Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông báo tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành công nghiệp gốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS).
Đây là chương trình được thực hiện theo Bản ghi nhớ được ký giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc. Từ năm 2004 đến nay đã có hơn 134.000 lượt lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này.
Theo thông báo, số lượng tuyển dụng lao động đợt này là 400 người, trong đó tuyển dụng lao động nghề hàn 300 người, lao động nghề khuôn mẫu là 100 người.
Đối tượng tuyển dụng là học sinh, sinh viên đang học tại Trường được đào tạo từ hệ trung cấp trở lên (riêng đối tượng là quân nhân xuất ngũ được đào tạo từ hệ sơ cấp trở lên).
Trong đó đối với Nghề hàn yêu cầu lao động được đào tạo nghề hàn hoặc ngành cơ khí (đã được đào tạo lý thuyết và thực hành nghề hàn);
Nghề khuôn mẫu: được đào tạo nghề cắt gọt kim loại hoặc chế tạo thiết bị cơ khí (đã được đào tạo lý thuyết và thực hành các module tiện, phay, mài);
Điều kiện lao động đáp ứng đủ các điều kiện tuyển chọn lao động tham dự Chương trình EPS là những người từ 18 đến 39 tuổi (độ tuổi trong khoảng thời gian từ ngày 5/6/1984 đến ngày 6/6/2006); không có án tích theo quy định của pháp luật; chưa từng trục xuất khỏi Hàn Quốc; không bị cấm xuất cảnh Việt Nam; không có thân nhân (bố, mẹ, con đẻ; anh, chị, em ruột; vợ hoặc chồng) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; không bị mù màu, rối loạn sắc giác; đủ sức khỏe để làm việc theo quy định của Hàn Quốc.
Nếu lao động đã từng cư trú tại Hàn Quốc (bao gồm cư trú hợp pháp và bất hợp pháp) theo visa E9 (lao động EPS) hoặc (và) visa E10 (thuyền viên tàu đánh cá) thì thời gian cư trú phải dưới 05 năm.
Trung tâm Lao động ngoài nước cũng lưu ý, người lao động được chẩn đoán mắc các bệnh truyền nhiễm như giang mai, lao phổi sẽ bị loại vì không đủ tiêu chuẩn trong kiểm tra y tế và đang sử dụng ma túy sẽ bị buộc phải rời khỏi đất nước nếu được chẩn đoán dương tính với ma túy tại Hàn Quốc.
Theo ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết: tính đến ngày 20/6/2024, cả nước đã đưa được 78.024 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 62,4% kế hoạch năm (125.000 lao động) và đạt 107% so với số lượng lao động xuất cảnh trong 6 tháng đầu năm 2023.
Một số thị trường ngoài nước tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam gồm: Nhật Bản 40.597 lao động, Đài Loan 27.350 lao động, Hàn Quốc 5.565 lao động, Trung Quốc 1.081 lao động, Singapore 609 lao động, Rumani 379 lao động, Hungary 264 lao động, Ba Lan 196 lao động, Ả rập xê út 317 lao động, Canada 39 người…
Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình ngành nghề công việc như: sản xuất, chế tạo (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử…); xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình) với điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.
Thu nhập của người lao động cao và ổn định, giao động từ 1.200 – 1.600 USD/tháng tại Nhật Bản và Hàn Quốc; 800 – 1.200 USD/tháng tại Đài Loan và các nước Châu Âu; 700 – 1.000 USD/tháng đối với lao động có nghề và 500 – 600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở địa bàn Trung Đông, Châu Phi.
Bên cạnh các thị trường đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hiện nay như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, thì các thị trường khác cũng đang có nhu cầu đối với lao động Việt Nam như các nước thuộc Đông Âu (Rumani, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Serbia)…
PV