Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko cho biết, Kiev sẵn sàng “linh hoạt” về mục tiêu gia nhập NATO nếu điều đó có thể giúp Ukraine tránh một cuộc xung đột vũ trang với Nga.
Trả lời câu hỏi liệu Ukraine có thay đổi ý định trở thành thành viên của NATO hay không, ông Prystaiko nói: “Chúng tôi có thể, đặc biệt là khi đang bị đe dọa bởi điều đó… Ý tôi muốn nói ở đây là chúng tôi linh hoạt, cố gắng tìm giải pháp tốt nhất”.
Tuy nhiên, ông Prystaiko cho rằng Ukraine hiện không thuộc bất kỳ liên minh quân sự nào, không giống như một số quốc gia khác có chung biên giới với Nga. Ông nhấn mạnh rằng Kiev có thể sẽ một mình phải đối mặt với xung đột quân sự, nếu cuộc khủng hoảng hiện nay dẫn tới một cuộc chiến tranh.
“Chúng tôi sẽ không được bảo vệ bởi bất kỳ ai, bởi bất kỳ bạn bè nào, không phải là thành viên của bất kỳ liên minh nào, khi tất cả mọi người, tất cả quốc gia láng giềng của chúng tôi đều la thành viên của tổ chức này,” nhà ngoại giao nói, đề cập đến Ba Lan, Cộng hòa Slovakia, Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông cho rằng với tư cách là thành viên NATO của các quốc gia này “không thay đổi an ninh của Nga”, đồng thời nhấn mạnh rằng việc Ukraine gia nhập liên minh này cũng sẽ không thay đổi điều đó.
Truyền thông địa phương Ukraine đưa tin hàng loạt nhà tài phiệt đã rời khỏi nước này trong bối cảnh Kiev cân nhắc khả năng từ bỏ gia nhập NATO. Đã có khoảng 20 chuyến bay thuê chuyến và tư nhân đã cất cánh từ thủ đô Kiev chỉ riêng trong ngày này. Trong những ngày gần đây, hàng loạt doanh nhân, bao gồm cả người đàn ông giàu nhất Ukraine, được cho là đã rời khỏi đất nước.
Tờ báo này cho biết thêm một số chính trị gia Ukraine cũng tìm cách rời khỏi đất nước. Theo đó, đại diện Đảng Vì cuộc sống đối lập kiêm doanh nhân Igor Abramovych được cho là đã đặt một chiếc máy bay tư nhân dành cho 50 người đến Vienna – Áo.
Việc Ukraine mong muốn gia nhập NATO là một trong những vấn đề quan ngại của Nga. Cuối năm ngoái, Nga đã đưa ra một loạt đề xuất an ninh với Mỹ và NATO, trong đó có đề xuất NATO cam kết không mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine. Nga coi đây là những vấn đề “sống còn” có thể tác động nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Tổng thống Vladimir Putin từng nói rằng, việc Ukraine xích lại gần NATO có thể khiến lãnh thổ nước này trở thành “bệ phóng” cho các tên lửa của NATO nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, Mỹ và NATO đã bác bỏ đề nghị này. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cuối tháng trước tuyên bố, NATO “sẽ không thỏa hiệp” về chính sách mở rộng về phía đông bởi điều đó mâu thuẫn với “nguyên tắc cốt lõi” của khối.
Giới quan sát cho rằng, việc Nga đưa hơn 100.000 binh sĩ và khí tài đến sát biên giới Ukraine là nhằm gây sức ép với Mỹ và các đồng minh phải chấp thuận những đề xuất an ninh của Moscow.
Vương Tâm