“Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng đến Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng được thông qua đã khẳng định cam kết của ASEAN trong việc thúc đẩy công tác xã hội và tăng cường vai trò xúc tác của công tác xã hội trong Cộng đồng ASEAN”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Nguyễn Bá Hoan thông tin trong phát biểu khai mạc tại Hội nghị Hiệp hội Công tác xã hội ASEAN (ASWC) lần thứ 9.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 3, 4/12 do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì tổ chức với sự tham gia trực tuyến của các quan chức, đầu mối phụ trách các cơ quan hợp tác chuyên ngành của ASEAN.
Khẳng định vai trò của công tác xã hội
Năm 2020 là một năm đặc biệt với những thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, đòi hỏi ASEAN và các nước thành viên cần có những biện pháp kịp thời để đối phó với các thách thức, cũng như tăng cường nỗ lực chung nhằm phục hồi mạnh mẽ đi đôi với phòng chống đại dịch, cùng với việc đảm bảo tiếp tục cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân, đặc biệt là cho các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
“Trước những căng thẳng, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, các yêu cầu hỗ trợ cho các đối tượng trong bối cảnh dịch bệnh đối với nhân viên công tác xã hội đòi hỏi ASEAN phải nhìn nhận lại tầm quan trọng của công tác xã hội trong sự phát triển của mỗi quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: “Đại dịch COVID-19 đòi hỏi ASEAN phải nhìn nhận lại tầm quan trọng của công tác xã hội”
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, tại Việt Nam, công tác xã hội ở Việt Nam hiện mới chỉ được xếp vào giai đoạn đầu của sự phát triển. Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm Công tác xã hội còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản mang tính chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức bộ máy cung cấp dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp ở cộng đồng rất hạn hẹp; hệ thống trường, cơ sở đào tạo nghề Công tác xã hội đã hình thành và phát triển nhưng còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, cơ sở cho thực hành, thực tập.
Thứ trưởng nhận định, những vấn đề nêu trên không chỉ có Việt Nam mà hầu hết các nước thành viên ASEAN khác đều đang gặp phải.
Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Nghề Công tác Xã hội ASEAN giai đoạn 2020-2021, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, Việt Nam mong muốn sẽ cùng các quốc gia thành viên ASEAN khác thúc đẩy Công tác xã hội trong giai đoạn tới thông qua các hành động thiết thực.
“Hy vọng Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng đến Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng sẽ được hiện thực hóa thông qua việc phát triển Lộ trình thực hiện Tuyên bố và sẽ được lồng ghép vào các kế hoạch hành động của các cơ quan chuyên ngành có liên quan như phúc lợi xã hội và phát triển, y tế, giáo dục, lao động…”, Thứ trưởng phát biểu.
Hành động thiết thực thực hiện Tuyên bố
Sau phần khai mạc, Hội nghị đã tập trung thảo luận về việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội thông qua việc xác định các hoạt động chuyên ngành tiềm năng, các vấn đề hiện tại và mới nổi, cũng như các khuyến nghị trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tư pháp, công tác xã hội và phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện UNICEF cho biết, nghề công tác xã hội đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên nhận thức của xã hội đối với nghề này còn thấp, đa phần coi đây là hoạt động từ thiện. Hiện mới chỉ có 3 nước có Luật về nghề công tác xã hội là Philippin, Thái Lan, Indonexia. Một số nước đã triển khai đào tạo nghề công tác xã hội tuy nhiên chất lượng chưa thống nhất.
Đại diện UNICEF khuyến nghị, Chính phủ các nước ASEAN cần có thống kê cụ thể về số liệu nhân lực làm công tác xã hội. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược quốc gia nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác xã hội. Trong đó quan tâm đến chương trình đào tạo về lực lượng làm công tác xã hội và có sự hỗ trợ trong khu vực về kỹ năng chuyên môn để phát triển đội ngũ này.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 3-4/12 theo hình thức trực tuyến
Góp ý về nội dung này, ông Hugh Salomon, Giám đốc liên minh lực lượng lao động thực hiện dịch vụ xã hội toàn cầu cho rằng, các nước cần những hành động cụ thể để tăng cường năng lực cho nhóm người làm công tác xã hội.
“Để xây dựng nguồn nhân lực nghề công tác xã hội cần áp dụng kinh nghiệm quốc tế và nhu cầu của quốc gia, tăng cường năng lực đào tạo cho những nơi có liên quan đồng thời phải cung cấp việc làm cho những người làm nghề này” ông Hugh Salomon cho biết.
Ông Kung Phoak, Phó Tổng thư ký ASEAN, Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN cũng nhìn nhận, đây là thời điểm phù hợp để thể hiện vai trò của công tác xã hội nhằm đảm bảo được phúc lợi cho tất cả mọi người đặc biệt là nhóm yếu thế.
“Các nước ASEAN cần coi công tác xã hội là trọng tâm để thực hiện những mục tiêu về xã hội, đảm bảo chất lượng cuộc sống, thúc đẩy an sinh xã hội cho nhóm yếu thế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đây là nỗ lực của các nước ASEAN để không ai bị bỏ lại phía sau” ông Kung Phoak nói.
Theo ông Kung Phoak, tăng cường công tác xã hội là một trong những đầu tư quan trọng và đem lại kết quả rất rõ ràng, thể hiện qua việc thông qua Tuyên bố Hà Nội. ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện hóa nội dung này thông qua việc hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, góp phần thúc đẩy phúc lợi của nhóm yếu thế, vượt qua khủng hoảng của bệnh dịch.
Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội sẽ được Việt Nam chủ trì, phối hợp với các nước thành viên ASEAN, Ban thư ký ASEAN và một số các Tổ chức quốc tế có liên quan triển khai xây dựng. Lộ trình sẽ bao gồm các chiến lược và hành động nhằm thực hiện các cam kết của Tuyên bố và sẽ được tham vấn rộng rãi các bên liên quan trong thời gian tới. Dự kiến Lộ trình thực hiện Tuyên bố sẽ được Hội nghị Cấp cao ASEAN thông qua vào năm 2021.
Trước những tác động của xã hội già hóa, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai và kể cả thảm họa do con người gây ra, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã chủ trì cùng Ban thư ký ASEAN và UNICEF xây dựng “Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.
Tuyên bố đã được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11 vừa qua. Với 11 dòng hành động trên cơ sở xem xét khả năng và nguồn lực của mỗi quốc gia thành viên, Tuyên bố có ý nghĩa quan trọng đối với các nước thành viên ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh ngành công tác xã hội hiện nay chưa đáp ứng được các nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, việc thông qua Tuyên bố là cam kết chính trị ở cấp cao nhất, góp phần thúc đẩy và nâng cao năng lực cho ngành công tác xã hội, qua đó đảm bảo an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững, khả năng cạnh tranh và tự cường của Cộng đồng ASEAN.
Hải An