06/06/2023 6:28:00

Trung cấp Việt Giao tổ chức chuyên đề : “Đào tạo GDNN & hướng nghiệp trong thời đại 4.0”

Buổi sinh hoạt hướng tới việc tạo điều kiện trao đổi, gặp gỡ các trường Trung cấp trong khối thi đua 08, đồng thời hỗ trợ công tác đào tạo và hoạt động hướng nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số trong môi trường giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Từ đó đề ra những phương án tuyển sinh và truyền thông hiệu quả cho năm học 2023 – 2024.

Các đại diện Ban tổ chức buổi chuyên đề về Đào tạo GDNN & Hướng nghiệp trong thời đại 4.0

Đây là nội dung chính của buổi sinh hoạt chuyên đề “Đào tạo GDNN & Hướng nghiệp trong thời đại 4.0” do trường Trung cấp Việt Giao tổ chức sáng 6/6/2023 tại địa chỉ 193 Vĩnh Viễn, P4, Q10, TP.HCM nhằm thay đổi tư duy và cách tiếp cận về mô hình Trung Cấp. Buổi chuyên đề có sự tham gia của đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM; đại diện các trường Trung cấp trong khối thi đua 8; các chuyên gia về nguồn nhân lực; giáo viên, giảng viên trường Trung cấp Việt Giao cùng đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông tham dự đưa tin về sự kiện.

Quyết định số 18/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ Trung cấp (TC), Cao đẳng (CĐ), với trình độ Đại học (ĐH). Quy chế liên thông lên ĐH năm 2023 điều chỉnh 1 số nội dung nhằm khắc phục khó khăn và bất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở đào tạo; hoàn thiện chính sách về tuyển sinh với tiêu chí đảm bảo khách quan, công bằng giữa các thí sinh.

Cụ thể, học liên thông ĐH dành cho các đối tượng sinh viên hệ CĐ và TC có cơ hội nâng cao trình độ và vẫn được cấp bằng ĐH sau khi hoàn thành chương trình liên thông (Quy định mới của Bộ GD&ĐT, bằng ĐH vừa học vừa làm có giá trị ngang bằng với bằng ĐH chính quy. Tuy hình thức đào tạo và thời gian học khác nhau, nhưng 2 loại bằng cấp này ngang nhau về giá trị).

Ths Trần Phương, Hiệu trưởng trường Trung cấp Việt Giao phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề

Phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề, Ths Trần Phương, Hiệu trưởng trường Trung cấp Việt Giao cho biết: “Trường Trung cấp không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội. Mục tiêu đào tạo nghề không chỉ giúp phát huy năng lực của học viên sinh viên mà còn là những kỹ năng phát triển và tự phát triển bản thân. Người học sau khi tốt nghiệp sẽ có tư duy sáng tạo nhạy bén, dễ dàng tiếp cận với nền kỹ thuật hiện đại cũng như đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cao của xã hội. Trung cấp Việt Giao không đóng khung trong các bức tường của giảng đường, lớp học hay phòng thực hành, mà đã mở rộng kết hợp với các doanh nghiệp và thị trường lao động để trở thành 1 hệ sinh thái giáo dục. Góp phần cơ cấu ngành nghề, tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao cả lý thuyết lẫn thực hành và phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước”.

Buổi sinh hoạt đã đưa ra những đề xuất, phương án giải bài toán hóc búa của ngành GDNN thời gian như: Cơ hội hướng đi cho học sinh tốt nghiệp TC liên thông lên ĐH chính quy; Công tác giảng dạy Nghề ở Việt Nam trong thời đại mới; Cơ hội cho các HSSV tốt nghiệp Trung cấp có công việc đạt thu nhập cao; Một số kỹ năng quản trị cơ sở GDNN; Marketing và truyền thông trong công tác tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh; Thế nào là chuyển đổi số trong cơ sở GDNN;…

Điểm đầu tiên mà buổi sinh hoạt chuyên môn đề cập đến đó là sự thay đổi về tư tưởng người dạy và người học, cách dạy và cách học trong thời đại mới. Điều này rất quan trọng đối với tác động của nền giáo dục 4.0 đang phát triển rất mạnh mẽ hiện nay.

Theo đó, Hướng nghiệp và phân luồng giáo dục cần bám sát:

  • Phù hợp với năng lực, sử trường, nguyện vọng, hoàn cảnh và đặc điểm tâm sinh lý của HS-SV, tạo điều kiện tốt nhất cho họ tiếp tục học tập đạt hiệu quả cao.
  • Phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi về nhân lực của xã hội, của nền kinh tế, góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo nhân lực. Đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nhân lực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới giáo dục qua mọi thời kỳ.
  • Tạo điều kiện cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập.

Có thể nhận thấy hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục (GD) là biện pháp tổ chức hoạt động GD trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục có cơ hội học ở trình độ cao hơn. Có thể tiếp tục học nâng cao về GDNN hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện bản thân và nhu cầu thực tế xã hội.

Được biết, tình hình lao động, việc làm quý 1/ 2023 phục hồi tích cực, lực lượng lao động, số người có việc làm với thu nhập bình quân tháng của lao động tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1 năm nay là 2.25%, giảm 0,21% so với cùng kỳ). Tại TP.HCM trong 4 tháng đầu năm  đã giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn lao động, đạt 36,2% kế hoạch năm.

Chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, chị Đoàn Tường Vy, Giám đốc vận hành toàn quốc công ty JOD Việt Nam (Nền tảng việc làm thời vụ) cho biết, yêu cầu về nhân lực có chuyên môn chất lượng đang là lựa chọn đầu tiên của doanh nghiệp. Bằng cấp là yếu tố xem xét mức lương nhưng không quyết định về công việc lâu dài.

Theo chuyên gia có hơn 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dự báo nguồn nhân lực ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội GDNN Tp.HCM, Giám đốc Dự báo nguồn nhân lực – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo kinh tế Quốc tế chia sẻ:

Xu hướng phát triển của thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới sẽ nổi nên 4 xu hướng phát triển chủ yếu: Gia tăng số lượng lao động trên nền tảng công nghệ; Chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; Lao động giản đơn trở nên thiết yếu; Xu hướng lao động “phi chính thức” gia tăng. Xu hướng trên bắt nguồn từ sự dịch chuyển sang thời kỳ chuyển đổi số và sẽ trở thành xu thế chủ đạo hiện nay”.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội GDNN Tp.HCM phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Đào tạo GDNN & Hướng nghiệp trong thời đại 4.0”

Có thể hiểu được rằng, dù học cấp hay bậc nào, tất cả HS-SV đều phải bước vào thị trường lao động.Mỗi người phải làm sao để có một giá trị hành nghề, giá trị năng lực thì mới thành công. Yếu tố quyết định thành công của con người trong thị trường lao động là mỗi người phải làm sao đưa bằng cấp của mình học tập trở thành kỹ năng nghề nghiệp. Việc không cần bằng cấp chỉ cần giỏi nghề là thành công đã không còn hợp lý kể cả trước đây việc học các nghề lặt vặt, nghề truyền nghề vẫn có thể thành côngnhưng với việc phát triển vũ bão của xu thế mới thì những công việc trên sẽ bị lỗi thời, tụt hậu với thời đại.

Hiện nay, tiếp cận công nghệ, tiếp cận tri thức bắt buộc chúng ta muốn thành công thì phải bước qua hệ đào tạo của các trường. Phải tiếp cận được tri thức của nhân loại, tri thức của ngành nghề đó rồimới là chuyển đổi thành kỹ năng đi đến thành công. Đừng hiểu sai giữa bằng cấp và nghề nghiệp, đừng hiểu sai giữa bằng cấp và giá trị của thị trường lao động đó là hai yếu tố kết hợp và hòa quyện bởi vì học tập là suốt đời và là điều kiện để thăng tiến. Trong quá trình học tập suốt đời mỗi người phải biết phát triển những năng khiếu bẩm sinh đồng thời phải tập luyện để có những năng lực mới, đòi hỏi sự nỗ lực hàng ngày. Nếu kiên trì học tập con người sẽ có được những niềm vui của sự khám phá.”, ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm.

Hiện nay có ba hình thức đào tạo liên thông đó là: Đào tạo chính quy; Đào tạo hệ vừa làm vừa học; Đào tạo hệ từ xa. Việc chọn đúng trường đúng ngành để theo học liên thông Đại học sẽ giúp các bạn sinh viên Trung cấp, Cao đẳng có thêm nhiều cơ hội thành công hơn trong tương lai. Tóm lại, hiện nay quá trình chuyển đổi số đang là thách thức lớn cho nguồn nhân lực chất lượng để đảm đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập điều đó đặt ra cho những yêu cầu trong đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực…Tuy nhiên đây cũng là một cơ hội và thách thức cho sự phát triển về xu hướng nghề nghiệp trong hiện tại và tương lai.

Quang Trung