Trump khó lường
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Trump sẽ có màn đối đầu gay gắt với đối thủ vào 29/9, như sự kiện tương tự năm 2016, theo các chuyên gia.
Tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa Trump và Biden sẽ diễn ra vào ngày 29/9 tại Cleveland, Ohio. 6 chủ đề chính là hồ sơ của Trump và Biden, Tòa án Tối cao, kinh tế, đại dịch Covid-19, vấn đề chủng tộc và bạo lực ở các thành phố, và tính toàn vẹn của bầu cử. Các ứng viên có 15 phút để tranh luận về mỗi chủ đề trong sự kiện kéo dài 90 phút. Hai tranh luận tiếp theo dự kiến được tổ chức vào 15/10 và 20/10. Do Covid-19, các cuộc tranh luận năm nay có thể quan trọng hơn so với các năm trước đó vì ứng viên có ít cơ hội tham gia các sự kiện vận động trực tiếp hơn.
Vào ngày 27/9/2016, hai ứng viên tổng thống Mỹ Clinton và Trump tranh cãi nảy lửa trong hàng loạt vấn đề từ nhà đất, thương mại, đến cuộc chiến chống khủng bố trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên.
Giáo sư Beck đánh giá bầu cử cách đây 4 năm không mang tính cạnh tranh cao như hiện nay, khi bà Clinton được cho là có lợi thế vượt trội. Sức hấp dẫn của “cuộc chạm trán” đầu tiên giữa Trump và Clinton được cho là do “sự khó lường” của Trump, một tỷ phú chưa từng có kinh nghiệm trên chính trường. CNN ước tính khoảng 100 triệu người Mỹ theo dõi cuộc tranh luận trên truyền hình, điện thoại di động và mạng xã hội.
Năm nay phần lớn các cuộc thăm dò cho thấy đại diện đảng Dân chủ Biden dẫn trước Trump. Giữa tháng 9, cơ hội chiến thắng trung bình của Biden là gần 82%, trong khi khả năng tái đắc cử của Trump gần 18%, theo 7 mô hình dự báo khác nhau. Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra thận trọng trong đoán định kết quả cuối cùng, vì một ứng viên có đa số phiếu phổ thông cũng không chắc trúng cử, mà phụ thuộc vào số phiếu đại cử tri. Điều này đã xảy ra trong bầu cử 2016.
Về phía Trump, ông mất nhiều lợi thế để tái đắc cử khi đối diện với thách thức lớn: đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm. Mỹ đến nay vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận hơn 7,3 triệu ca nhiễm, hơn 200.000 người chết. Covid-19 đẩy nhiều người Mỹ lâm vào cảnh thất nghiệp, phá hủy nhiều thành tích kinh tế Trump đã tạo dựng trong 4 năm cầm quyền. Tuy nhiên, gần đây có một số dấu hiệu cho thấy Trump đang “lội ngược dòng trước Biden”, trong đó có tỷ lệ người muốn bỏ phiếu cho Trump ở 6 bang chiến trường, nơi thường định đoạt thành bại bầu cử, gia tăng từ tháng 7 tới đầu tháng 9.
Sự phân cực cao độ giữa phe Dân chủ và phe Cộng hòa sẽ ảnh hưởng mạnh đến màn thể hiện của hai ứng viên tổng thống, theo giáo sư Beck. Trump và Biden sẽ nỗ lực “lấy lòng” những người ủng hộ trung thành của mình, với phong cách hoàn toàn khác nhau. Trump sẽ tập trung vào tấn công cá nhân Biden, còn đại diện đảng Dân chủ sẽ xoáy vào chỉ trích các chính sách của Tổng thống đương nhiệm.
Trên thực tế, Trump, 74 tuổi, thường xuyên chỉ trích Biden, người sẽ 78 tuổi vào tháng 11 tới, là “quá già” và không đáp ứng yêu cầu cả về thể chất lẫn tinh thần để lãnh đạo nước Mỹ. Ông nhiều lần đưa ra suy đoán rằng Biden có thể sử dụng một loại chất kích thích nào đó để tăng hiệu suất, khả năng làm việc nhưng không có bằng chứng cụ thể. Trump hôm 27/9 đăng lên Twitter yêu cầu Biden xét nghiệm chất kích thích trước hoặc sau buổi tranh luận đầu tiên ngày 29/9. Ông cũng đồng ý làm điều tương tự.
Theo Beck, Trump sẽ đưa ra những đánh giá “phóng đại” về thành tích trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, miêu tả Biden là một người theo cánh tả một cách cực đoan. Trong khi đó, Biden sẽ tập trung vào phân tích các chính sách và thể hiện là một hình mẫu tổng thống truyền thống.
Giáo sư David Schultz, Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Hamline, Mỹ, cũng dự đoán Tổng thống đương nhiệm sẽ đổ lỗi cho Biden và phong trào biểu tình “Mạng sống người da màu quan trọng” về tình trạng bạo lực ở nhiều nơi. Từ tháng 5, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và phản đối bạo lực cảnh sát lan rộng khắp nước Mỹ, dẫn đến những vụ bạo lực và cướp phá. Trump cũng sẽ nhắc lại khả năng Mỹ sớm có vaccine ngăn Covid-19 và các vấn đề kinh tế, tạo ấn tượng Biden “không biết gì” về các vấn đề này.
Schultz trông đợi Biden tập trung vào tác động của Covid-19 với nền kinh tế Mỹ, về hơn 200.000 ca tử vong do nCoV và về cá tính của Trump trong bầu cử.
“Biden sẽ hướng tới cả người ủng hộ trung thành và cả cử tri dao động, những người không thích Trump để lôi kéo họ”, Schultz nói. Ông lưu ý tranh luận năm nay không có yếu tố “giới tính” như năm 2016, khi Trump có những hành động bị cho là đe dọa ứng viên nữ Clinton.
Giáo sư Helmut Norpoth, Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Stony Brook cho biết Biden là ứng viên cao tuổi nhất tham gia tranh luận tổng thống Mỹ. Do đó, Biden không chỉ phải trải qua cuộc thử nghiệm về độ nhạy bén trong tư duy, mà còn phải đối diện với một loạt câu hỏi đến từ mạng lưới “không thân thiện” với phe Dân chủ.
Đoán định kết quả năm nay, giáo sư Beck cho rằng nếu bầu cử là cuộc trưng cầu dân ý với Trump, ông sẽ thua.
“Tuy nhiên, nếu Trump có thể biến bầu cử trở thành sự lựa chọn giữa các tầm nhìn khác nhau cho nước Mỹ, ông có thể chiến thắng”, Beck nói.
Chiến lược của Joe Biden
Đảng Dân chủ và những người ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Joe Biden hy vọng chiến thắng của cựu phó tổng thống trong cuộc chạm trán với nghị sĩ Paul Ryan hồi năm 2012 sẽ lặp lại trong cuộc tranh luận với Tổng thống Donald Trump vào ngày 29/9 tại Ohio.
Cuộc tranh luận giữa hai ông Biden và Ryan lúc đó đã giúp chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Barack Obama xoay chuyển tình thế. Chỉ cần hỏi bất kỳ chiến lược gia nào của đảng Dân chủ, họ cũng sẽ thừa nhận rằng màn đối đáp của ông Obama trước đối thủ Mitt Romney trong cuộc tranh luận đầu tiên còn nhiều thiếu sót.
Tad Devine, người điều hành chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, nhận định: “Màn trình diễn của ông Obama không tốt. Ông Biden đã bước lên đối đấu với Ryan và ông ấy thật dữ dội. Đâu ra đấy. Lèo lái, làm chủ cuộc tranh luận, và kịp thời ‘cầm máu’ cho chiến dịch”.
Các nhân viên của chiến dịch tái tranh cử thường so sánh sự đối lập giữa cuộc tranh luận đầu tiên với cuộc tranh luận cấp phó tổng thống.
“Ông Obama đã làm tình hình đảo lộn từ cuộc tranh luận đầu tiên, khiến ông Biden chịu áp lực phải thể hiện thật tốt, và ông ấy đã thành công. Tôi nghĩ ông ấy đã hạ knock-out đối thủ”, một cố vấn hàng đầu của chiến dịch tái tranh cử nhớ lại.
Giờ đây, số người đánh cược vào màn thể hiện của ông Biden cao hơn rất nhiều, khi ông là đại diện của đảng Dân chủ đối đầu với nhân vật vốn nổi tiếng thất thường trong cuộc bầu cử quan trọng mà cả thế giới đang theo dõi.
Ông Trump hầu như không chuẩn bị gì rõ rệt cho các cuộc tranh luận với bà Hillary Clinton vào năm 2016, nhưng ông đã lên sân khấu và cạnh tranh đơn thuần bằng bản sắc của mình, thay vì bất kỳ cam kết chính sách rõ ràng nào.
Tuy nhiên, phát biểu với Fox & Friends trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 27/9, Tổng thống Trump cho biết ông đang chuẩn bị cho cuộc tranh luận với đối thủ Biden mỗi ngày.
“Khi là tổng thống, bạn sẽ thấy mọi thứ mà họ sẽ hỏi”, ông nói. “Và họ có thể không đồng ý, nhưng chúng ta đã làm rất tốt. Chúng ta đã tạo nên nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử. Và bây giờ sự vĩ đại đó đang trở lại. Chúng ta đã phải tạm đóng cửa nền kinh tế. Chúng ta đã cứu hàng triệu triệu sinh mạng bằng cách làm những gì tôi đã làm. Và bây giờ chúng ta đang đưa nền kinh tế trở lại”.
Bill Daley, cựu chánh văn phòng của ông Obama, người cũng đã tư vấn cho ông Biden trong một trong những cuộc đua vào Nhà Trắng trước đó của ông, nói với Guardian rằng cuộc tranh luận đầu tiên “gần như sẽ định hình toàn bộ cuộc đua vì chúng ta có một đất nước phân cực, mọi người đều biết họ sẽ bỏ phiếu cho ai, trừ một nhóm nhỏ sẽ xem cuộc tranh luận đầu tiên để quyết định”.
Ông Biden, trong cuộc tranh luận với nghị sĩ Ryan vào năm 2012, đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Ông tràn đầy năng lượng và hiểu biết về chính sách. Và ông đã không “lỡ lời” điều gì. Khi nghị sĩ Ryan liệt kê số liệu hoặc đưa ra những lý luận được chuẩn bị cẩn thận, ông Biden chuyển đổi linh hoạt giữa thái độ nghiêm túc đến mức hà khắc và những cú đảo mắt bực bội. Sau 7 phút, ông Biden thốt lên câu nói thương hiệu của mình – “Malarkey!” (tạm dịch: Vớ vẩn!) – để cắt ngang một nhận xét của ông Ryan.
“Không một điều gì anh ta nói là chính xác”, ông Biden nói với một nụ cười kiên quyết, sau đó tiếp tục kể chi tiết việc ông Ryan, với tư cách là chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện, đã nhúng tay vào việc cắt tài trợ cho một đại sứ quán Mỹ ở Benghazi.
Theo nhiều cựu nhân viên của chiến dịch tái tranh của ông Obama vào thời điểm đó, trụ sở của chiến dịch tràn ngập cảm giác nhẹ nhõm và lạc quan sau màn trình diễn ngoạn mục và ghi điểm của ông Biden.
Tám năm sau, ông Biden liệu có tái hiện được kỳ tích này khi đối thủ lần này của ông có một trong những đòn tấn công ưa thích là vùi dập đối thủ 77 tuổi về tuổi tác hay sự hoạt bát – mặc dù bản thân Trump cũng đã 74. Tuy nhiên, ông Biden có vẻ sẽ được lợi khi bị coi là yếu thế hơn, theo Guardian.
“Ông ấy được lợi từ kỳ vọng thấp của dư luận khi tham gia cuộc tranh luận này”, David Wilhelm, giám đốc chiến dịch ở Iowa của ông Biden trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1988, cho biết. “Tất nhiên, kỳ vọng có thể thay đổi giữa các cuộc tranh luận. Ông ấy sẽ được lợi từ điều đó”.
Ông Biden luôn có các cố vấn hàng đầu sát cánh. Ron Klain, chánh văn phòng của cựu phó tổng thống, người đã giúp ông Biden chuẩn bị tranh luận vào năm 2012, cũng góp mặt trong đội ngũ lần này. Sheila Nix, một phụ tá lâu năm khác đã tham gia hồi năm 2012, hiện là nhân viên hàng đầu của Thượng nghị sĩ California Kamala Harris, bạn của ông Biden. Mike Donilon, một cố vấn lâu năm khác của ông Biden, và Phó giám đốc chiến dịch tranh cử Kate Bedingfield cũng tham gia chuẩn bị cho cuộc tranh luận lần này.
Những người kỳ cựu từng làm việc với ứng viên Biden cho rằng ông thường thể hiện tốt trong các cuộc tranh luận đối đầu hơn là các tương tác giữa nhiều ứng viên. Ông cũng thích tham gia vào việc ra chính sách không quá bất ổn, một cố vấn hàng đầu trong chiến dịch tái tranh cử của ông Obama nhớ lại. Để chuẩn bị, ông Biden “chỉ muốn hỗ trợ để làm bật những điểm mà ông ấy muốn truyền tải”.
Bob Shrum, một chiến lược gia kỳ cựu đã cố vấn cho ông Biden, nói: “Ông ấy đã rất xuất sắc trong cuộc tranh luận cấp phó tổng thống năm 2012 và tôi nghĩ đó sẽ là hình mẫu phù hợp cho cuộc tranh luận lần này hơn là khi có tới 8 hay 10 người trên sân khấu”.
Ông Biden và đội tranh cử đã chuẩn bị cho cuộc “so găng” đầu tiên này trong nhiều tuần, nhưng chỉ đến vài ngày qua, sự tập trung mới được đẩy lên cao độ, theo một thành viên đảng Dân chủ có liên quan tới chiến dịch. Bản thân ông Biden gần đây cũng thừa nhận điều đó.
“Tôi chuẩn bị đã lâu nhưng chưa thực sự chú tâm vào nó”, ông Biden cho biết hôm 23/9. “Tôi sẽ bắt đầu lại vào ngày mai”. Ông đã dành những ngày cuối cùng này để chuẩn bị cho cuộc tranh luận.
PV (Tổng hợp)