Để cạnh tranh với các trường đại học, nhiều trường nghề đã đưa ra những chính sách ưu đãi về học phí, học bổng và cam kết có việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp…
Cam kết việc làm
Với thực tế khó tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp của các sinh viên đại học, thì cam kết 100% học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp mà các trường nghề đưa ra là thông tin hấp dẫn thu hút học viên tham gia đào tạo tại trường nghề.
Trong khi đó, trước mỗi khóa học, Trường cao đẳng Viễn Đông (TP.HCM) đều ký hợp đồng cam kết đảm bảo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nếu người học ra trường không có việc đúng ngành hoặc làm lương thấp, Trường cam kết hoàn trả học phí.
Theo TS. Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề TP.HCM, để thực hiện cam kết có việc làm cho học viên, Trường đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, biện pháp truyền thống nhiều năm gần đây là liên kết với các doanh nghiệp từ khi sinh viên bắt đầu vào học để đến kỳ cuối sinh viên tới thực tập. Thông thường, các học viên sau quá trình học tập đều được giữ lại tiếp tục làm việc.
TS. Tuyền cho biết, Trường cũng mở các ngày hội giới thiệu việc làm trong khoảng thời gian tốt nghiệp của học sinh, sinh viên để người học và doanh nghiệp có thể gặp nhau. Ngoài ra, ngay từ đầu năm học, một số doanh nghiệp đã đến phỏng vấn, trao tặng các suất học bổng cho học viên và cam kết gắn bó với họ sau khi hoàn thành chương trình học. Đặc biệt, Trường có bộ phận tư vấn tuyển sinh và giới thiệu việc làm cho sinh viên.
Ngoài cam kết việc làm, các trường còn đưa ra các hỗ trợ khác cho học viên trong quá trình đào tạo. Chẳng hạn, học viên của Trường cao đẳng Công nghệ Việt Xô số 1 (Vĩnh Phúc) được hưởng hàng loạt hỗ trợ như: người có hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Phúc được giảm 60% học phí; người tốt nghiệp THCS được miễn 100% học phí học nghề, được hỗ trợ 100.000 đồng/tháng nếu có hộ khẩu thường trú ở Vĩnh Phúc; nhà trường còn có xe đưa đón học viên hàng ngày…
Tại Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi), học sinh đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn 100% học phí, mỗi tháng được hưởng 100% mức tiền lương cơ sở. Học sinh ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, học sinh tốt nghiệp THPT tại các trường dân tộc nội trú được giảm 70% học phí, mỗi tháng hưởng 80% mức lương cơ sở. Ngoài ra, học viên của nhà trường còn được đưa đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.
Đón đầu xu thế
Không chỉ đưa ra các cam kết để hút thí sinh tham dự các khóa học nghề trong nước, hiện nhiều cơ sở đào tạo còn chiêu sinh học nghề tại các quốc gia pháp triển như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tuyển sinh học viên sang học nghề tại Đức, Trường cao đẳng Nghề công nghệ Bách khoa Hà Nội có ưu đãi như: miễn 100% học phí cho quá trình đào tạo nghề 3 năm tại Đức; hưởng lương đào tạo cao từ 500 – 1.200 euro/ tháng (tùy nghề); sau khi tốt nghiệp, mức lương là 2.500 euro/ tháng; làm thêm ngoài giờ tối đa 20 giờ/tuần với mức thu nhập hấp dẫn từ 500 -700 euro/ tháng.
Đặc biệt, Trường cao đẳng Nghề công nghệ Bách khoa Hà Nội còn cam kết đảm bảo 100% học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, được hưởng chế độ lao động như người Đức, thu nhập tối thiểu 3.500 euro/tháng và cơ hội định cư lâu dài. Được biết, du học nghề Đức được nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn, đăng ký tham gia ở các ngành nghề: điều dưỡng; du lịch; nhà hàng; khách sạn; đầu bếp; cơ khí; điện tử; xây dựng…
Không chỉ đưa ra các ưu đãi, mà những năm gần đây, hệ thống trường nghề liên tục mở các ngành mới, đón đầu xu thế, đáp ứng nhu cầu người học. Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội mở ngành mới là thương mại điện tử và 3 chương trình chất lượng cao: cơ điện tử, thiết kế đồ họa, điện tử công nghiệp nhằm phục vụ xu hướng thị trường việc làm trong nước và các ngành ngôn ngữ (Tiếng Nhật, Hàn, Đức) tạo điều kiện cho sinh viên học xong có thể làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài.
Năm 2021, Trường cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang tuyển sinh thêm 3 ngành đào tạo mới ở hệ cao đẳng chính quy là kỹ thuật xây dựng, điện công nghiệp và công nghệ ô tô. Trường cao đẳng Luật miền Nam, sau khi được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng, mở thêm 2 mã ngành mới là cao đẳng pháp luật về quản lý hành chính công và cao đẳng dịch vụ pháp lý.
Trường cao đẳng Viễn Đông sẽ mở thêm ngành hộ sinh và quản trị cơ sở dữ liệu. Theo lý giải của đại diện nhà trường, ngày nay, quản trị cơ sở dữ liệu cần thiết cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội và phù hợp với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Ở cấp độ thấp như quản trị văn phòng, cũng cần những hiểu biết và kỹ năng về dữ liệu và số hóa dữ liệu.
Tương tự, Trường cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM dự kiến mở thêm 7 ngành mới với 280 chỉ tiêu, gồm các ngành logistics, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, quản trị khách sạn, bảo trì và sửa chữa khung vỏ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều khiển không khí, chế tạo khuôn mẫu, điện tử công nghiệp. Với bậc trung cấp, Trường tuyển 800 chỉ tiêu cho 13 ngành khác nhau.
Thiết nghĩ, những giải pháp mà nhiều trường nghề đang đưa ra là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, song gốc rễ để thu hút người học vẫn là chất lượng đào tạo của ngôi trường ấy.
Theo ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, năm nay, Trường tuyển sinh thêm ngành mới là logistics chuyên về hàng không. Bên cạnh đó, Trường tuyển sinh thêm 4 nghề theo tiêu chuẩn Đức, trong đó có các nghề tích hợp yếu tố cách mạng công nghiệp 4.0 và yếu tố xanh.
Theo Baodautu.vn