Trung tâm DV-VL Hà Nội đã có sáng kiến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm, đạt những hiệu quả tích cực nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho NLĐ.
Trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, bên cạnh việc tích cực, khẩn trương hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức… thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước là một khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính nhằm thiết lập một nền hành chính năng động, trách nhiệm, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
Trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý đã và đang được triển khai tích cực, bước đầu đem lại một số kết quả tích cực, cụ thể:
Thứ nhất, Thành lập Tổ Công nghệ thông tin theo Quyết định số 333/QĐ-TTDVVL ngày 23/7/2019 của Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động đơn vị cũng như tăng cường công tác quản lý, quản trị các hoạt động công nghệ thông tin.
Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ điều hành nội bộ: Rà soát, cấp tài khoản thư điện tử công vụ cho các cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm, thường xuyên sử dụng hòm thư điện tử chính thức để trao đổi thông tin, tài liệu qua mạng và hệ thông quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc. Việc triển khai hệ thống này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Với 05 phòng chuyên môn và 01 phòng chức năng, Trung tâm đã tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động phần mềm quản lý điều hành nội bộ các công tác của Trung tâm. Tiến hành hệ thống hóa, sát nhập và bổ sung một số chức năng hướng đến một phần mềm có thể xử lý các nghiệp vụ của hầu hết các hoạt động như Bảo hiểm thất nghiệp, Tư vấn – Giới thiệu việc làm, Thông tin thị trường lao động, Đào tạo nghề. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ, tăng tỷ lệ kết nối cung – cầu, đồng bộ dữ liệu từ các phòng chuyên môn, phần mềm đã dần từng bước phát huy và bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người lao động và doanh nghiệp: Bên cạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, một kênh thông tin quan trọng khác góp phần kết nối cung – cầu lao động đó là quản lý và duy trì hoạt động website “vieclamhanoi.net”. Việc đăng tải các thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như thông tin của người lao động lên website, các hoạt động của hệ thống Sàn Giao dịch việc làm sẽ đến được với lượng lớn những đối tượng đang có nhu cầu. Trung tâm cũng đã lắp đặt hệ thống các máy tra cứu được đặt tại các phiên Giao dịch việc làm: Người sử dụng có thể tra cứu online các bản tin, thông tin, website… thông qua cổng tra cứu hiện đại. Với kho lưu trữ và thông tin chính xác, hiệu quả, người lao động cũng như doanh nghiệp có thể tiếp cận với cơ sở dữ liệu của hệ thống Sàn, tự mình tìm hiểu các thông tin thị trường lao động.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, số người lao động đến Trung tâm đăng ký hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh, Trung tâm đã thí điểm đăng ký, lấy số online để nhằm hỗ trợ người lao động khi đến giải quyết bảo hiểm thất nghiệp mà hết số lấy trực tiếp.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, quản trị, lưu trữ và khai thác cơ sở dữ liệu: Thực hiện tổng hợp và quản lý dữ liệu của 30 quận/huyện trên hệ thống máy chủ; Tiến hành hiệu đính, chỉnh sửa số liệu cơ sở dữ liệu hàng năm; Tổ chức kết chuyển kết quả cập nhật hàng năm của Thành phố Hà Nội vào cơ sở dữ liệu quốc gia.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phát triển công nghệ thông tin là một trong những giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính và là công cụ quan trọng trong việc thực hiện cải cách hành chính. Với mong muốn tạo nên sự công bằng, minh bạch và hiệu quả, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính còn được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm được xem là giải pháp triển vọng giúp mở rộng cơ hội người tìm việc, việc tìm người cũng như nâng cao hiệu suất giải quyết công việc nghiệp vụ.
Thanh Thúy (T/h)