Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành về công tác phòng, chống Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra đề xuất phương án chia kỳ thi thành 2 đợt.
Theo đó, những địa phương không nguy cơ cao, sẵn sàng thi, đảm bảo tốt các vấn đề về an toàn, an ninh thì tổ chức thi theo kế hoạch vào ngày 9-10/8 tới đây. Còn các địa phương có nguy cơ cao, xác định chưa an toàn như Đà Nẵng, Quảng Nam… sẽ tổ chức thi vào đợt 2 sau đó.
Trước đề xuất này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT căn cứ tình hình thực tiễn chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo an toàn và việc xét tuyển đại học diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.
Về đề xuất trên, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, hiện Bộ GD&ĐT chưa đưa quyết định chính thức, nên các trường đại học dự kiến thực hiện theo kế hoạch tuyển sinh đã công bố.
Nếu trong trường hợp Bộ thay đổi phương án thi tốt nghiệp THPT năm nay thì các trường cũng sẽ có những điều chỉnh nhất định cho phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh.
Nếu phải thi 2 đợt hay thậm chí 3 đợt, thì trường sẽ phân chia chỉ tiêu rõ ràng, dựa trên số lượng thí sinh dự thi của từng đợt. Ví như đợt 1 có 70% thí sinh cả nước tham dự thi tốt nghiệp THPT thì các trường căn cứ vào số liệu đó để tuyển sinh 70% chỉ tiêu, số còn lại để dự phòng cho đợt thi sau. Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền khẳng định các sẽ trường không gặp nhiều khó khăn, xáo trộn.
GS.TS Bùi Xuân Nam, Phó Hiệu trưởng Đại học Mỏ-Địa chất cũng ủng hộ phương án chia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay làm 2 đợt để đảm bảo an toàn cho các thí sinh. Các trường đại học hoàn toàn làm chủ công tác tuyển sinh, vì hầu hết đều đã thực hiện tự chủ và tuyển sinh nhiều đợt, nhiều phương thức trong năm học.
Hiện Bộ GD&ĐT có kho cơ sở dữ liệu tuyển sinh, các trường có thể căn cứ vào đó để tính toán phân bổ chỉ tiêu thành nhiều đợt.
Cùng quan điểm, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, trong trường hợp Bộ tổ chức 2, 3 hay 4 đợt thi tốt nghiệp THPT, việc tuyển sinh đại học không bị thay đổi nhiều.
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho rằng mặc dù việc chia kỳ thi thành 2 đợt sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới kế hoạch tuyển sinh của nhà trường, nhưng đây vẫn là giải pháp an toàn nhất trong thời điểm hiện tại.
Nếu phương án thi này được áp dụng, Trường ĐH Thương mại sẽ căn cứ vào tỉ lệ các vùng tuyển sinh của nhà trường để dành chỉ tiêu cho những thí sinh thuộc vùng phải thi đợt 2.
Còn ở Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ông Phạm Thái Sơn phân vân: “Các trường ĐH sẽ xét tuyển đợt 1 và chỉ tiêu như thế nào? Thời gian tuyển sinh đợt 1 từ ngày 9/9 – 18/9 có dời lại không. Và nếu dời thì tất cả các trường phải đồng loạt mới công bằng”.
Hiệu trưởng một trường ĐH ở quận 5 đồng tình khi chia kỳ thi tốt nghiệp làm 2 đợt. “Thi tốt nghiệp 2 lần thì xét tuyển đợt 1 cũng phải làm 2 lần. Sau mỗi đợt thi tốt nghiệp thì các trường xét tuyển đại học”- ông nói.
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết trường sẽ thực hiện theo hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT. “Căn cứ trên số nguyện vọng TS thi đợt 2 đã đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vào các trường, có thể tính toán được phần chỉ tiêu cần để dành lại của các trường cho đợt sau”, ông Lưu dự tính.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Thiện Lưu cũng đề xuất: “Nếu phải xét học bạ thay cho điểm thi, nên chăng xét tuyển chung toàn quốc. Năm nay, Bộ đã yêu cầu nhập điểm học bạ của học sinh lên hệ thống dữ liệu thi, đây là cơ sở để thực hiện việc xét tuyển chung để giảm tỷ lệ TS trúng tuyển ảo đồng thời vào nhiều trường như việc xét học bạ hiện nay”. Cũng theo ông Lưu, nếu có tình huống này xảy ra, quy chế tuyển sinh sẽ phải điều chỉnh lại và các trường sửa đề án. Đặc biệt là thay đổi quy định ràng buộc TS trúng tuyển đợt sau phải có điểm bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước với cùng phương thức xét tuyển.
PV