Trong dòng tweet đăng trên trang Twitter của tổ chức, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo: “WHO đã đưa Covaxin (do Bharat Biotech phát triển) vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), bổ sung vào danh mục vaccine ngày càng nhiều đã được WHO xác nhận để phòng chống COVID-19”.
WHO cũng cho biết Covaxin được phê duyệt sử dụng cho tất cả các nhóm tuổi từ 18 trở lên, với hai liều cách nhau 4 tuần. Tuy nhiên hiện tổ chức này chưa có khuyến cáo về việc sử dụng vaccine này cho trẻ em, cũng như chưa có dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả với phụ nữ có thai.
Việc WHO đưa Covaxin vào danh sách sử dụng khẩn cấp đồng nghĩa là vaccine sản xuất tại Ấn Độ này sẽ được công nhận bởi các quốc gia khác và những người Ấn Độ đã tiêm Covaxin có thể không cần phải cách ly hoặc bị hạn chế khi ra nước ngoài.
Hiện nay, nhiều quốc gia như Guyana, Iran, Mauritius, Mexico, Nepal, Paraguay, Philipines, Zimbabwe, Australia, Oman, Sri Lanka, Estonia, Hy Lạp đã phê duyệt Covaxin, trong khi nhiều nước khác vẫn chờ quyết định của WHO.
Quyết định cấp phép của WHO còn đồng nghĩa với một sự công nhận dành cho các nhà khoa học Ấn Độ vì Covaxin là vaccine COVID-19 đầu tiên do Ấn Độ sản xuất.
Nhà sản xuất Bharat Biotech đã nộp đơn lên WHO xin cấp phép khẩn cấp với Covaxin từ tháng 4 năm nay và cung cấp các dữ liệu bắt buộc vào tháng 7. Nhưng quá trình phê chuẩn của WHO đã kéo dài do những quy trình đảm bảo tính an toàn, hiệu quả và ổn định của vaccine, cũng như việc kiểm tra cơ sở sản xuất.
Covaxin là một trong sáu loại vaccine COVID-19 đã được cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp và đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng trên toàn quốc, cùng với hai loại khác là Covishield và Sputnik V.
Vaccine Covaxin đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Ấn Độ từ hồi tháng 1/2021, khi quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vẫn chưa hoàn thành. Hiện Ấn Độ đã cấp phép sử dụng 2 loại vaccine gồm AstraZeneca và Covaxin. Trước đó, ngày 1/2, Thủ tướng Narendra Modi đã được tiêm vaccine Covaxin khi chiến dịch tiêm chủng tại nước này bước sang giai đoạn 2, hướng tới các nhóm trên 60 tuổi và trên 45 tuổi có nhiều bệnh lý nền nghiêm trọng. Ngày 4/3 , Bộ Y tế Ấn Độ cho biết khoảng 15 triệu mũi vaccine đã được tiêm cho người dân nước này.
Cùng với vaccine Covishield do Viện Huyết thanh Ấn Độ phát triển, Covaxin là trụ cột chính trong chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 của Ấn Độ. Cho đến nay, có trên 1,2 tỉ liều của hai vaccine này đã được tiêm. Theo công bố của nhà sản xuất Bharat Biotech và WHO, Covaxin đã chứng minh hiệu quả 77,8% ngăn ngừa mắc COVID-19 có triệu chứng và 65,2% bảo vệ chống lại biến thể Delta.
Cho đến nay, WHO đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp trên toàn cầu các loại vaccine phòng COVID-19 do Pfizer-BioNTech, Johnson & Johnson, Moderna, Sinopharm và Oxford-AstraZeneca phát triển và sản xuất.
Trong khi đó, Bharat Biotech, nhà sản xuất Covaxin ngày 3/11 cho biết Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Thuốc Trung ương (CDSCO) Ấn Độ đã chấp thuận việc gia hạn thời hạn sử dụng của Covaxin lên đến 12 tháng kể từ ngày sản xuất.
Quang Minh