mô lớn như: (i1) Quy hoạch khu vực phía Bắc đảo Cái Bầu (do Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Vision Transportation Group (VTG), CTCP Đầu tư xây dựng Hải Đăng, Công ty Đầu tư và Phát triển Sunny World đang lập), (i2) Tổ hợp công nghệ cao, thương mại tự do và Khu đô thị thông minh Vân Đồn (Tập đoàn Sun Group đang lập), (i3) Phân khu 2, 3- Khu đô thị Cái Rồng (do CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đang lập); (i4) Khu công nghiệp Y- Dược công nghệ cao tại KKT Vân Đồn với quy mô khoảng 1.000ha (do CTCP Tập đoàn FLC đề xuất)…
Các tập đoàn kinh tế tư nhân khác như VinGroup, Geleximco; Doji, CEO cũng đang tiến hành nghiên cứu đầu tư. Đáng mừng nhất là tất cả các Tập đoàn kinh tế tư nhân đã, đang và sẽ đầu tư vào Vân Đồn đều muốn dùng nội lực của mình để “tự lực, tự cường” xây dựng.
Một điều rất hay ở Quang Ninh là chính quyền luôn đặt niềm tin vào doanh nghiệp tư nhân và tạo điều kiện hết mức có thể để các tập đoàn an tâm đầu tư. Ở Quảng Ninh, không có chuyện chính quyền lấy “hành là chính” để gây khó cho doanh nghiệp.
Có một thực tế là các doanh nghiệp tư nhân Vân Đồn đã có những tính toán hết sức chiến lược từ 8 năm trước và dám bỏ vốn đầu tư vào Vân Đồn, với niềm tin sắt đá là Vân Đồn dù sớm, hay muộn cũng sẽ trở thành một trung tâm kinh tế lớn không chỉ của Quảng Ninh mà còn của cả miền Bắc. Những gì thực hiện được ở đây sẽ là kinh nghiệm và là bài học qúy cho các địa phương khác.
Chính vì thế, doanh nghiệp tư nhân đã dám bỏ tiền ra xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn, dám bỏ tiền giải phóng mặt bằng, xây dựng khu đô thị Phương Đông; dám cùng tỉnh đầu tư mở đường cao tốc nối Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và tới thẳng Vân Đồn…
Trước đó, cũng có những lo ngại rằng nếu không thành lập đặc khu, các doanh nghiệp tư nhân sẽ mất hết vốn liếng đã đầu tư. Nhưng khi trao đổi với một số đại gia, hóa ra họ không quan tâm nhiều đến “đặc khu hay không đặc khu”…Họ chỉ biết chắc chắn là Quảng Ninh muốn phải triển kinh tế theo hướng ” xanh” – nghĩa là phát triển dựa trên du lịch – thương mại – nông nghiệp kỹ thuật cao – công nghiệp mang xu thế của 4.0 và không dựa vào mấy mỏ than nữa – thì bắt buộc phải đầu tư lớn ở Vân Đồn. Lấy Vân Đồn làm điểm đột phá và là nơi thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Vì vậy, đầu tư vào Vân Đồn là không thể bị mất đi. Dĩ nhiên, có thể thời gian đầu, tiến độ chưa thực sự được như mong muốn. Nhưng làm kinh tế là thế, có lúc thuận, có lúc nghịch…Ý chí chủ quan của con người là quan trọng nhưng những tác động khách quan nhiều khi cũng rất ảnh hưởng. Ngay những ngày này, chưa ai dám chắc là bao giờ thì trị được triệt để “con Covid-19″, và tác động của đại dịch này đang làm suy thoái kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Các doanh nghiệp tư nhân cũng rất tin tưởng vào chính quyền tỉnh Quảng Ninh, bởi trong khoảng 8 năm qua, tỉnh Quảng Ninh là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế ngoạn mục nhất cả nước. Trung bình tăng trưởng hàng năm là từ 10,5 đến 12%.
Nhưng quan trọng nhất là Quảng Ninh đã dịch chuyển được cơ cấu kinh tế, từ “nâu” sang “xanh”. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2019 là 5.500 USD (gấp đôi mức bình quân cả nước)…Quảng Ninh còn là địa phương đi đầu trong hợp tác Công – Tư, huy động được tới 75% nguồn vốn xã hội hóa; thu ngân sách là 1 trong 5 địa phương đứng đầu cả nước, chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2019 đứng thứ 2, năm 2017 đứng thứ nhất.
Quảng Ninh là địa phương tiên phong triển khai nhiều mô hình mới trong quản lý cải cách hành chính. Là tỉnh đầu tiên thành lập và vận hành Trung tâm hành chính công; tỉnh đầu tiên có sân bay quốc tế do tư nhân xây dựng; tỉnh đi đầu trong xây dựng và công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị; đi đầu trong xử dụng mạng xã hội tương tác với người dân và doanh nghiệp…
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh gần đây nhất, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Những kết quả đáng khích lệ trong xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội của tỉnh những năm qua chính là nền tảng vững chắc, là bệ đỡ để Quảng Ninh phát triển mạnh hơn nữa trong những năm tiếp theo. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân đang được lãnh đạo tỉnh coi là động lực cho sự phát triển kinh tế một cách thực chất”.
Như Phong