19/11/2021 4:47:20

Trung cấp Nguyễn Tất Thành – Khởi đà thành công cho nhiều thế hệ học sinh nghèo

Tại Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (NTT – thuộc hệ thống giáo dục Đại học Nguyễn Tất Thành), mỗi giảng viên là một tác nhân truyền cảm hứng, động lực học tập cho các HSSV, mà đa phần trong số đó là con em công nhân, người lao động nghèo, hỗ trợ các em định hướng tương lai, tìm kiếm việc làm ổn định.

Không có học sinh yếu, chỉ là chưa khơi dậy đúng tiềm năng

Là trường tư thục khá non trẻ với hơn 14 năm xây dựng và phát triển, Trung cấp Nguyễn Tất Thành phải hoàn toàn tự chủ, nỗ lực phát triển bởi một động lực duy nhất là tình yêu với giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Đa phần học sinh đến với Trung cấp Nguyễn Tất Thành là học sinh tốt nghiệp THCS, con em gia đình công nhân, người lao động nghèo ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, được gia đình “gửi gắm” vào trường với mong muốn các em được học nghề để có thể đi làm sớm, có thu nhập lo cho bản thân và phụ giúp gia đình.

Vì vậy, phần nhiều các em chỉ đăng ký học chuyên môn nghề mà không đăng ký học thêm 4 môn văn hóa (để sau này đủ điều kiện học liên thông lên hệ Cao đẳng). Ngay bản thân nhiều phụ huynh cũng không kỳ vọng vào việc các em học liên thông lên Cao đẳng mà chỉ đơn giản muốn trang bị cho các em một nghề để làm việc là đủ.

Học sinh thực hành nghề Chăm sóc sắc đẹp tại Trung cấp Nguyễn Tất Thành

Thực tế giảng dạy ở trường cũng cho thấy, việc học thêm 4 môn văn hóa cũng là rào cản đối với một số học sinh nhưng lại không đồng nghĩa với việc các em cũng yếu trong học kỹ năng nghề. Thậm chí, nhiều em học yếu các môn văn hóa nhưng lại phát huy tố chất khi học nghề rất tốt. Theo Th.s – Hiệu trưởng Hoàng Quốc Long, nhà trường đã từng làm các bài kiểm tra, đánh giá và so sánh giữa học sinh có học lực văn hóa khá và học sinh học lực yếu. Ngạc nhiên là chính các em không nổi trội năng lực học văn hóa lại có năng lực lĩnh hội kỹ năng học nghề tốt hơn nhiều. “Có những học sinh mà cả giáo viên và gia đình đều cảm thấy thất vọng vì chậm tiếp thu khi học văn hóa, nhưng qua kiểm tra thì chính em học sinh đó lại thực hiện các kỹ năng về kìm bấm dây trong nghề lắp cáp mạng thông tin rất sắc nét, dây nào ra dây đấy”, thầy Long chia sẻ.

Từ thực tế đó, Hiệu trưởng Hoàng Quốc Long khẳng định: “Khái niệm thông minh không chỉ đánh giá một chiều là các em có khả năng học Toán, Lý, Hóa giỏi. Mỗi học sinh đều có những tố chất tiềm ẩn bên trong, cần có những giảng viên giỏi để có thể phát hiện ra tiềm năng ấy, để tư vấn, định hướng phù hợp nghề nghiệp phù hợp cho các em sau này.

Tác động của cha mẹ chọn nghề tương lai cho con, mong muốn con em mình học theo những điều mình cho là đúng sẽ không hẳn là đúng. Bởi ngành nghề không phù hợp với tố chất sẽ dẫn đến hệ quả là mất thời gian để chuyển đổi nghề nghiệp.

Tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới tổ chức ở Cộng hòa liên bang Đức năm 2013, Ban tổ chức đã cho các em học sinh cấp Tiểu học, THCS tham quan cuộc thi và quan sát rất kỹ các em trong suốt hành trình. Qua đó  nhận thấy, em nào chăm chú quan sát các thí sinh thi sẽ có kết quả bài kiểm tra, đánh giá năng lực sau đó rất tốt. Trên cơ sở đó, tư vấn, trao đổi với các phụ huynh để định hướng sớm nghề nghiệp cho con em họ. Đó là sự khác biệt trong định hướng giáo dục ở các nước phát triển, hiện đại mà chúng ta nên tìm hiểu và học tập”.

Thành công đến sớm hơn khi học nghề

Theo thầy Long, không phải học sinh nào theo học nghề cũng đạt tới nấc thang thành công, nhưng không thể phủ nhận những giá trị mà học nghề mang lại. Thành công lớn từ học nghề chỉ dành cho những em thực sự có đam mê nghề nghiệp, thích học và trải nghiệm thực hành.

Chẳng hạn, sau khi học có kiến thức và trở về nhà sẽ khắc phục, sửa chữa được các hệ thống điều hòa, tủ lạnh, máy móc…ngay trong gia đình, hoặc có thể đi làm thêm và có thu nhập từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Chất xúc tác làm nên kỹ năng nghề nghiệp và trở thành người thợ giỏi bao giờ cũng được chắt chiu từ những điều như thế, cũng như  tần suất thực hành, rút kinh nghiệm từ sự chỉ bảo, dẫn dắt của giảng viên.

Thay vì mất 3 năm học văn hóa tại trường THPT, học Trung cấp học sinh cũng chỉ mất 3 năm đã có nghề trong tay và tự tin bước vào thị trường lao động, tự nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Nhiều em có thể tự tạo việc làm cho mình bằng cách mở các cơ sở dịch vụ về lắp đặt, sửa chữa đồ điện tử, thiết kế thời trang, làm đẹp… “Học nghề giỏi thì luôn có cơ hội khởi nghiệp, làm giàu. Tất nhiên, phải có sự tính toán và quyết tâm mới có thể thành công”- Hiệu trưởng Hoàng Quốc Long nhấn mạnh.

Thạc sĩ Thái Thủy Chung – Giảng viên khoa Kinh tế chia sẻ: “Đội ngũ giảng viên của nhà trường là những người bạn đồng hành cùng các học trò của mình, trước hết là dành cho các em sự cảm thông, chia sẻ tình yêu thương bởi các em đều có hoàn cảnh khó khăn, là con em người lao động vất vả nên gia đình ít có thời gian dành cho con cái. Cùng đó, là xây dựng cho các em niềm tin vững chắc vào lựa chọn học nghề và tìm kiếm việc làm với thu nhập ổn định. Để có được thành công, thái độ của học sinh là điều quan trọng, mà sự kiên trì theo đuổi đam mê và ý chí quyết tâm là điều mà nhiều học sinh nghèo ở trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành không bao giờ thiếu”.

Cựu học sinh Nguyễn Tiến Đạt ( phải ) và Thầy giáo Mai Hoàng Lộc được nhà trường giữ lại làm việc

Rất nhiều cựu học sinh của nhà trường đã thành công, đây cũng là một phần động lực cho các thế hệ học sinh thế hệ đi sau tiếp nối con đường học nghề. Có thể kể đến một số tấm gương tiêu biểu như: Cựu học sinh Nguyễn Tiến Đạt (nghề Quản trị mạng máy tính) đạt chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc năm 2020 và được giữ lại trường làm việc. Đạt cũng đang học liên thông lên Cao đẳng ngành An ninh mạng và nhận “không hết việc” cho các dự án lắp đặt hệ thống mạng LAN- wifi, camera.

Cựu học sinh Nguyễn Công Thiện, ngành Tin học ứng dụng, đạt giải Ba nghề Cáp mạng thông tin tại Kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018 và hiện tại là nhân viên phát triển thị trường – Công ty cổ phần Thế giới di động.

Cựu học sinh Quản Thị Như Ý hiện đã là GĐ điều hành Cty TNHH Thương mại dịch vụ May Phương Nam

Cựu học sinh Quảng Thị Như Ý, ngành Công nghệ May thời trang đạt giải khuyến khích Kỳ thi tay nghề TP.HCM và chứng chỉ xuất sắc Kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018. Hiện nay Như Ý đã là Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ May Phương Nam, tạo việc làm cho rất nhiều lao động.

Cựu học sinh Phạm Hải Ngân ngành Tạo mẫu và Chăm sóc sắc đẹp, từng lọt Top 10 cuộc thi Cây cọ vàng năm 2018; tham gia cuộc thi thẩm mỹ quốc tế IBC và đạt nhiều giải thưởng, ấn tượng là đạt giải Á quân toàn năng. Ngân đã tự khởi nghiệp và hiện là chủ tiệm spa Lynna Beauty chuyên về Nails – Make Up – Spa – Phun xăm.

  Hiệu trưởng Hoàng Quốc Long và cựu học sinh Phạm Hải Ngân, nghề Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp hiện đã là chủ tiệm spa Lynna Beauty.

Ngân chia sẻ: “Học nghề Chăm sóc sắc đẹp tại Trung cấp Nguyễn Tất Thành đã mang lại cho em một kỹ năng nghề tuyệt vời, với sự hỗ trợ của gia đình và một phần vốn dành dụm từ việc đi làm thêm từ khi đi học, em đã mạnh dạn khởi nghiệp. Trải qua những khó khăn ban đầu, bằng sự quyết tâm và nỗ lực hiện Spa của em đã ổn định với lượng khách hàng thân thiết. Vậy nên, các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ yêu thích nghề làm đẹp đừng ngại để biến ước mơ của mình thành hiện thực”.

Thu Thủy