Trong thời đại công nghệ số, khi sự tiện nghi và kết nối không ngừng phát triển, chúng ta lại đối mặt với những nguy cơ mới đến từ chính những tiện ích này, trong đó có rối loạn giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ, một vấn đề tưởng chừng chỉ xảy ra ở nhóm người lớn tuổi hay có bệnh lý nền, nay đã trở thành căn bệnh phổ biến, đặc biệt ở nhóm người trẻ và trung niên.
Tại cuộc toạ đàm “Rối loạn giấc ngủ, căn bệnh thời 4.0” được Báo Tiền Phong phối hợp với nhãn hàng Melatongue Rapid tổ chức sáng 20/12, các bác sĩ, chuyên gia y tế đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích xung quanh vấn đề giấc ngủ và câu chuyện mất ngủ.
Các chuyên gia, bác sĩ tham gia buổi toạ đàm. Ảnh: Công Quyền
Không ngủ được vì lướt điện thoại nhiều
Theo thống kê từ Bộ Y tế, giai đoạn từ năm 2020 đến 2023, tỷ lệ người mắc rối loạn giấc ngủ đã tăng đáng kể, đạt mức 20% ở người trưởng thành. Riêng tại TP. HCM, chỉ trong năm 2023, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 15.000 ca điều trị liên quan đến các rối loạn giấc ngủ, tăng 35% so với năm 2020. Xu hướng gia tăng này báo hiệu sự cần thiết của việc nhận diện và xử lý vấn đề từ sớm để tránh các hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu của rối loạn giấc ngủ được các chuyên gia đưa ra, đó chính là sự lạm dụng công nghệ, đặc biệt là điện thoại di động. Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình của điện thoại, máy tính bảng và máy tính xách tay đã được chứng minh là làm rối loạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể, gây khó ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ sâu. Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi nhiều người có thói quen sử dụng thiết bị điện tử trong vòng một giờ hoặc thậm chí lâu hơn trước khi đi ngủ.
Giai đoạn từ năm 2020 đến 2023, tỷ lệ người mắc rối loạn giấc ngủ đã tăng đáng kể, đạt mức 20% ở người trưởng thành. Ảnh minh họa.
Ngoài ánh sáng xanh, thói quen sử dụng điện thoại trước khi ngủ còn kích thích não bộ, khiến cơ thể rơi vào trạng thái cảnh giác cao độ. Kết quả là nhiều người không thể thư giãn để bước vào giấc ngủ tự nhiên.
Một nghiên cứu gần đây tại Việt Nam chỉ ra rằng 68% người trưởng thành thừa nhận thường xuyên sử dụng điện thoại trong vòng một giờ trước khi đi ngủ, và con số này ở nhóm thanh thiếu niên lên đến 85%.
Thời đại công nghệ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm áp lực. Nhịp độ làm việc liên tục, kết nối 24/7 qua email và ứng dụng nhắn tin khiến ranh giới giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi trở nên mờ nhạt. Tình trạng stress và căng thẳng kéo dài làm gia tăng cortisol trong cơ thể, một hormone được biết đến là yếu tố gây gián đoạn giấc ngủ.
Bên cạnh đó, việc làm việc khuya để hoàn thành công việc hoặc học tập cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thời lượng và chất lượng giấc ngủ. Khảo sát của Đại học Y Dược TP. HCM năm 2022 cho thấy hơn 40% sinh viên đại học ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm do học tập hoặc lướt mạng xã hội. Đặc biệt là trong môi trường công sở, tình trạng làm việc quá sức và thiếu ngủ trở nên ngày càng phổ biến.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ
Theo các chuyên gia, rối loạn giấc ngủ không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như béo phì, bệnh tim mạch, tiểu đường, và suy giảm trí nhớ. Việc mất ngủ kéo dài làm giảm khả năng miễn dịch, dễ dẫn đến các bệnh lý mãn tính và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.
Đặc biệt, nhóm người trẻ tuổi mắc rối loạn giấc ngủ có nguy cơ cao hơn về giảm năng suất làm việc, thiếu tập trung và dễ mắc các rối loạn tâm lý như lo âu hoặc trầm cảm. Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tiểu đường, đồng thời cũng gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần, dẫn đến cảm giác mệt mỏi và cáu kỉnh.
Bác sĩ Đặng Nhất Tâm, Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Công Quyền.
Bác sĩ Đặng Nhất Tâm – Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho rằng, một người trưởng thành cần 7-9 giờ để ngủ mỗi ngày. Nếu ngủ đúng chu kỳ, tất cả các cơ quan trong cơ thể sẽ được nghỉ ngơi để nạp năng lượng, sắp xếp lại mọi thứ và bắt đầu một chu kỳ mới.
Ngược lại, khi ngủ không đủ giấc, con người sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề, đặc biệt là căng thẳng thần kinh, sa sút trí nhớ và giảm khả năng tư duy. Nghiêm trọng hơn, rất nhiều nghiên cứu cho thấy các bệnh lý về hô hấp, miễn dịch cũng có liên quan tới giấc ngủ.
Trả lời câu hỏi những yếu tố nào ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Tự Quốc Tuấn – Trưởng Khoa Nội thần kinh kiêm Phó Giám Đốc Bệnh viện Triều An, đánh giá việc này đòi hỏi nhiều yếu tố.
Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Tự Quốc Tuấn – Trưởng Khoa Nội thần kinh kiêm Phó Giám Đốc Bệnh viện Triều An. Ảnh: Công Quyền.
Vị chuyên gia cho hay, trước khi ngủ, nhiều người có thói quen xem phim kinh dị, tình cảm tâm lý hoặc uống những chất kích thích, vận động quá mức. Đây là những yếu tố ảnh hưởng lớn tới giấc ngủ. Một yếu tố khác cũng cần lưu tâm là các bệnh lý liên quan. Khi đang điều trị bệnh, nhiều người có thể bị khó ngủ vì sử dụng một số loại thuốc.
Đưa ra lời khuyên, Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Tự Quốc Tuấn nhấn mạnh, giấc ngủ có vai trò quan trọng và không nên coi thường việc mất ngủ. Để có giấc ngủ sâu, mỗi người không nên lạm dụng chất kích thích, không sa vào tranh cãi, lo lắng công việc.
Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia cũng đưa ra một số biện pháp để đảm bảo có một giấc ngủ sấu giúp con người giữ gìn sức khỏe cho bản thân, cụ thể:
Hạn chế sử dụng điện thoại và thiết bị điện tử trước khi đi ngủ và nên dừng mọi hoạt động với màn hình ít nhất 30 phút trước giờ ngủ, giúp cơ thể thư giãn và chuẩn bị cho giấc ngủ.
Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ, đối với người trưởng thành cần ngủ tối thiểu 7-8 tiếng mỗi đêm, điều này không chỉ giúp cơ thể phục hồi năng lượng mà còn giúp duy trì các chức năng sinh lý tối ưu. Và nên duy trì một không gian ngủ thoải mái, bởi lẽ một môi trường ngủ yên tĩnh, không bị gián đoạn bởi ánh sáng hoặc tiếng ồn, là điều cần thiết để có giấc ngủ chất lượng.
Đặc biệt, cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu rối loạn giấc ngủ sẽ giúp điều trị kịp thời, tránh các hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Ngoài ra, phải quan tâm cân đối về chế độ dinh dưỡng, giải trí lành mạnh, vì một chế độ ăn uống cân đối kết hợp với các thói quen giải trí lành mạnh giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Người mất ngủ, rối loạn giấc ngủ cũng có thể sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chứa thảo dược để có thể bắt nhanh nhịp ngủ, hỗ trợ lấy lại giấc ngủ tự nhiên.
Thanh Quang