28/06/2022 11:30:38

Truyền thông, mạng xã hội đang thúc đẩy mạnh mẽ tuyển sinh học nghề

Rất nhiều địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên cả nước đã nắm bắt xu thế, chuyển hướng các hoạt động truyền thông từ báo chí, truyền hình sang các nền tảng mạng xã hội, góp phần thu hút mạnh mẽ số lượng tuyển sinh học nghề.

Đại biểu từ hàng chục điểm cầu trên khắp cả nước tham gia hội nghị.

Đây là thông tin nổi bật tại Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác tuyển sinh và họp bàn các giải pháp cho năm 2022, do Tổng cục GDNN tổ chức ngày 28/6.

Luồng gió mới thay đổi nhận thức về học nghề

Báo cáo của Tổng cục GDNN cũng như tham luận của các đại biểu địa phương và cơ sở GDNN cho thấy, công tác tuyển sinh những năm gần đây có chuyển biến rõ rệt nhờ việc đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức về học nghề của học sinh.

Năm 2021, đối diện với nhiều đợt giãn cách xã hội bởi dịch bệnh Covid- 19, các cơ sở dạy nghề đã đặc biệt quan tâm tới công tác truyền thông, phối hợp cùng các cơ quan truyền báo chí trung ương và địa phương để chạy các chiến dịch truyền thông về tuyển sinh, tư vấn trực tuyến, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Twitter, Viber, Instagram, Zalo…).

Nhiều cơ sở GDNN chủ động và sáng tạo trong cách làm, trở thành điểm sáng đem lại kết quả tuyển sinh rất tốt như: CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, CĐ Cơ giới xây dựng, CĐ Công nghiệp Hà Nội, CĐ Cơ điện Hà Nội, CĐ Cơ điện – Xây dựng Bắc Ninh, CĐ Việt- Hàn Bắc Giang, CĐ Lý Tự Trọng, Cao đẳng Lào Cai…

Ông Hoàng Cao Đạt – Hiệu trưởng trường CĐ Lào Cai khẳng định: “Báo chí, truyền hình giờ chỉ có lãnh đạo xem. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn thay đổi phương thức, đẩy mạnh truyền thông trên Tik Tok, Facebook để dễ thu hút học sinh hơn. Truyền thông thực sự là luồng gió mới làm thay đổi nhận thức của xã hội, mang lại kết quả tuyển sinh gấp 3- 4 lần so với trước đây. Quy mô đào tạo của nhà trường hiện khoảng hơn 2.000 sinh viên mỗi năm ở các hệ đào tạo. Ở Lào Cai, đối với khu vực có nền kinh tế phát triển, người dân đã sớm nhận ra vai trò của GDNN và có tới 70% gia đình định hướng cho con em theo học nghề”.

Thầy Hoàng Quang Đạt (bên phải ảnh) – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết, truyền thông về tuyển sinh trên các nền tảng mạng xã hội đã góp phần thay đổi rõ rệt công tác tuyển sinh của nhà trường.

Còn tại Hải Dương, theo đại biểu Sở LĐ-TB&XH, ngoài đẩy mạnh phối hợp với Đài phát thanh truyền hình địa phương tuyên truyền các phóng sự về lĩnh vực GDNN, Hải Dương còn đẩy mạnh gắn kết GDNN với doanh nghiệp, tư vấn tuyển sinh gắn với việc làm dành cho các em học sinh khối lớp 9 và lớp 12.

Địa phương còn tổ chức xe đưa đón học sinh thăm quan trực tiếp các cơ sở GDNN trên địa bàn. Bởi vậy, kết quả phân luồng cho học sinh vào lớp 10 ở Hải Dương rất khả quan. Toàn tỉnh có trên 29 nghìn thí sinh tốt nghiệp lớp 9 thi lên lớp 10, nhưng chỉ có khoảng 25 nghìn thí sinh vào các trường hệ công lập và còn dư khoảng 4 nghìn học sinh để có thể phân luồng vào học trung cấp hệ thống GDNN.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh GDNN cũng là một trong những mô hình được Sở LĐ-TB&XH nhiều địa phương phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức, thu hút đông đảo học sinh các trường THCS, THPT tham gia, có thể kể đến các địa phương như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Yên Bái…

Cùng đó, một số địa phương đã mạnh dạn đưa ra các chính sách ưu đãi đặc thù đối nhằm thu hút người học như: chế độ học bổng; giảm hoặc miễn học phí ở các ngành nghề trọng điểm; cam kết việc làm, có thu nhập ngay khi chưa tốt nghiệp. Đơn cử như: Quảng Ninh với Nghị quyết 35/2021/NQ- HĐND; Bắc Ninh với Nghị quyết số 10/2021/NQ- HĐND; Vĩnh Phúc với Nghị quyết số 15/2020/NQ- HĐND…

Những chính sách này đang trở thành “đòn bẩy” hấp dẫn người học với chất lượng đầu vào tốt, hứa hẹn đào tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Cùng tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh

Mặc dù 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống GDNN cả nước đã tuyển được khoảng 920 chỉ tiêu, đạt khoảng 48% kế hoạch năm, nhưng theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình, công tác tuyển sinh vẫn còn nhiều khó khăn.

Phó tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình phát biểu tại hội nghị

Những tồn tại, khó khăn ảnh hưởng đến tuyển sinh GDNN vẫn là các yếu tố  đã được nhận diện qua nhiều năm như: tuyển sinh đại học dễ dàng với quy mô và số lượng lớn (luôn chiếm hơn 50% số lượng học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm), phương thức tuyển sinh vào đại học ngày càng phong phú, ngưỡng điểm đầu vào thấp; Các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp FDI) tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với số lượng lớn, cả với đối tượng tốt nghiệp THCS với mức lương hấp dẫn và nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn; Công tác phân luồng học sinh phổ thông vào học nghề chưa thực hiện tốt; Khó khăn về kinh tế chung khiến nhiều gia đình không đủ kinh phí để con em đi học mặc dù có nguyện vọng học nghề…

Bên cạnh đó, công tác tổ chức đào tạo GDNN cũng còn những khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho nhiều cơ sở đào tạo phải học trực tuyến, hoặc trực tuyến một phần, trong khi đặc thù của GDNN là thời lượng thực hành, thực tập sản xuất tại doanh nghiệp nhiều, dẫn đến một số trường hợp không đạt hiệu quả như mong muốn; Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, hoặc ngưng trệ sản xuất dẫn đến ảnh hưởng tới việc đưa học sinh tới doanh nghiệp thực tập; Việc giảng dạy văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT trong các cơ sở GDNN còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do hiện nay các trường vẫn phải liên kết với các trung tâm GDTX để thực hiện…

Vì vậy, theo Phó tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình, để đẩy mạnh công tác tuyển sinh trong thời gian tới, cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, hình ảnh của GDNN liên quan đến ngành, nghề đào tạo, vị trí việc làm; các quy định chính sách, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên; các hoạt động kết nối tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; xây dựng kênh thông tin kết nối giữa học sinh, sinh viên, người lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên mạng xã hội, cũng như có sự tương tác trực tiếp trong tư vấn tuyển sinh.

Vấn đề quản lý dữ liệu đảm bảo chính xác, minh bạch sự kết nối giữa học sinh, sinh viên với nhà trường; quản lý phần mềm cập nhật dữ liệu tuyển sinh ở các trường, quản lý dữ liệu đảm bảo sự đồng bộ thống nhất theo yêu cầu.

Vấn đề tuyển sinh và chất lượng đào tạo là sự sống còn của các cơ sở GDNN, vì vậy giải pháp quan trọng là củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo; thường xuyên cử giáo viên đi học nâng cao, đặc biệt là tiếp cận kỹ năng số. Mở rộng các mô hình đào tạo chuyển giao quốc tế, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là xây dựng thương hiệu cho các cơ sở GDNN có sức hút tuyển sinh, thu hút người học; kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp lớn cùng tham gia đào tạo.

Kết quả trong năm 2021, cả nước tuyển sinh được 2.030.440 người, đạt 85% so với kế hoạch đề. Bước sang năm 2022, với đà phục hồi sau dịch Covid- 19, 6 tháng đầu năm cả nước đã tuyển sinh được hơn 920 nghìn người (khoảng 48% kế hoạch năm, tăng hơn 5% so với cùng kỳ 2021). Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp được hơn 70 nghìn người, đạt khoảng 14% kế hoạch; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác khoảng 850 nghìn người, đạt khoảng 55% kế hoạch.

Bình Minh